Học Bác lo cho dân

17/05/2019 | 08:24 GMT+7

Trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân là điều mà Bác Hồ đã căn dặn cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải đặc biệt quan tâm. Ở Hậu Giang, lời dạy đó đã được cụ thể hóa dưới nhiều cách thức, hành động cụ thể, thiết thực.

Mô hình thắp sáng đường quê được thực hiện trên tuyến đường Lung Nia đã mang lại niềm vui rất lớn cho người dân ở ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh.

Gỡ khó cho dân

Trước đây, người dân khi đi ngang tuyến đường Lung Nia, ở ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, vào buổi tối đều cảm thấy lo sợ vì vắng vẻ, đáng lo nhất là nơi đây thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông và an ninh trật tự diễn biến khá phức tạp.

Thấy vậy, Đảng ủy, UBND xã Vị Tân, đảng viên chi bộ ấp 7 quyết tâm lắp bóng đèn thắp sáng cho tuyến đường này. Không lâu sau đó, hơn 60 bóng đèn đã được lắp trên tuyến đường dài 2,6km với kinh phí thực hiện 570 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa.

Tầm khoảng 18 giờ 30 phút hàng ngày, hơn 60 bóng đèn được bật lên sáng rực cả một vùng quê. Bấy giờ, người dân khá yên tâm khi lưu thông trên tuyến vì có tầm nhìn tốt. Còn bọn xấu có ý định trộm cắp tài sản của người dân cũng phải dè chừng.

Khó có thể diễn tả hết sự vui mừng của người dân khi mô hình đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Minh Trí, ở ấp 7, chia sẻ: “Hai bên tuyến đường này có khá nhiều cây cối gây hạn chế tầm nhìn người điều khiển phương tiện giao thông khi đêm xuống. Vì vậy, việc lắp đèn chiếu sáng là cần thiết, giúp chúng tôi dễ quan sát hơn khi điều khiển xe máy”.

Còn ông Đỗ Thanh Việt, ở ấp 7, bộc bạch: “Bóng đèn đã trở thành “bạn hữu” giữ cho cuộc sống xóm ấp thêm bình yên. Trước đây, một số gia đình bị bọn “đạo chích” bắt mất chó, gà, vịt… nên chúng tôi hy vọng có đèn chiếu sáng trên tuyến sẽ giúp tình hình an ninh trật tự tốt hơn. Tiền điện mỗi hộ dân chi để thắp sáng hàng tháng không nhiều nhưng trước ngõ có đèn chiếu sáng suốt đêm. Được như vậy thì lợi quá rồi còn gì”.

Là người đã bỏ nhiều tâm huyết cho công trình này, ông Trương Tèo, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vị Tân, phấn khởi nói: “Ánh đèn làm sáng rực tuyến đường Lung Nia nên người dân không còn lo sợ khi đi qua đây vào buổi tối. Đó là điều mà bản thân tôi cảm thấy vui nhất”.

Nhắc đến cầu kênh Hậu Giang 3 nối liền hai ấp Long Phụng và Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (được khánh thành vào tháng 6-2018) thì người dân địa phương nói ngay đến sự quan tâm, chăm lo của chính quyền đối với cuộc sống của họ.

Ông Võ Hoàng Sơn, ở ấp Long Phụng, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Ở đây ngày trước không có cầu; người dân 2 ấp muốn giao lưu, trao đổi hàng hóa phải đi bằng đò. Vì vậy, khi chính quyền có chủ trương xây dựng cầu nối liền kênh Hậu Giang 3 thì ai nấy đều rất phấn khởi, vì điều mong mỏi bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Người dân cũng hết lòng ủng hộ tiền, ngày công lao động để xây dựng cầu. Riêng gia đình tôi đã tự nguyện hiến đất làm móng cầu”.

Được biết, cầu kênh Hậu Giang 3 được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, chiều dài 42m, ngang 2,7m, tổng kinh phí xây dựng 476 triệu đồng. Trong đó, thượng tọa Thích Minh Hạnh, trụ trì chùa Thiên Thới, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, vận động nhóm từ thiện Vạn Duyên cùng các mạnh thường quân Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 220 triệu đồng và 350 ngày công lao động; ngân sách huyện Phụng Hiệp đối ứng 95 triệu đồng; người dân địa phương đóng góp 39 triệu đồng.

