Lan tỏa việc hay điều phải

09/02/2018 | 09:18 GMT+7

Các chị không chỉ là niềm hạnh phúc của gia đình, họ hàng mà còn là hương thơm, mật ngọt cho đời. Để rồi hàng trăm phụ nữ nghe theo, làm theo những gì chị nói; lan tỏa việc hay, điều phải cho xã hội này thêm ngát hương hoa...

Chị Quách Thị Linh (thứ 5 từ phải sang) nhận bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo gương Bác.

Thành tích đáng mơ

Chị Phạm Thị Xuân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nhơn Xuân, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, có quá nhiều điều hay làm người viết rất khó lựa chọn để nói.

Bén duyên với hội từ những năm 1995, một thời gian sau đó chị được tín nhiệm bầu giữ chức Chi hội trưởng. Hồi đó, sự khó khăn trong thu hút, tổ chức sinh hoạt với hội viên; vất vả thường xuyên đi bộ lên xã (Nhơn Nghĩa cũ, sau này chia thành xã Nhơn Nghĩa A và thị trấn Một Ngàn) báo cáo, họp hội không sao kể xuể. Vậy mà chị làm được và làm rất tốt!

Chị kể, trước kia và bây giờ cũng vậy, muốn nói chị em nghe, tập hợp được các chị lại, làm theo thì mình phải chủ động trước. Nuôi gà, nuôi vịt, nuôi heo, làm ruộng, làm vườn, cái gì ăn nên làm ra là chị làm trước, thấy hiệu quả nên hội viên làm theo. “Ai chưa có vốn tôi cho mượn từ quỹ của chi hội hay tiền của tôi; hoặc bằng uy tín tôi làm đầu mối mua cây, con giống chịu cho hội viên rồi trả giùm trước, khi nào chị em có trả lại. 20 năm công tác hội, tôi cho mượn tiền rất nhiều, chưa cho vay đồng nào”, chị Xuân kể.

Cái tình cái nghĩa của chị Xuân còn ăm ắp đầy khi ở ấp này hội viên nào ốm đau, thắt ngặt là chị có mặt sớm nhất để sẻ chia, không trường hợp nào bỏ sót. Chị kể, lúc nghèo khó như nhau thì sống, động viên nhau làm ăn bằng lời nói để cùng tiến bộ; khá hơn thì bằng vật chất, vốn trong khả năng. Từ khi công tác đến nay, chị Xuân giúp đến cả trăm trường hợp phụ nữ ổn định cuộc sống, thoát nghèo; còn trao đổi, động viên chọn cách làm ăn phù hợp thì nhiều lắm.

Chị Hoàng, một người thọ ơn khi được hỏi tới mắt đỏ hoe nói, nhờ chị Xuân mà gia đình mình khá giả. Trước đây, nhà chị Hoàng rất nghèo, được chị Xuân động viên nuôi, trồng phù hợp, tín chấp cho vay tiền đến 50 triệu đồng để cải tạo đất trồng vú sữa, cam, nuôi heo mà dần khá. “Tết này tôi bán vú sữa và cam được nhiều tiền nhất, trên 50 triệu đồng. Mỗi khi đến tết hay có thu nhập cao là tôi nhớ ân nhân. Không có chị Xuân nhà tôi không được như bây giờ đâu!”, chị Hoàng tâm sự.

Cư xử với nhau như ruột thịt, nói là làm và làm rất hay, riết rồi hễ chị Xuân phát động, kêu gọi gì phụ nữ ấp này ai cũng nghe. Không nói quá chứ phong trào tiết kiệm, “5 không 3 sạch” của phụ nữ ấp Nhơn Xuân… rần rần như họp chợ vào cuối tuần. “Vui nhất là chị em luôn nghe theo định hướng hoạt động hội; họ tin tưởng mình đến nỗi dặn trước “đi đâu trên xã, huyện, tỉnh nhớ kêu theo để học hỏi”, chị Xuân kể.

Phó Bí thư Chi bộ ấp này Phạm Văn Sáu nói hoạt động hội và phong trào phụ nữ ấp Nhơn Xuân đứng nhất xã này rất lâu rồi; nhờ chị mà công tác phụ nữ của chi bộ rất khỏe.

