Đốt đuốc, soi chân mình!

29/03/2018 | 10:08 GMT+7

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những giọng điệu lạc lõng của một số người tự gắn mác là “người yêu nước”, “nhà dân chủ”, “trí thức”, “học giả” cho rằng, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ấn Độ đầu tháng 3 vừa qua diễn ra cùng thời điểm tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng thực chất là củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia có tiềm lực quân sự để đối phó với nước thứ ba ở Biển Đông...

Mục đích của những giọng điệu trên không gì khác là nhằm xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, việc làm lỗi thời nhằm mưu đồ xấu dù khéo che đậy đến đâu cũng bị "lòi đuôi"...

Đây không phải là lần đầu tiên những giọng điệu xuyên tạc, suy diễn vô lối kiểu như vậy xuất hiện trên mạng xã hội. Trong lập luận của những người tự xưng là “người yêu nước”, “nhà dân chủ”, “trí thức”, “học giả”, chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng nhằm mục đích “tạo dựng liên minh” để chống lại nước thứ ba(!). Họ cho rằng, việc tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đến Việt Nam, cũng như các chuyến thăm tiếp theo tới Malaysia và Philippines có mục đích khẳng định sự thống trị của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương. Trong ngôn từ của họ ẩn ý một thông điệp rằng “muốn bảo vệ chủ quyền của mình, Việt Nam nên liên kết với Mỹ”.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước. Ảnh minh họa: chinhphu.vn.

Thế nhưng, người dân Việt Nam đâu mấy quan tâm tới những giọng điệu xuyên tạc trên. Đơn giản là vì đây không phải là lần đầu tiên tàu sân bay của Mỹ đi qua Biển Đông. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên Hải quân Mỹ thực hiện những chuyến tuần tra trong khu vực này. Tàu sân bay Mỹ vẫn có mặt trên tất cả đại dương (trừ Bắc Băng Dương) và các vùng biển lớn trên thế giới, trong đó có Biển Đông, nên việc tàu sân bay Carl Winson ghé cảng Đà Nẵng không phải là điều gì đặc biệt.

Thế nên, chiêu trò cũ rích trên không khác gì “vở diễn tồi” trên sân khấu vắng khán giả. Lợi dụng sự tự do internet, tự do ngôn luận ở Việt Nam, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có hoạt động đối ngoại. Họ cho rằng hoạt động đối ngoại của Việt Nam bị lệ thuộc, chi phối bởi nước ngoài... Mục đích của chúng nhằm cổ xúy cho chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kích động bạo lực, kích động chiến tranh và hận thù dân tộc, từ đó hòng hạ thấp vị thế của Việt Nam, chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tuy nhiên, chúng đã nhầm!

Sau hai cuộc kháng chiến giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, Đảng và Nhà nước ta đã rút ra bài học về “độc lập, tự chủ”, coi đây là kim chỉ nam trong đường lối đối ngoại của đất nước. Kế thừa, bổ sung và phát triển những nội dung cơ bản của đường lối đối ngoại đã đề ra từ các kỳ đại hội trước, Đại hội XII, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nhằm phục vụ mục tiêu: “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(1). Trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, trước yêu cầu mới của cách mạng, Đảng ta còn yêu cầu phải “nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu”.

Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, có quan hệ thương mại-đầu tư với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Chúng ta đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, quan hệ Đối tác toàn diện với 11 nước, trong đó có 5 nước lớn Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện nhằm mở rộng và duy trì quan hệ quốc tế, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và lợi ích quốc gia-dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Mới đây, trong chuyến thăm Australia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, với việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Australia, “Việt Nam đã dần hoàn thiện khuôn khổ hợp tác với các đối tác quan trọng ở tất cả châu lục, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của ta ở khu vực và trên thế giới”.

Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động, tích cực tham gia những công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước. Việt Nam cũng tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các định chế đa phương quốc tế như IMF, WB, WTO, Liên hợp quốc và các tổ chức thành viên, các diễn đàn đa phương như: Tổ chức các nước không liên kết, Nhóm các nước G77... để nâng cao vị thế quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Song song với hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đối ngoại quốc phòng thời gian qua cũng diễn ra sôi động không kém. Không chỉ là hoạt động trao đổi đoàn các cấp, các hoạt động giao lưu giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước diễn ra với tần suất ngày một nhiều. Cảng Hải Phòng, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), cảng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi thường xuyên đón các tàu quân sự nước ngoài tới thăm, giao lưu, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước cũng như giúp các bạn nước ngoài hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, về chủ trương hội nhập của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam…

Nhờ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; nhờ không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba nên Việt Nam không những không bị lệ thuộc, không bị cô lập mà còn có điều kiện để chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; có điều kiện để giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đổi mới, phát triển và đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại quốc phòng “3 không” của Việt Nam (không liên minh, liên kết; không đi với nước này chống nước kia; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam) là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thực tế.

Nói như vậy để thấy, “vở diễn” mà các thế lực thù địch dựng lên có một kịch bản tồi như thế nào. Những lời “gan ruột”, nhận xét, góp ý “chân thành”, “tâm huyết” của chúng chỉ là cách nhìn phiến diện, lệch lạc, nhằm xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, những giọng điệu ấy dù có xảo quyệt, tinh vi đến đâu đi chăng nữa cũng không thể xuyên tạc được sự thật lịch sử, không thể phủ nhận được thực tế sinh động đang diễn ra, không thể đánh lừa được dư luận.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; “Tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”… Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy, dựa vào nước khác không những không bảo vệ được chủ quyền, thậm chí còn mất luôn cả quyền độc lập về chính trị, quyền tự quyết của dân tộc. Sự phụ thuộc của một số quốc gia trên thế giới hiện nay càng khẳng định rõ thêm tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Thế mới hay, dù diễn ra ở đâu, dưới hình thức nào và được che đậy đến đâu, mọi việc làm lỗi thời nhằm mưu đồ xấu cũng sớm bị "lòi đuôi". Tục ngữ Việt Nam có câu:

Chân mình thì lấm bề bề

Lại cầm bó đuốc đi rê chân người.

Vậy nên, những ai tự xưng là “người yêu nước”, “nhà dân chủ”, “trí thức”, “học giả” trên hãy tự đốt đuốc soi chân mình trước khi đưa ra những quan điểm lỗi thời chống lại chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

NGỌC MINH

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.34-35.

Theo qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>