Cải cách để phục vụ

25/10/2017 | 08:35 GMT+7

Bài 2: “Gỡ rối” về văn bản, thủ tục hành chính

Trước tình trạng ở cơ sở than phiền vì bị... văn bản (báo cáo, kế hoạch...) “hành”; người dân, doanh nghiệp gặp khó vì thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, phức tạp nên việc giảm bớt đầu mối văn bản, đơn giản hóa TTHC đang được cả hệ thống chính trị của tỉnh rốt ráo thực hiện.

Công tác cải cách thủ tục hành chính đang được bộ phận một cửa trong tỉnh thực hiện tốt.

Không còn nặng nề vì văn bản

Gần đây, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm bớt các đầu mối văn bản cho tuyến cơ sở. Theo đó, Tỉnh hội đã cải tiến sổ quản lý công tác hội từ cấp huyện đến tổ hội, qua đó giảm từ 34 sổ xuống còn 24 sổ nhưng vẫn đảm bảo các thông tin quản lý theo yêu cầu; xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, ban hành văn bản chỉ đạo đến tận cơ sở, hội nông dân cấp huyện, cơ sở chỉ căn cứ vào chương trình, kế hoạch đó để thực hiện nên giảm số lượng lớn văn bản cần phải xây dựng lại.

Đặc biệt, trong thực hiện chế độ báo cáo trong hệ thống hội từ năm 2017, các cấp hội chỉ báo cáo hàng tháng bằng số liệu, không báo cáo theo đề cương văn bản (văn bản hiển thị đầy đủ các nội dung, đề mục chỉ còn áp dụng cho báo cáo quý, 6 tháng và báo cáo năm). Ngoài ra, Văn phòng Hội Nông dân tỉnh còn có email chung để tạo thuận tiện cho việc gửi, nhận văn bản và trao đổi thông tin kịp thời trong hệ thống.

Song song đó, để tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, năm 2017, Hội Nông dân tỉnh đề nghị 76/76 cơ sở hội tranh thủ trang bị máy vi tính phục vụ công việc. Kết quả là hội nông dân ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có máy vi tính dùng riêng, coi đây là cơ sở để Tỉnh hội tiếp tục triển khai ứng dụng các phần mềm văn phòng thực hiện chuyển, nhận văn bản chỉ đạo, giao việc trên hệ thống phần mềm trong tương lai nhằm mục tiêu tạo môi trường làm việc điện tử, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm.

Ông Danh Sol, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Việc báo cáo hàng tháng chỉ thực hiện thông qua cập nhật số liệu giúp chúng tôi giảm bớt nhiều thời gian so với trước đây. Chưa kể là giảm áp lực trong việc cập nhật sổ sách, xây dựng văn bản cho cán bộ làm công tác ở cơ sở, nhất là ở các chi, tổ hội. Từ đó, giúp cán bộ cơ sở có thêm thời gian tăng cường đi thực tế và theo dõi hoạt động ở các chi, tổ hội”.

Tỉnh đoàn Hậu Giang cũng thể hiện rõ quyết tâm trong thực hiện chủ trương “tinh gọn” văn bản. Anh Nguyễn Minh Thương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, cho biết: “Chúng tôi đã rà soát và giảm bớt nhiều văn bản không cần thiết. Chưa hết, nếu trước đây, đôi lúc các ban của Tỉnh đoàn yêu cầu huyện, thị, thành đoàn gửi báo cáo kết quả thực hiện một số chuyên đề thì nay tất cả các văn bản báo cáo đều gom về một đầu mối cho Văn phòng Tỉnh đoàn, chứ các ban không được yêu cầu các địa phương làm báo cáo riêng”.

Không riêng Hội Nông dân hay Tỉnh đoàn, việc giảm các đầu mối văn bản không cần thiết đang được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức cho tuyến cơ sở nhưng vẫn đảm bảo tốt các hoạt động chuyên môn.

Giảm thủ tục hành chính để thu hút đầu tư

Song song với yêu cầu giảm bớt các văn bản không cần thiết thì công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt thời gian qua. Nhất là trong bối cảnh tỉnh nhà đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nên việc cải cách TTHC theo hướng tinh gọn, đơn giản hóa là điều cần thiết để… mở rộng cửa đón nhà đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã rút ngắn đáng kể thời gian cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Theo ông Lâm Kim Bình, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, để rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh. Bên cạnh đó, luôn có cán bộ túc trực để giải đáp, hỗ trợ những gì doanh nghiệp cần về pháp lý, thông tin.

Ông Bình cho biết thêm: “Theo luật quy định thì việc cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời gian 3 ngày, nhưng chúng tôi cố gắng thực hiện trong thời gian 1,5 ngày để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Còn khi doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi về địa chỉ, giám đốc, ngành nghề kinh doanh thì chúng tôi giải quyết liền cho họ”.

Xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nên toàn ngành thuế Hậu Giang đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp về chính sách thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nộp thuế trong quá trình thực thi các TTHC thuế.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế thông qua việc đẩy mạnh kê khai và nộp thuế qua mạng internet đã làm giảm số giờ nộp thuế. Tính đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khai và đăng ký nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó, từ ngày 1 tháng 5 năm nay, Cục Thuế tỉnh đã triển khai hoàn thuế giá trị gia tăng bằng hình thức điện tử cho một số doanh nghiệp và hiện đã triển khai rộng rãi đến tất cả các doanh nghiệp của tỉnh.

Mặt khác, ngành thuế tỉnh đã ban hành quy chế về trách nhiệm công khai xin lỗi người nộp thuế trong việc giải quyết hồ sơ, TTHC thuế tại cơ quan thuế và ban hành công văn chỉ đạo chấn chỉnh công tác giải quyết TTHC thuế, trong đó toàn thể công chức của ngành đều phải viết bản cam kết chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tinh thần thái độ ứng xử trong giải quyết TTHC thuế. “Trong công tác, chúng tôi luôn giữ thái độ vui vẻ, tôn trọng và giải quyết nhanh thủ tục để hướng tới sự hài lòng cho người nộp thuế”, anh Đào Duy Tân, công chức Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh, chia sẻ.

Muốn đầu tư vào một địa phương nào đó thì ngoài điều kiện như khí hậu, thổ nhưỡng, cơ sở hạ tầng,… doanh nghiệp còn chú ý đến nền hành chính nơi đó có tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại hay không. Nhờ công tác cải cách, đơn giản hóa TTHC được ngành chức năng của tỉnh thực hiện tốt đã giúp Hậu Giang thu hút hàng loạt các dự án lớn, như: Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Cảng biển Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam), Nhà máy Bia Masan (Tập đoàn Masan)… Đây sẽ là tiền đề, là nền tảng để Hậu Giang phát triển hơn nữa.

Trên thực tế, tất cả những cải cách, đổi mới trong hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền thời gian qua đều hướng tới mục đích chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân và lớn hơn là để thực hiện mục tiêu an dân…

Trong Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đề ra một số chỉ tiêu để thực hiện, như: Sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt 80%; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 80%; thực hiện một cửa liên thông hiện đại tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc văn phòng HĐND và UBND cấp huyện đạt 100%; 100% các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; 90% cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào quy trình xử lý văn bản.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Bài 3: Vì mục tiêu an dân

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>