Tôn trọng, lắng nghe Nhân dân

Những năm gần đây, tỉnh nhà đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính, cốt yếu là để phục vụ tốt hơn cho người dân. Trong đó, nâng cao thái độ, lề lối làm việc, tác phong của công chức phụ trách bộ phận một cửa các cấp được quan tâm hơn cả.

Giống như nhiều cán bộ khác ở bộ phận một cửa xã Đông Phước A, chị Hồ Thị Thu Thảo, cán bộ văn phòng thống kê, luôn khắc cốt, ghi tâm tinh thần ân cần, tận tâm, niềm nở khi tiếp xúc với người dân. Một ngày làm việc như vậy chị phải tiếp nhận nhiều hồ sơ trên các lĩnh vực khác nhau nên áp lực khá nặng nề. Nhưng hơn 8 năm làm nhiệm vụ này, chị chưa bao giờ bị người dân phàn nàn về thái độ xử lý, bởi sự hài lòng của người dân luôn là tiêu chí được nữ công chức này đặt lên hàng đầu.

“Tôi luôn ân cần, tận tâm, niềm nở khi tiếp xúc với Nhân dân. Không riêng tôi đâu, cán bộ ở bộ phận một cửa của xã đều cư xử như vậy. Dù chỉ có 1 hồ sơ chúng tôi cũng trình cho lãnh đạo ký để người dân không phải đợi lâu”, chị Thảo nói.

Hay đến bộ phận một cửa của xã để giải quyết hồ sơ, ông Nguyễn Văn Suôl, ở ấp Tân Long, xã Đông Phước A, nói: “Điều tôi thấy hài lòng nhất là cán bộ xã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và không có thái độ hách dịch, xa cách với Nhân dân”.

Không chỉ bộ phận một cửa của xã Đông Phước A, tinh thần, thái độ phục vụ người dân của cán bộ phụ trách các cấp đã và đang được nâng lên rõ rệt. Nhiều nơi có xây dựng các chuẩn mực đạo đức và đặt tại bộ phận một cửa để cán bộ coi đó là “kim chỉ nam” định hướng suy nghĩ và hành động khi phục vụ cho dân. Đặc biệt là Tỉnh ủy, UBND tỉnh lập ra đường dây nóng để ghi nhận và phản hồi các ý kiến đóng góp mang tính cấp bách, bức xúc cần giải quyết ngay của công dân và tổ chức, nhằm mục đích ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng quan liêu, tham nhũng, xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, phục vụ ngày một tốt hơn yêu cầu của người dân.

Đáng chú ý là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp những năm gần đây đã thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại để giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc trong Nhân dân. Đối với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến nay đã tổ chức được 7 cuộc tiếp xúc, đối thoại với người dân ở 7 huyện, thị, thành phố trong tỉnh (chưa tổ chức ở thị xã Ngã Bảy). Hàng ngàn lượt ý kiến, kiến nghị đã được người dân nêu ra và phần lớn trong đó được trả lời, giải đáp thỏa đáng. Qua đó, giúp cho mối quan hệ máu thịt giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân trong tỉnh càng thêm khắng khít, bền chặt…

Khó có thể kể hết những việc mà cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã làm để chăm lo cho cuộc sống người dân. Tỉnh ủy đánh giá, qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, nhiều cấp ủy, chính quyền đã chú trọng xây dựng quy chế, quy định về việc định kỳ thực hiện đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện của phong cách làm việc thiếu dân chủ, quan liêu, xa rời quần chúng..

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân trong cán bộ, đảng viên, nhằm tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới, góp phần đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức…

Nhưng chừng ấy là chưa đủ, bởi nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu thốn chuyện cơm, áo, gạo, tiền; một số vùng nông thôn còn gặp khó do thiếu điện, thiếu đường… Do đó, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục và quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chuyên đề năm 2019: “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thực hiện chuyên đề năm 2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải sâu sát cơ sở để lắng nghe hơi thở cuộc sống và nỗ lực giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc trong dân… Đúng là chỉ cần cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực thực hiện tốt yêu cầu này thì sẽ trở thành công bộc tốt của dân!

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>