Công tác tuyên giáo 88 năm xây dựng - trưởng thành

01/08/2018 | 08:25 GMT+7

Trong 88 năm qua, công tác tư tưởng, lý luận là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng.

Ông Nguyễn Hữu Tình (giữa), Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trao giải cho các tác giả đoạt giải nhất Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức. Ảnh: Trường Sơn

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã đến rất nhiều nước như Anh, Mỹ, Pháp... Dù ở nơi đâu, Người cũng canh cánh bên lòng một hoài bão: Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi. Chính hoài bão đó đã thôi thúc Người nghiên cứu bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Cách mạng Pháp năm 1789, Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc năm 1911... Ở đó, Người đã tiếp thu rất nhiều về tư tưởng tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái… nhưng Người nhận thấy rằng: những cuộc cách mạng này không triệt để, ở đó vẫn tồn tại chế độ người bóc lột người, đại bộ phận người dân lao động không có cuộc sống tự do, bình đẳng, hạnh phúc…

Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Ở đây Người đã chủ động hòa mình vào cuộc sống của những người dân lao động, đến các buổi sinh hoạt chính trị, các buổi mít-tinh, nói chuyện ở các đường phố, gặp những người bạn Pháp đấu tranh trong phong trào công nhân. Cũng trong năm 1917, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi. Đây là cuộc cách mạng có ý nghĩa quan trọng đối với thời đại và lịch sử mà không phải ai cũng nhận ra. Cuộc cách mạng đã tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Tất Thành. Người đã đi đến kết luận cơ bản: Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, ở nước Nga, những người lao động đã nắm được chính quyền. Trên cơ sở đó, Người đã tích cực tham gia vận động, diễn thuyết kêu gọi Nhân dân Pháp ủng hộ Cách mạng Tháng Mười. Những hoạt động trên của Nguyễn Ái Quốc chứng tỏ nhận thức chính trị của Người đã có bước phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ chưa hiểu bản chất cuộc cách mạng thì giờ đây Người đã có xu hướng theo cuộc cách mạng tiến bộ nhất trên thế giới.

Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên Báo Nhân đạo của Pháp. Người đã khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Sau khi có được đường lối cứu nước, mặc dù chỉ bước đầu, nhưng công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ… chính nhờ thế mà các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với lịch sử và dân tộc ta đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 từ việc hợp nhất các tổ chức cách mạng trong nước. Người đứng ra tổ chức không ai khác hơn là Nguyễn Ái Quốc. Sau ngày trọng đại đó, nhiệm vụ hàng đầu là tuyên truyền những văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. Xuất phát từ yêu cầu đó, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng ra đời. Ngay từ buổi đầu, Ban đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động công nhân, nông dân mít-tinh, biểu tình chống khủng bố, đòi độc lập dân tộc, dân chủ. Đặc biệt, vào ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1-8” nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với Nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu giữ cho đến nay. Tài liệu này khi vừa được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Kể từ ngày 1-8 đến tháng 10-1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít-tinh, biểu tình của Nhân dân ta. Từ đó, ngày 1-8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

Trong 88 năm qua, công tác tư tưởng, lý luận là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức Nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng; khẳng định và nâng cao vai trò tiền phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò “đi trước, mở đường” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận rõ vai trò to lớn đó, trong những năm qua công tác tư tưởng luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm, góp phần quan trọng vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Cùng với quá trình ra đời, phát triển của Đảng, ngành tuyên giáo của Đảng nói chung, ngành tuyên giáo tỉnh Hậu Giang nói riêng luôn khẳng định và phát huy tốt vai trò là bộ phận quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Trong thời gian qua, ngành tuyên giáo tỉnh Hậu Giang đã bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng; ra sức tuyên truyền, vận động, tạo niềm tin, sức mạnh to lớn trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược trong cách mạng giải phóng dân tộc và giành được nhiều thành tựu to lớn trong thời kỳ đổi mới. Cũng trên tinh thần đó, ngành cũng đã làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần đưa tỉnh nhà vượt qua những khó khăn thách thức trong những năm đầu thành lập để có được những thành quả của ngày hôm nay.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù tình hình quốc tế và khu vực đầy biến động; tình hình trong nước cũng “nóng” lên với việc Đảng ta quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức... song ngành tuyên giáo toàn tỉnh đã phát huy tốt truyền thống, tập trung làm tốt công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức khoa học kỹ thuật và giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên. Trong những năm qua, ngành đã tăng cường điều tra, nắm bắt dư luận xã hội; phản ánh, đề xuất với các cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Ngành tuyên giáo đã chú trọng đối thoại, cung cấp, định hướng thông tin; phát huy có hiệu quả hệ thống báo chí; đặc biệt là mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội... Tập trung tuyên truyền có trọng điểm các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là việc thực hiện ba đột phá chiến lược, các thành tựu về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, về công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác và việc thực hiện Chỉ thị 05 của Tỉnh ủy;  đấu tranh chống các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa...

Những nỗ lực của ngành tuyên giáo trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động trong Đảng bộ, đồng thuận trong xã hội; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân nỗ lực, thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra.

Có được những kết quả đó là nhờ vào sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Trung ương, của các cấp ủy đảng; sự đoàn kết, thống nhất trong từng Đảng bộ; sự kế thừa, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của những nhiệm kỳ trước. Kết quả đó còn là những nỗ lực phi thường của toàn ngành tuyên giáo của tỉnh nhà, từng đồng chí luôn bám sát trận địa, vững vàng trên “đầu sóng ngọn gió” của cuộc chiến tư tưởng; sự phấn đấu vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên trong điều kiện tỉnh nhà còn nhiều khó khăn và đó còn là sự đồng thuận lớn lao của Nhân dân trong quá trình xây dựng quê hương và con người Hậu Giang “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”.

Trong những năm tới, Hậu Giang quyết tâm đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã xác định: “Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát triển kinh tế với tốc độ hợp lý, bền vững; tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các chính sách về an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; phấn đấu đến năm 2020, Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Để làm được điều đó, ngành tuyên giáo toàn tỉnh phải xác định một cách rất rõ trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để làm sao thực sự phát huy được vai trò “đi trước, mở đường”; tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Nâng cao tính thuyết phục trong công tác tư tưởng để những mục tiêu, lý tưởng của Đảng, những nghị quyết, chỉ thị, quyết tâm chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thấm sâu đến từng lĩnh vực đời sống xã hội, từng cán bộ, đảng viên.

NGUYỄN HỮU TÌNH Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>