Hoạt động Mặt trận và các đoàn thể: Giải pháp nâng cao chất lượng

08/08/2017 | 08:29 GMT+7

Qua một năm thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, cấp ủy đảng các cấp đã đúc kết được những cách làm hay, bài học giá trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động từ tỉnh đến cơ sở.

Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể được nâng chất sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tập hợp nhân dân tham gia vào các phong trào phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, UBMTTQ Việt Nam thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp đã tập trung đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức như tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh hay qua các cuộc họp dân; tuyên truyền lồng ghép qua các buổi sinh hoạt của chi, tổ hội đoàn thể chính trị - xã hội tại những địa bàn dân cư; phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, các vị chức sắc tôn giáo trong vận động quần chúng nhân dân. Qua đó, công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận, đoàn thể có sự tập trung và nội dung tuyên truyền thiết thực hơn, tạo được sức hút trong việc tập hợp đông đảo hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Lê Công Khanh, Phó Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, sau một năm tập trung thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy đã cho thấy trong phương thức tổ chức, phong cách hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương vẫn chưa khắc phục được tình trạng hành chính hóa; chức năng đại diện, chăm lo lợi ích của đoàn viên, hội viên chưa được phát huy; việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác mặt trận và đoàn thể còn chậm. Do đó thời gian tới, cần chú trọng việc thực hiện đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục hành chính nhằm tạo sự nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Khanh, phải thường xuyên làm tốt công tác tổ chức cán bộ, chú trọng khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận và đoàn thể có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong phương thức chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy đảng cần đổi mới, đề cao vai trò phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; kịp thời cập nhật và nắm bắt thông tin phản ánh từ cơ sở để đề ra các biện pháp chỉ đạo sát với tình hình thực tế của địa phương.

Trong năm qua, các cấp hội cựu chiến binh trên địa bàn thị xã Long Mỹ đã từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền, vận động phát triển hội viên và xây dựng tổ chức hội, góp phần tích cực vào việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng; tập hợp, thu hút đông đảo cựu chiến binh vào hội. Chưa kể, hội còn chủ động xây dựng các mô hình gắn với thực hiện nghị quyết hàng năm của Đảng bộ thị xã. Năm 2017, hội triển khai mô hình vận động 100% thành viên gia đình hội viên tham gia bảo hiểm y tế. Qua 6 tháng đầu năm, có 3 trong tổng số 9 đơn vị hội cấp xã đã hoàn thành 100% chỉ tiêu, các đơn vị còn lại đã đạt từ 80-90%.

Ông Lê Minh Hồng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Long Mỹ, cho biết: “Để tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức hội, hội viên, Hội Cựu chiến binh thị xã xác định cần tập trung xây dựng hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phải gắn với chương trình hành động của các cấp hội cùng kế hoạch phấn đấu của hội viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện mới”. Mặt khác, cần phát huy vai trò của hội trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”.

Còn bà Nguyễn Thị Như Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Vị Thủy, cho hay: “Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, Huyện hội quan tâm công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ hội ở cơ sở. Trong đó, ưu tiên chọn chi hội trưởng là những người nhiệt tình, có tâm huyết, uy tín ở địa phương. Hàng quý, hội biên soạn, phát hành tờ thông tin gồm nhiều nội dung tuyên truyền về các mô hình, gương điển hình tiêu biểu để hội viên noi theo. Chú trọng việc thăm hỏi, động viên, vận động xã hội hóa thực hiện chăm lo cho hội viên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, hội phân công cán bộ nắm chắc địa bàn, sinh hoạt cùng chi hội nắm tình hình diễn biến tư tưởng của hội viên, dư luận xã hội để kịp thời tham mưu cấp trên giải quyết các vấn đề ở cơ sở”.

Từ những giải pháp thực tiễn ở cơ sở cho thấy, để thật sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần rà soát, thống nhất, tập hợp lại các giải pháp mang tính đột phá, khả thi cao, đồng thời tăng cường làm tốt công tác chủ động phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể trong triển khai các phong trào nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu tập trung...

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>