Đổi thay vùng đất anh hùng

24/04/2019 | 07:44 GMT+7

Trở về Châu Thành trong những ngày tháng 4 lịch sử, để cảm nhận rõ nét hơn sự thay đổi của quê hương sau 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Quang luôn tích cực lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương.

Chung tay xây dựng

Xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, địa phương giàu truyền thống cách mạng, về đây, mọi người sẽ được lắng nghe nhiều câu chuyện hào hùng của một thời khói lửa. Là thương binh hạng 2/4, sống và chiến đấu tại quê hương Phú Hữu từ những năm 1972, ông Nguyễn Văn Quang, ở ấp Phú Lợi A, luôn ghi nhớ hình ảnh ngày ấy. Nhâm nhi tách trà, ông Quang nói: “Thời đó, làng xóm, cảnh vật tiêu điều, người dân nghèo khó, cơ cực, dù có đất nhưng làm chẳng đủ ăn. Bộ đội chúng tôi ăn bo bo để chống đói, quần áo không đủ mặc, phải đập trái mù u làm dầu mà thắp sáng. Bây giờ, quê hương phát triển gấp trăm lần, bản thân là người lính cụ Hồ, tôi thấy tự hào lắm”.

Hiện toàn xã có khoảng 300 gia đình chính sách, trong đó, 100 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên, với số tiền trên 162 triệu đồng/tháng. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, hỗ trợ, động viên khích lệ tinh thần, nên các gia đình chính sách luôn hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, hầu hết đều có mức sống ổn định. Bên cạnh đó, địa phương cũng ưu tiên nguồn vốn vay, mở các lớp dạy nghề,… Từ năm 2013 đến nay, xã đã xây mới và bàn giao 82 căn nhà theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ,…

Bà Tôn Thị Ánh, ở ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu, từng công tác trong ngành y tế huyện Châu Thành những năm đầu thập niên 70, chia sẻ: “Hồi xưa y, bác sĩ dùng nước dừa truyền cho bệnh nhân; băng gạc phải giặt sạch để sử dụng lại,… nhiều khó khăn lắm. Chúng tôi từng sống và làm việc trong thời gian đó, nên cảm nhận được sự thay da đổi thịt từng ngày của quê hương, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện từ Đảng và Nhà nước. Trách nhiệm của chúng tôi là góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp”.

Bên cạnh đó, việc chăm lo đời sống hộ nghèo cũng được xã Phú Hữu chú trọng. Với 161 hộ, chiếm 6,4%, xã đang tích cực đề ra nhiều kế hoạch, áp dụng phù hợp để cải thiện đời sống người dân. Địa phương cũng đẩy mạnh việc vận động xã hội hóa hỗ trợ nhà tình thương cho hộ nghèo, năm 2018 là 4 căn, mỗi căn trên 40 triệu đồng. Ông Trần Thanh Toán, Chủ tịch UBND xã Phú Hữu, cho biết: “Xoa dịu vết thương chiến tranh, cải thiện đời sống người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại địa phương. Tôi cảm nhận được sự tin tưởng của người dân vào chính quyền nên luôn phối hợp, thực hiện nhịp nhàng và hiệu quả những phần việc liên quan”.

Khoác áo mới

Nằm giáp ranh với xã Phú Hữu là thị trấn Mái Dầm, một đô thị trẻ được thành lập từ năm 2011. Giờ đây, qua rồi những năm tháng chiến tranh, đời sống của người dân ngày càng khởi sắc với sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền địa phương. Tận dụng lợi thế trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, thị trấn rất chú trọng việc tạo mối liên kết, giải quyết việc làm theo địa chỉ sử dụng. Những lớp nghề về nấu ăn lưu động, thợ hồ, vệ sĩ,… được mở ra thu hút hàng trăm học viên tham gia đều phù hợp và sát với thực tế, nhu cầu lao động. Từ giải pháp này, giúp mức thu nhập bình quân đầu người của thị trấn khoảng 40 triệu đồng/người/năm, cao hơn 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2014.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, cho biết: “Chúng tôi phấn đấu năm 2019, sẽ giảm khoảng 2% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương 60 hộ. Do đó, địa phương đã tiến hành rà soát, phân loại đối tượng nghèo, để đưa ra giải pháp cụ thể như giải ngân vốn, hỗ trợ cây con giống, việc làm,… Mục tiêu đề ra là giúp các hộ thoát nghèo bền vững”.

Đời sống người dân từng bước được nâng lên, vùng đất Mái Dầm đang khoác thêm áo mới khi xóa được gần 30 cây cầu khỉ. Nhờ đó, việc lưu thông của người dân thuận lợi, đảm bảo di chuyển, thông thương dễ dàng hai mùa mưa nắng. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, ở ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, cho biết: “Hồi trước, ở đây toàn cầu tạm, được Nhà nước quan tâm đầu tư, giúp việc buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân cũng thuận tiện hơn. Tôi nghĩ, ở miền sông nước này, mà có chiếc cầu bê tông kiên cố thì còn vui gì bằng”.

Nhìn tổng quan ở những địa phương từng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, mọi người sẽ càng cảm nhận rõ hơn sự nỗ lực, vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân huyện Châu Thành trong việc xây dựng đời sống mới. Tin rằng, với sự đồng lòng, nhiệt huyết và chung tay, sẽ giúp quê hương Châu Thành ngày càng phát triển, hứa hẹn nhiều tiềm năng mới trong tương lai ở các phương diện công nghiệp, thương mại, du lịch,…

Nhằm chào mừng 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019) và Ngày Quốc tế Lao động 1-5, huyện Châu Thành sẽ tổ chức một số hoạt động như, triển lãm sách và trưng bày ảnh tư liệu, ngày 25-4 đến 25-5; thăm hỏi và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cựu chiến binh; viếng Nghĩa trang Liệt sĩ, lúc 6 giờ 30 phút, ngày 25-4; họp mặt kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam vào 8 giờ, ngày 25-4,...

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>