Cựu chiến binh vượt khó

17/04/2020 | 07:41 GMT+7

Trưởng thành từ môi trường khắc nghiệt thời chiến, những hội viên cựu chiến binh ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy ngày nay quyết không đầu hàng số phận, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có chung một ý chí nỗ lực vượt khó vươn lên.

Ông Luôn tận dụng cây bắp sau thu hoạch trái xay ra làm thức ăn nuôi bò.

Ông Phạm Văn Hai, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Tường, cho biết: “Phát huy vai trò gương mẫu của cựu chiến binh trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, tất cả hội viên cựu chiến binh trên địa bàn luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, không cam chịu đói nghèo”.

Ngoài nỗ lực của từng hội viên, Hội Cựu chiến binh xã còn tạo điều kiện để hội viên tiếp cận vốn vay ngân hàng, thành lập các tổ hùn vốn tương trợ cho hộ khó khăn có thêm điều kiện để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Từ đó đời sống kinh tế của hội viên ngày càng chuyển biến tích cực.

Sáu năm trước, ông Tạ Mạnh Hùng, hội viên cựu chiến binh ở ấp Vĩnh Hòa, có cuộc sống khó khăn bởi gia đình chỉ có vài công đất nhưng quá trình canh tác thường xuyên thất mùa. Nhờ chí thú làm ăn và được người quen giới thiệu nên ông mạnh dạn thử nghiệm mô hình chăn nuôi bò.

Bước đầu, ông mua cặp bò với giá 36 triệu đồng. Sau năm rưỡi chăm sóc, bò cái mang thai và ông quyết định bán bò đực được hơn 45 triệu đồng. Nhận thấy mô hình này phù hợp với điều kiện gia đình nên ông tiếp tục tái đàn, duy trì nuôi bò sinh sản đến nay.

Sau 6 năm, ông đã xuất bán được 10 con với giá từ 16-17 triệu đồng/bò giống và hơn 40 triệu đồng/con bò thịt. Đến nay, ông cũng chuyển đổi 4 công đất của gia đình sang trồng bắp, cỏ nuôi bò; đồng thời xây dựng thêm 3 bể xi măng dự định sẽ nuôi lươn hoặc ba ba và bắt đầu tập nuôi trùn quế.

“Qua tìm hiểu các mô hình làm ăn trên mạng internet, tôi sẽ thử nghiệm mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín. Cụ thể là trồng bắp làm thức ăn cho bò, rồi phân bò dùng làm thức ăn của trùn và trùn sẽ là thức ăn cho lươn, ba ba. Nếu áp dụng tốt mô hình khép kín này thì tiết giảm chi phí đầu tư thức ăn cho vật nuôi trong khi lợi nhuận gia tăng đáng kể”, ông Hùng bộc bạch.

Thành công với mô hình nuôi bò, bây giờ cuộc sống gia đình ông Hùng đổi thay rõ rệt. Ngoài có của ăn của để thì nhà cửa cũng được sửa sang rộng rãi, khang trang hơn.

Tương tự như ông Hùng, từng thuộc diện hộ nghèo của ấp nhưng giờ đây kinh tế gia đình của ông Lê Văn Luôn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Vĩnh Hiếu, cải thiện hơn trước rất nhiều.

Minh chứng cho thành quả nỗ lực vượt khó đó là căn nhà đồng đội đơn sơ trị giá 22 triệu đồng được trao tặng cách nay hơn 15 năm hiện đang được cơi nới ra rộng rãi hơn, trần nhà có thêm la phông, tường và nền nhà đều được ốp gạch mới toanh.

Ông Luôn tâm sự, lúc gia đình rơi vào cảnh khốn khó, ông được người thân hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay với chính sách ưu đãi hỗ trợ 2 năm lãi suất để mua máy cày.

“Từ một máy làm ăn ban đầu thuận lợi, tôi tiếp tục mua thêm 2 máy để cùng các con đi cày thuê khắp nơi. Tính ra bình quân mỗi vụ sau khi trừ đi các khoản chi phí cũng còn lời được 40-50 triệu đồng. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá lên”, ông Luôn phấn khởi nói.

Giờ đây, do các con đã có gia đình riêng và công việc ổn định nên ông Luôn chỉ duy trì hoạt động 1 máy cày. Ngoài ra, để tạo nguồn thức ăn cũng như chi phí sinh hoạt cho gia đình, vợ chồng ông còn tận dụng đất trống, mương vườn chăn nuôi gà, vịt và thả cá các loại.

Với vai trò là chi hội trưởng, ông Luôn còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chí thú làm ăn để vươn lên trong cuộc sống. Đáng ghi nhận là đến nay, tất cả 16 hội viên của Chi hội Cựu chiến binh ấp Vĩnh Hiếu đều có cuộc sống ổn định, không còn trường hợp nghèo khó.

Theo ông Luôn, để tạo điều kiện hỗ trợ cho hội viên có vốn làm kinh tế, chi hội đã thành lập tổ hùn vốn tương trợ và phát vay với lãi suất thấp. Tổ đã duy trì nhiều năm nay, hiện tổng nguồn vốn đã hơn 120 triệu đồng và đang giải quyết cho 6 lượt vay.

“Tiền lãi thu về chủ yếu chia cho các thành viên vào cuối năm để họ có thêm chi phí chi tiêu trong dịp tết, còn nguồn vốn thì giữ lại nên cứ thế mà tăng lên. Quan trọng là có thể giải quyết tốt nhu cầu vay vốn làm ăn, mở rộng mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình của nhiều hội viên” ông Luôn thông tin thêm.

Với những nỗ lực của bản thân, từng hội viên cựu chiến binh xã Vĩnh Tường đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong số đó, những cựu chiến binh như ông Hùng, ông Luôn xứng đáng là hội viên tiêu biểu, góp phần truyền cảm hứng, tạo động lực cho những hộ nghèo học tập để vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.

Hiện Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Tường có 196 hộ hội viên nhưng chỉ còn 4 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo. Hầu hết các hộ chưa thể thoát nghèo đều có hoàn cảnh gia đình neo đơn hoặc hội viên bị bệnh hiểm nghèo…

 

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>