Đề xuất nâng mức hỗ trợ phụ cấp đối với cán bộ bán chuyên trách ở ấp, khu vực

24/08/2017 | 08:23 GMT+7

Sau đợt kiểm tra thực tế ở các huyện, thị, thành phố và một số sở, ngành việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Hữu Tình (ảnh), Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, đã dành cho Báo Hậu Giang cuộc trao đổi.

Ông Nguyễn Hữu Tình nhấn mạnh: “Tỉnh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang nhằm tạo cho Hậu Giang có một đội ngũ cán bộ đủ chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị để phục vụ và xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng giàu mạnh”.

Thưa ông, sau đợt giám sát, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện Nghị quyết của HĐND về đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực của các địa phương ?

- Qua giám sát, tôi nhận thấy các đơn vị thực hiện rất tốt, đúng quy định, công khai, minh bạch, kịp thời theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Việc cử cán bộ, công chức, viên chức đào tạo, bồi dưỡng đúng quy trình và không bỏ sót đối tượng được thụ hưởng. Điều đó thể hiện qua các yếu tố như Tỉnh ủy cho chủ trương, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang từ khi mới thành lập tỉnh cho đến nay. Qua đó, UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết của HĐND tỉnh để triển khai thực hiện một cách nghiêm túc.

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ đã làm tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của tỉnh, quy trình cử cán bộ, công chức, viên chức đào tạo, để UBND tỉnh có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực phù hợp từng năm, từng giai đoạn và đạt hiệu quả cao nhất. Các cấp, các ngành luôn quan tâm đến việc thực hiện các chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực nên cán bộ, công chức, ứng viên được thụ hưởng đầy đủ các chế độ về đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực.

Vậy theo ông, đâu là những hạn chế mà các đơn vị, địa phương cần khắc phục trong thời gian tới khi thực hiện nghị quyết này ?

- Các đơn vị, địa phương cần mạnh dạn chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh để từ đó tỉnh có sự điều chỉnh, UBND tỉnh có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới. Phải đánh giá sát chất lượng sau khi đào tạo cán bộ, công chức, viên chức. Công tác bố trí, sắp xếp việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi đào tạo, bồi dưỡng, thu hút phải đúng vị trí việc làm, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo.

Đặc biệt, có giải pháp hữu hiệu nhất trong việc bố trí kinh phí để thực hiện nghiêm túc các chế độ về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức của từng đơn vị theo Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh về sửa đổi chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung chế độ chi tiêu hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị cần tăng cường số lượng, chất lượng nghiên cứu khoa học của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh để áp dụng rộng rãi vào công tác và cuộc sống. Công tác nghiệm thu đề tài phải đảm bảo chất lượng và công tâm. Công tác chọn cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng phải thể hiện tính minh bạch, công khai. Chú trọng đến công tác đào tạo lý luận chính trị đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt quan tâm đào tạo lý luận chính trị đến các đối tượng là cán bộ cấp cơ sở (bí thư chi bộ ấp, trưởng ấp, cán bộ bán chuyên trách ấp…).

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh.

Liên quan đến việc cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc nhiều thời gian qua, ông sẽ có những đề xuất gì để giúp hạn chế thực trạng trên ?

- Tôi đã kịp thời nắm bắt tình hình trên và đã có kiến nghị đến Tỉnh ủy để tổng hợp một cách toàn diện về vấn đề này. Trong hướng tới, tôi tiếp tục đề xuất đến Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức cuộc hội nghị chuyên đề về vấn đề này nhằm có giải pháp cụ thể nhất để giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên.

Sau đợt giám sát, những kiến nghị nào sẽ được trình lên HĐND tỉnh, thưa ông ?

- Các kiến nghị sẽ là xem xét việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách thu hút nhân lực và nghiên cứu khoa học cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tăng chế độ thu hút nhân lực đối với các đối tượng có trình độ chuyên môn cao tự nguyện về tỉnh công tác. Hỗ trợ mức thưởng có bằng sau đại học từ 50% hoặc 70% so với chế độ thu hút của tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức tự học tập nâng cao trình độ nhưng phù hợp vị trí việc làm, chức danh quy hoạch.

Cùng với đó, kiến nghị tăng cường giám sát các đơn vị, cơ quan trong việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trước và sau khi cử cán bộ, công chức, viên chức đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực. Đặc biệt là nâng mức hỗ trợ phụ cấp đối với đối tượng là cán bộ bán chuyên trách ở ấp, khu vực để họ yên tâm công tác, phát huy sở trường.

Toàn tỉnh có 19.491 cán bộ, công chức, viên chức. Về trình độ chuyên môn, có 829 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học, 11.978 trường hợp trình độ đại học, 2.514 trường hợp trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp là 3.564 trường hợp, còn lại là trình độ sơ cấp. Về trình độ lý luận chính trị, có 1.708 trường hợp có trình độ cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị có 6.765 trường hợp, còn lại là trình độ sơ cấp lý luận chính trị và chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị.

 

Xin cảm ơn ông !

CAO OANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>