Giảm họp để đi cơ sở nhiều hơn

06/07/2017 | 07:26 GMT+7

Đó là chủ trương mà cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đang thực hiện với quyết tâm giảm thiểu các cuộc họp không cần thiết, dành thời gian đi thực tế, tiếp xúc với dân nhiều hơn.

Lãnh đạo tỉnh dành nhiều thời gian để đi cơ sở nắm bắt tình hình thực tế. Trong ảnh: Ông Đặng Thế Vinh (trái), Phó Bí thư Tỉnh ủy, đến tham quan mô hình đoàn viên làm kinh tế giỏi ở thị xã Ngã Bảy.

Chuyện cán bộ lãnh đạo các cấp than phiền họp nhiều, không có thời gian đi cơ sở đã được nói đến nhiều thời gian qua. Cho nên chủ trương giảm họp, cắt các cuộc họp, các chuyến công tác không cần thiết, dành thời gian nghiên cứu, thời gian đi cơ sở nắm bắt tình hình thực tế để giải quyết công việc đã và đang được Trung ương cùng các địa phương thực hiện. Ở Hậu Giang, chuyện giảm họp có nhiều chuyển biến tích cực.

Quyết tâm giảm họp

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 9 (mở rộng) nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, các đại biểu đều đồng tình cao với cách làm mới của Tỉnh ủy và UBND tỉnh khi cùng phối hợp tổ chức chung một hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, thay vì tổ chức hai cuộc như trước đây.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh cho biết: “Chúng tôi phối hợp tổ chức chung một hội nghị để cán bộ khỏi phải tốn thời gian dự một cuộc nữa, dành thời gian đó để giải quyết tốt công việc của cơ quan, đơn vị mình”.

Thật ra, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh từng nhiều lần yêu cầu các cấp, các ngành cần giảm thiểu các cuộc họp không cần thiết, dành thời gian đi cơ sở nhiều hơn, và lãnh đạo tỉnh đã thể hiện tinh thần nêu gương khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giảm 11 cuộc họp (tương đương 15%) so với đầu nhiệm kỳ trước; Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp 38 cuộc, giảm 30%.

Ở huyện Phụng Hiệp, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Lẫy cũng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và các xã, thị trấn phải giảm thiểu các cuộc họp không cần thiết; Huyện ủy, UBND huyện cũng hạn chế mời lãnh đạo các xã, thị trấn lên huyện họp. Khi không có lịch họp, lãnh đạo huyện luôn thu xếp thời gian đi cơ sở để trực tiếp giải quyết những khó khăn mà các đơn vị gặp phải. Vừa rồi, hình ảnh lãnh đạo huyện đến gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với hộ nghèo ở xã Phương Bình đã ghi nhiều điểm trong mắt người dân.

Không chỉ ở Phụng Hiệp, chuyện giảm họp đang được lãnh đạo các địa phương, đơn vị trong tỉnh quan tâm, coi đây là cách làm đột phá trong phương thức lãnh đạo, điều hành, hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền năng động, gần dân…

Hiệu quả từ giảm họp

Chuyện lãnh đạo tỉnh thường xuyên đi kiểm tra các công trình xây dựng cơ bản, các mô hình làm ăn hiệu quả, tham gia đối thoại với dân hay trực tiếp đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các hoàn cảnh bất hạnh đã nhận được nhiều lời khen. Đằng sau những chuyến… vi hành ấy là nhiều ý kiến chỉ đạo, văn bản điều hành đúng đắn, sát hợp để giúp tỉnh nhà đạt được sự phát triển ổn định, bền vững trước nhiều khó khăn, thử thách thời gian qua.

Cấp trên giảm họp thì cấp dưới cũng thấy mừng. Thay vì phải lên tỉnh, huyện họp, lãnh đạo cơ sở đã có nhiều thời gian đi thực tế, gặp gỡ và gần gũi hơn với nhân dân. “Bây giờ không còn đi lên huyện họp nhiều như trước nữa. Hễ có thời gian rảnh là lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã lại đi xuống ấp để kiểm tra thực tế các tiêu chí nông thôn mới, chỗ nào chưa tốt mình nói anh em khắc phục ngay”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phương Bình Nguyễn Hồng Lý bộc bạch.

