Anh hùng thời chiến - Gương mẫu thời bình

29/04/2020 | 07:43 GMT+7

Tròn 45 năm đất nước thống nhất, những chiến sĩ anh dũng tham gia đánh giặc cứu nước năm xưa nay đã bước sang tuổi xế chiều. Tuy nhiên, dù ở thời bình hay thời chiến, tuổi trẻ hay tuổi già họ vẫn sắt son một lòng yêu nước, tiếp tục chung tay xây dựng quê hương phát triển.

Ông Hồ Phước Be, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh tỉnh, tích cực với công việc.

Góp sức xây dựng Hội vững mạnh

Sinh ra và lớn lên tại xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, năm 14 tuổi, ông Hồ Phước Be, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Cựu Chiến binh tỉnh, bắt đầu tham gia cách mạng với vai trò giao liên. Năm 1972, lần đầu tiên ông trực tiếp tham gia cùng đồng đội đánh trận tiêu diệt Hội đồng Sửu (xã Thuận Hưng) và từ đó, ông liên tiếp có mặt trong các trận đánh ác liệt tiêu diệt nhiều đồn bót của địch trên địa bàn Long Mỹ, Vị Thủy.

Nhớ như in về trận đánh giải phóng quê hương Hậu Giang, ông Be kể: “Khi đó, tôi làm Trung đội trưởng Trinh sát đặc công thuộc Huyện đội Long Mỹ. Sáng ngày 30-4, đơn vị của tôi cùng với Đại đội địa phương quân huyện đánh trận tại cầu Gốc Mít (Vị Thủy) tiêu diệt được 7 tên địch và thu về 5 khẩu súng. Chiều ngày 30-4, chúng tôi hành quân lên ngã ba Vĩnh Tường, chuẩn bị tối xuống Vị Thanh tiếp tục chiến đấu. Trung đội có hơn 10 người, được giao nhiệm vụ đi đầu, trên đường đi chúng tôi gặp Tiểu đoàn 406 của địch án ngữ tại phường V, thành phố Vị Thanh hiện nay nên xảy ra trận đánh ác liệt, kết quả quân ta bắt sống 2 tên địch. Đến khoảng 8 giờ sáng ngày 1-5, địch suy yếu hoàn toàn nhưng chưa chịu ra đầu hàng nên lực lượng ta bắn hỏa lực vào căn cứ địch buộc chúng phải bỏ chạy…”.

Sau khi đất nước thống nhất, đầu năm 1978 đến năm 1979, ông Be tiếp tục nhận nhiệm vụ tham gia tại chiến trường nước bạn Campuchia. Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, nhiệm vụ ông trở về công tác tại Tỉnh đội Hậu Giang (cũ). Đến năm 1990, do hoàn cảnh gia đình, ông xin về địa phương và tiếp tục tham gia công tác tại địa phương cho đến nay.

Trở về quê hương công tác, với vai trò là cựu chiến binh, là Bộ đội Cụ Hồ, hơn ai hết, ông luôn ý thức được nhiệm vụ của bản thân đối với Nhân dân, với đất nước. Chính vì lẽ đó, dù ở vị trí công tác nào ông vẫn luôn nỗ lực làm tròn nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2002 đến năm 2012, với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Vị Thủy, ông Be nhận thấy việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội là vấn đề quan trọng góp phần nâng cao hoạt động hội ở cơ sở. Từ đó, ông tập trung củng cố hoạt động hội cơ sở, phân công ủy viên ban chấp hành hội các cấp trực tiếp dự sinh hoạt cùng chi hội, qua đó nắm bắt các vấn đề khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

Từ đó, việc sinh hoạt lệ ở các chi hội dần đi vào nề nếp, số lượng hội viên tham gia luôn đảm bảo đạt từ trên 75%, thời gian sinh hoạt được thực hiện nghiêm, đúng định kỳ; nội dung sinh hoạt đảm bảo theo quy định.

Ngoài ra, ông Be còn phát động thêm nhiều phong trào bề nổi khác để tập hợp hội viên như: phong trào văn nghệ quần chúng, phong trào hùn vốn giúp nhau làm kinh tế, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên.

Từ năm 2012 đến nay, ông đảm nhận nhiệm vụ tuyên giáo tại Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ông Be cho biết: “Công tác tuyên giáo của Hội Cựu chiến binh tỉnh luôn được xác định là quan trọng góp phần xây dựng hội các cấp trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa. Do đó, công tác này luôn bám sát nhiệm vụ chung, phục vụ đắc lực xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh toàn diện và thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ”.

Xác định nhiệm vụ quan trọng này, ông Be rất tích cực tham mưu cho Thường trực Hội tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền tạo nhận thức đúng đắn cho cán bộ, hội viên và Nhân dân về tình hình thuận lợi cũng như thách thức đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; nâng cao sự kiên định, vững vàng, nêu cao ý chí quyết tâm góp sức lực, trí tuệ của cựu chiến binh vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng…

Ông Trương Tấn Mùi, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Long Hoà 2, tập trung phát triển kinh tế.

Tiêu biểu trên “trận tuyến” kinh tế

Cựu chiến binh Trương Tấn Mùi, ở ấp Long Hòa 2, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, rất tích cực đóng góp sức mình vào phong trào cựu chiến binh địa phương, phát huy vai trò gương mẫu trong tham gia xây dựng nông thôn mới, thi đua sản xuất giỏi.

Ông Mùi sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng có 3 anh trai là liệt sĩ, bản thân cũng thoát ly gia đình tham gia vào đội du kích xã nhà từ năm 1969 lúc tròn 17 tuổi; ông cũng từng tham gia nhiều trận đánh lớn trên địa bàn huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp để giải phóng quê hương…

Rời quân ngũ, ông Mùi lao vào chăm lo gia đình, để sớm thoát nghèo khó, ông không ngại ngày đêm làm thuê vất vả. Khi con cái lớn khôn, kinh tế gia đình từng bước ổn định, ông Mùi tiếp tục tham gia công tác tại địa phương với vai trò trưởng ấp rồi chuyển sang làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp đến nay.

Với vai trò là chi hội trưởng, ông làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực sản xuất nâng cao đời sống; thành lập tổ hùn vốn trong chi hội để hội viên mượn không tính lãi. Bình quân mỗi tháng, tổ hùn vốn ở chi hội ông quản lý giúp được 2 hội viên mượn vốn với số tiền từ 6-10 triệu đồng/người.

Ông còn vận động hội viên học tập, ra mắt các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi mô hình vườn tạp kém hiệu quả để tăng thu nhập. Đến nay, chi hội có 21 hội viên, 100% hộ hội viên thoát nghèo; một số hội viên có mô hình làm kinh tế hiệu quả cao, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

“Để tuyên truyền có hiệu quả, tôi luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào ở địa phương. Không những tích cực sản xuất để kinh tế gia đình ổn định, tôi còn chú trọng giáo dục con cháu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tránh xa các tệ nạn xã hội”, ông Mùi bộc bạch.

Ông Mùi rất tự hào vì bao công sức của những người lính như ông nay đã được bù đắp bằng cuộc sống hòa bình, tự do, no đủ của thế hệ con cháu. Tận mắt chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, đất nước càng làm cho ông có thêm động lực để tiếp tục tham gia góp phần cho sự phát triển địa phương. 

Trong chiến tranh, những người như ông Be, ông Mùi đã “vào sinh ra tử”, đối mặt với quân thù lập nên những chiến công. Hòa bình lập lại, họ tiếp tục tiên phong, gương mẫu cùng Đảng, chính quyền và Nhân dân xây dựng quê hương thêm giàu đẹp…

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>