Hộ Khmer vượt khó

27/03/2018 | 08:23 GMT+7

Từng có hàng chục công đất, nhưng do việc làm ăn không thuận lợi nên bán dần, trắng tay, thiếu nợ, bỏ xứ ra đi; thế nhưng, với ý thức vượt lên chính mình, đến nay gia đình bà không chỉ có mô hình làm ăn hiệu quả mà còn trả hết nợ. Chúng tôi muốn nhắc đến gia đình bà Thị Bọ (dân tộc Khmer), ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy.

Nhờ chí thú làm ăn, biết tính toán, gia đình ông Hồng vượt qua khó khăn.

Đến ấp 6, xã Vị Thủy, hỏi gia đình bà Thị Bọ trồng trầu thì rất nhiều người biết.

Sau khi lấy nhau, vợ chồng bà ra ở riêng và được cha mẹ hai bên cho vài công đất làm vốn. Bằng sự nỗ lực, cố gắng làm ăn, cộng với chắt chiu trong chi tiêu nên không lâu sau vợ chồng bà có trong tay hàng chục công đất ruộng. Và rồi máy xới, máy tuốt lúa được ông bà sắm về phục vụ cho bà con ở vùng này. “Lúc đó làm thấy ham lắm! Hầu hết ruộng của bà con ấp này đều thuê gia đình tôi xới, tuốt lúa, mỗi vụ kiếm về hàng chục triệu đồng là bình thường”, bà Bọ cho biết.

Cùng với việc đi xới, tuốt lúa mướn, vợ chồng bà còn nuôi vịt chạy đồng với trên 1.000 con. Lúc ấy, nuôi vịt chạy đồng khá dễ vì có thể đi nhiều đồng trong khi chi phí nuôi vịt khá thấp.

Thế nhưng, trong những năm 1996-1998, gia đình bà lâm vào cảnh bế tắc do dịch bệnh hoành hành nên việc chạy đồng gặp nhiều khó khăn, do đó thua lỗ nặng. Vì có số lượng lớn, chạy đồng rất khó nên bà đành bán dần số đất để giữ lại vịt; và rồi hàng chục công đất phải sang bán. Không dừng lại ở đó, gia đình bà còn mượn người thân 150 triệu đồng để lo đàn vịt. Năm 1998, gia đình bà chính thức bể nợ, bỏ xứ ra đi.

Sau bao năm vất vả quê người, năm 2010, gia đình bà quyết định hồi hương. Biết không thể trốn nợ, gia đình bà Bọ quyết định ở lại mảnh đất không đầy 2.000m2 để làm thuê lo cho cuộc sống và trả nợ.

Đến năm 2012, gia đình bà chuyển 1.000m2 đất vườn tạp sang trồng trầu. Ngồi cạnh bên, ông Hai Hồng (Trần Văn Hồng - chồng bà Bọ) cho biết: “Cũng nhờ trồng trầu mà đến nay cuộc sống gia đình tôi… dễ thở hơn, góp phần không nhỏ trong việc trả hết nợ”.

Theo đó, với 1.000m2 đất, gia đình bà Bọ trồng 1.000 cọc trầu, trung bình mỗi năm trừ chi phí thu về khoảng 30 triệu đồng; cùng với đó là làm thuê, nuôi vịt đẻ, nuôi cá, tổng thu nhập hàng năm tiết kiệm được gần 50 triệu đồng.

Theo ông Hồng, trồng trầu qua rất nhiều công đoạn, đất trồng trầu không được ngập nước, nhưng cũng không để thiếu nước.

Đầu tiên, cuốc đất lên rồi xới cho nhuyễn, lên luống và rải phân (phân chuồng) lên lớp đất vừa lên luống, rồi tưới nước và đóng cọc trầu xuống. Cọc trầu cao khoảng 3m, bằng cây tre hoặc tràm. Thời gian đầu, trầu mới trồng chưa bắt rễ kịp nên vào những ngày nắng phải lấy lá chuối khô làm giàn che lại…

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồng tâm sự dự định của gia đình trong thời gian tới là mở rộng mô hình, học tập ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Có như vậy lá trầu mới đáp ứng được yêu cầu và giữ được giá cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy Nguyễn Văn Kính nhận xét: “Gia đình anh Hồng là hộ đồng bào dân tộc Khmer tiêu biểu ở địa phương. Hình mẫu gia đình hòa thuận, hạnh phúc, vượt khó đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa, giảm nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó, anh Hồng cũng góp công trong việc giữ gìn truyền thống trồng trầu, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm ở địa phương”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>