Phương Bình đang quyết tâm “về đích” xã nông thôn mới trong năm nay. Trong số 3 tiêu chí chưa đạt thì tỷ lệ hộ nghèo là đáng lo nhất với tỷ lệ 12,04%, buộc xã này phải giảm hơn 8% nếu muốn đạt chuẩn nông thôn mới. Có nhiều thời gian rảnh nhờ chủ trương giảm họp của tỉnh, huyện, vừa qua, lãnh đạo xã Phương Bình đã chia thành 2 đoàn khảo sát tất cả 476 hộ nghèo trên địa bàn nhằm tìm hiểu và có biện pháp hỗ trợ cho từng hộ.

Khi đến khảo sát và thấy gia đình chị Phan Thị Lan, ở ấp Phương Quới C, gặp khó khăn về nhà ở, từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa, chính quyền xã Phương Bình đã quyết định hỗ trợ cho gia đình chị Lan căn nhà tình thương trị giá 30 triệu đồng. Chị Lan cho biết sẽ tự nguyện đăng ký xin thoát nghèo, vì khi có được căn nhà đàng hoàng cộng với số tiền hai vợ chồng buôn bán hàng ngày thì cuộc sống coi như tạm ổn.

Ông Nguyễn Hồng Lý quả quyết chủ trương giảm họp là rất đúng đắn. “Ở địa phương chúng tôi cũng vậy, chỉ khi nào phải bàn bạc những vấn đề quan trọng mới mời anh em ở ấp lên họp, còn những cuộc họp không cần thiết thì thôi. Nếu ấp nào đó gặp khó khăn thì chúng tôi xuống trực tiếp ấp đó để hỗ trợ giải quyết, chứ cứ mời ấp lên họp hoài thì thời gian đâu mấy anh làm nhiệm vụ”, ông Lý cho hay.

Ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, chuyện giảm họp cũng được quan tâm khi mới đây Đảng ủy, UBND phường cùng phối hợp tổ chức chung một cuộc họp để đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, thay vì 2 cuộc như trước. Bên cạnh đó, nhờ Thị ủy, UBND thị xã Long Mỹ cắt giảm nhiều cuộc họp nên lãnh đạo phường có thêm thời gian đi thực tế.

Những ngày qua, hình ảnh lãnh đạo phường Vĩnh Tường trực tiếp đến nhà dân vận động mua bảo hiểm y tế đã trở nên quen thuộc. Sự tích cực đó góp phần giúp tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở địa phương tăng lên nhanh chóng, từ mức hơn 60% hồi đầu năm đã tăng lên 80,55% (tính đến hết tháng 6).

Dù việc đi cơ sở nhiều sẽ nhọc thân hơn so với ngồi họp, nhưng ông Nguyễn Trung Kiệt, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Tường, vẫn thích đi. “Đi để biết được địa phương mình đang gặp khó khăn như thế nào mà có biện pháp tháo gỡ; đi để hiểu được người dân còn trăn trở điều gì để trong lãnh đạo, điều hành sát hợp hơn”, ông Kiệt nói về ý nghĩa những chuyến đi của mình.

* * *

Có thể thấy, chuyện giảm họp ở từng cấp, từng ngành trong tỉnh đã đạt được những bước tiến đáng kể. Nói vậy không phải để phủ nhận vai trò, hiệu quả của các cuộc họp. Nhiều cuộc họp, hội thảo khoa học, tọa đàm đã trở thành diễn đàn để mọi người bàn bạc, thảo luận đi đến thống nhất nhiều nội dung quan trọng để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn so với không họp. Vấn đề ở đây là cần giảm thiểu những cuộc họp không cần thiết, nội dung trùng lặp, thiếu hiệu quả nhằm tránh lãng phí thời gian, công sức của nhiều người.

Giảm thiểu những cuộc họp không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả trong công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi sự linh hoạt của các cơ quan, địa phương, đơn vị. Vấn đề đặt ra nữa là nếu giảm được nhiều cuộc họp mà cán bộ không biết tận dụng thời gian để tìm việc mà làm, cứ “ngồi chơi xơi nước” thì chuyện giảm họp sẽ không có ý nghĩa.

Để chuyện giảm họp thật sự phát huy hiệu quả như mong muốn thì còn phụ thuộc nhiều vào ý thức, thái độ của người cán bộ trong chủ trương này…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>