Giáo dục nghề nghiệp từng bước bắt nhịp chuyển đổi số

15/11/2022 | 09:34 GMT+7

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số với mục tiêu hướng đến xây dựng môi trường học nghề thông minh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Chuyển đổi số được các cơ sở GDNN bắt nhịp, thực hiện từng bước và thực tế vẫn còn không ít khó khăn, rào cản...

Chủ động và linh hoạt, từng bước

Là cơ sở đào tạo nghề có quy mô lớn của tỉnh, ngay từ năm học 2021-2022 Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, đã quan tâm và triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số. Theo Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang: Năm học qua, để đáp ứng việc giảng dạy trong tình hình dịch Covid-19, nhà trường đã trang bị phần mềm quản lý dạy học trực tuyến E-learning, xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến, sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến (Zoom, GoogleMeet...). Ngoài ra, các khoa chuyên môn đều ứng dụng phần mềm, thiết bị mô phỏng theo chuyên ngành giảng dạy, thay đổi chương trình đào tạo, số hóa chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo...

Với quy mô đào tạo hơn 1.000 học viên, sinh viên, để công tác quản lý và giảng dạy bảo đảm chất lượng, những năm qua, nhà trường không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Việc quản lý viên chức, người lao động, quản lý đào tạo, tài chính... đang được số hóa và quản lý bằng phần mềm. Các giáo viên tập trung xây dựng giáo án điện tử, sử dụng máy chiếu trong giảng dạy, để tạo sức hấp dẫn, nhiều góc nhìn, tiếp cận kiến thức đa chiều cho người học.

Ông Võ Văn Thắng, Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, bộc bạch: “Nếu trước đây, công tác giảng dạy đối với các ngành, nghề của khoa điện - điện tử chủ yếu học theo hình thức thầy giảng, trò chép, thì gần đây chúng tôi đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin. Từ năm học qua, để thích ứng với tình hình thực tế, nhà trường linh hoạt ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức dạy và học. Giáo viên không chỉ soạn giáo án điện tử, các tiết dạy cũng sinh động hấp dẫn hơn khi được ứng dụng công nghệ thông tin. Thông qua các nhóm zalo lớp còn giúp giáo viên và học viên, sinh viên dễ dàng kết nối để cùng chia sẻ, thảo luận”.

Trước cơn khát nhân lực số và yêu cầu đòi hỏi về tay nghề chất lượng cao, việc đẩy mạnh chuyển đổi số để hướng tới xây dựng các mô hình trường nghề thông minh là xu thế tất yếu, đòi hỏi các cơ sở GDNN phải chủ động. Ông Nguyễn Duy Quốc, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Nam, chia sẻ: “Dù là đơn vị chuyên đào tạo các ngành, nghề về luật, nhưng để đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy, trước mắt nhà trường đã chủ động tổ chức dạy trực tuyến khi cần thiết và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Về công tác quản lý, hiện chúng tôi đang tập trung triển khai các phần mềm, nhưng còn gặp một số khó khăn. Do trước giờ, trường chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, nên khi tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số vẫn còn rất chậm”.

Ngoài linh hoạt ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức dạy và học, từ năm học 2021-2022 đến nay, Trường Cao đẳng Luật miền Nam còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tư vấn tuyển sinh. Trường đã ứng dụng công nghệ để tiếp cận, hướng nghiệp cho học sinh và tuyển sinh qua các kênh trực tuyến, website. Không chỉ trong công tác tuyển sinh, các khâu đào tạo cũng được nhà trường chú trọng ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng, trình độ cho người học.

Những cản trở...

Dù đã có sự chủ động, nhưng thời gian, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đối diện nhiều khó khăn: chưa theo kịp sự đổi mới công nghệ, thiếu nguồn lực, trang thiết bị để đáp ứng quá trình chuyển đổi số… Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Châu Thành A, cho biết: “Trong thực hiện chuyển đổi số ở GDNN, chúng tôi mới thực hiện được việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và hướng dẫn học viên tìm hiểu thông tin việc làm qua trang thông tin tuyển dụng trên hệ thống điện tử. Hiện tại, với khó khăn về trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, trình độ sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học của một số cán bộ, giáo viên vẫn còn hạn chế… đã gây cản trở không nhỏ đến việc thực hiện chuyển đổi số ở trung tâm”.

Thực hiện Quyết định số 2222 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, các cơ sở phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu: 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% nhà giáo của các cơ sở GDNN được đào tạo phát triển học liệu số; 100% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số GDNN quốc gia; 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng GDNN của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số…

Mới đây, Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong GDNN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch với 4 nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số cụ thể: Xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN; phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp độ GDNN phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế; phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN và đổi mới phương thức dạy và học; chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường; huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số GDNN; nâng cao nhận thức.

Để đạt mục tiêu kế hoạch của tỉnh đề ra, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, đòi hỏi các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>