Huyện Phụng Hiệp tập trung cho chuyển đổi số

25/10/2022 | 06:09 GMT+7

Mới khởi động trong một thời gian ngắn nhưng công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Phụng Hiệp ghi nhận những chuyển biến tích cực, tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương...

Chuyển đổi số đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực tại huyện Phụng Hiệp.

Nhiều mô hình gắn với chuyển đổi số

Khi nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến sẽ được địa phương trả kết quả tận nhà đây là cách làm đang được đẩy mạnh thực hiện thông qua mô hình “Trả hồ sơ trực tuyến (mức 3, 4) tại nhà cho người dân trên địa bàn xã Long Thạnh”. Ông Nguyễn Thanh Sáng, Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, bộc bạch: “Để khuyến khích người dân nộp hồ sơ trực tuyến, chúng tôi đã triển khai xây dựng mô hình trả hồ sơ trực tuyến tận nhà cho người dân. Những hồ sơ thủ tục để được trả tận nhà, bắt buộc phải nộp bằng hình thức trực tuyến. Thứ 6 hàng tuần, những hồ sơ giải quyết xong được Xã đoàn tổng hợp và chia theo địa bàn để thứ 2 đầu tuần, khi xã họp giao ban với các ấp sẽ giao về cho cán bộ đến tận nhà trả cho người dân”.

Thông qua mô hình trên, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn xã Long Thạnh đã đạt 81,44%. Bên cạnh tập trung thúc đẩy chính phủ số, về kinh tế số và xã hội số trên địa bàn xã Long Thạnh hiện cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Như 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn đã sử dụng ví điện tử, trên 95% sử dụng internet banking; 100% cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn đã sử dụng hóa đơn điện tử; 30% cơ sở kinh doanh, căng tin trường học có in mã QR code để khách hàng có thể thanh toán bằng ví điện tử. Toàn xã có 3.158 tài khoản dịch vụ công trực tuyến, 3.178 hộ gia đình có cài đặt app Hậu Giang, khoảng 3.100 tài khoản ví điện tử thanh toán không dùng tiền mặt, 60% người dân có điện thoại thông minh có cài đặt sổ sức khỏe điện tử...

Xác định chuyển đổi số là nội dung quan trọng trong công tác điều hành, chỉ đạo, quản lý tại địa phương đặc biệt là trong công tác điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh phát huy vai trò, hiệu quả của tổ công nghệ số cộng đồng ấp, xã Hòa Mỹ đã triển khai hiệu quả mô hình “Hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, kê khai, giải quyết thủ tục hành chính gắn với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4”. Thông qua mô hình đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên địa bàn đạt khoảng 80%. 

Ông Trần Văn Mến, công chức văn phòng thống kê UBND xã Hòa Mỹ, thông tin: “Thông qua mô hình, các ngày thứ 2, 4, 6, UBND xã sẽ phân công 4 hội, đoàn thể của địa phương thực hiện viết hộ mẫu biểu hồ sơ, hướng dẫn nộp, tạo tài khoản dịch vụ công… Với cách làm này, chúng tôi mong muốn có thể gia tăng hồ sơ phát sinh trực tuyến trên dịch vụ công. Ngoài phát huy hiệu quả của mô hình, chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm, sẽ có khoảng 90% hộ dân trên địa bàn cài đặt ví điện tử, app Hậu Giang. Địa phương cũng hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử”.

Đến nay, 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã, thị trấn được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ cho giải quyết thủ tục hành chính; 100% văn bản đi/đến được chuyển trên môi trường mạng giữa các cơ quan, đơn vị; 100% lãnh đạo cấp xã đều được cấp và sử dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành. Khoảng 80% hộ dân trên địa bàn đã được tạo tài khoản dịch vụ công và cài đặt ví điện tử…

Chuyển biến tích cực

Ngay từ những ngày đầu triển khai chủ trương về chuyển đổi số, Huyện ủy, UBND huyện Phụng Hiệp và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện đã chỉ đạo quyết liệt, đề ra quan điểm rõ ràng, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành trên địa bàn. Qua đây, góp phần khẳng định vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số khi thể hiện qua nhiều lợi ích mà người dân được thụ hưởng.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Phụng Hiệp hiện đã thành lập được 15 ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã, thị trấn và 128 tổ công nghệ số cộng đồng ở các ấp, với 906 thành viên tham gia. Tính đến hết quý III, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn huyện đạt 36,27%. Trong đó, cấp huyện đạt 16,63% cao nhất so với các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh; cấp xã đạt 54,30% xếp thứ 4 so với các xã, thị trấn trong tỉnh. Tỷ lệ hộ dân cài app Hậu Giang và ví điện tử thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 37,02%. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các nhà mạng lắp đặt wifi cho 128 ấp và 14 chợ trên địa bàn. Địa phương còn triển khai xây dựng và thực hiện 7 mô hình gắn với thúc đẩy chuyển đổi số ở các xã, thị trấn.

Ông Phạm Văn Thế, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện vẫn còn một số điểm nghẽn cần tháo gỡ, đó là một số cơ quan, đơn vị chưa hình dung hết được tổng thể về chuyển đổi số, cán bộ chuyên sâu về chuyển đổi số còn thiếu, thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu... Tuy nhiên, với sự quyết tâm chính trị cao và sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tin rằng quá trình chuyển đổi số của huyện Phụng Hiệp nói riêng và của tỉnh nói chung, sẽ đạt được những kết quả đã đề ra trong nghị quyết của Đảng bộ huyện, tạo ra bước đột phá quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>