Có người còn tiết lộ, nhiều việc ở ấp này, chi bộ và trưởng ấp vận động dân chưa mấy đồng tình, nhưng chị Xuân lên tiếng là mọi chuyện êm xuôi. Không giấu giếm gì chuyện đó; người phụ nữ sốc vác, mạnh mẽ đào đất, móc mương, xịt thuốc, rải phân này còn khoe, ấp có khoảng 100 công cam đang cho trái là nhờ trước đó chị tiên phong trồng trước, thấy được mà nhiều hội viên, nông hộ trồng theo. “Bà con nói, trồng theo con Xuân đi, nó được thì mình được hà”, chị Xuân cười kể.

Với 30 công cam, tết này chị Xuân cầm bạc trăm triệu đồng. Niềm vui tết thêm nhân đôi khi năm nay hội viên Chi hội Phụ nữ ấp không ai còn thuộc diện nghèo. Nếu có một sự định lượng nào đó thì cứ 10 hội viên thoát nghèo đã có 8 hộ được chị Xuân giúp đỡ.

Không chút nghỉ ngơi

Tết này, gia đình chị Quách Thị Linh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, ăn tết trong căn nhà khang trang bằng gỗ, mái lợp tôn trị giá gần trăm triệu đồng - Một cái tết lớn nhất từ trước đến nay của chị!

Thành quả ngọt ngào ấy là mồ hôi, công sức mười mấy năm cật lực ngày đêm của vợ chồng, nhưng sự đảm đang, tháo vát, sớm hôm thì chị Linh luôn là đầu tàu (chồng chị làm thợ mộc).

Ai còn lạ gì chuyện không chút nghỉ ngơi của chị Linh nhiều năm nay. Buổi sáng sớm, người ta thấy chị bán ở chợ xã; tan chợ lại thấy đi mần mướn, rong ruổi qua nhiều xóm ấp bán bắp, nấm rơm, hàng bông; trưa người ta thấy có khi chị về nhà hay ra ruộng nhà làm; ngơi tay lại đi mần mướn, tối thì lo chuẩn bị cho nồi bắp khuya nấu; rạng sáng lại ra chợ… Cứ như vậy cùng với những công việc không tên nó quay vòng chị từ 3 giờ sáng đến 23 giờ đêm.

Chị Xuân (thứ 2 từ trái qua) trong một lần gặp gỡ chị em để trao đổi kinh nghiệm làm ăn.

“Tôi không ngủ trưa, làm không biết mệt!”, chị Linh nói. Chính vì điều đó nên trông chị già hơn cái tuổi 36.

Cái nghèo đeo bám từ thuở còn thơ; cái thuở… ban sơ mới về anh và chị cũng chỉ được cái nền nhà. Vậy là hai vợ chồng bắt đầu nghề làm mướn. Ai mướn gì cũng làm, giặm lúa, cắt lúa, mần cỏ, đốn mía, trồng tràm... Rồi lần lượt 2 đứa con ra đời, chỉ chờ con lớn một chút là chị gửi cho ngoại giữ để tiếp tục mần mướn (hiện con lớn 15 tuổi). Rồi nghèo khó cũng buông tha anh chị; có dư chút đỉnh nên vợ chồng vay đầu này đắp đầu kia sang 5 công đất… “Mua đất cũng đâu đủ tiền, phải mần mướn tiếp hoài mới có tiền trả nợ cho người ta”, chị Linh kể.

Và cũng vì không biết ngủ trưa, làm không biết mệt nên không chỉ việc nhà mà việc... nước chị cũng chu toàn.

Sự chu toàn ấy có lẽ phải kể đến mỗi lần đi học trên xã, huyện chị đều chở đùm chở túm, chở cả bao những gì bán được để bán cho cán bộ xã, huyện… “Tôi không mắc cỡ chuyện buôn bán vậy đâu”, chị Linh kể rồi cười giòn tan.

Với các chức vụ khác: Chi ủy viên Chi bộ; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đoàn kết tương trợ giúp nhau giải quyết việc làm; cán bộ tổ vay vốn chính sách xã hội của ngân hàng; đầu mối nhận công việc làm mướn cho chị em ở xóm, chị Linh luôn hoàn thành rất tốt. Chị kể: “Mỗi đầu công việc tôi dành hẳn thời gian để làm, khi nào dứt là tôi làm ngay công việc gia đình. Tôi chưa cho phép mình nghỉ ngơi lúc này được”.

Nói về nhiệt huyết với công tác hội, chị kể làm Chi hội trưởng năm 2013 thì ngần ấy năm chi hội đều có thứ hạng cao; luôn ý thức phải hoàn thành trọng trách, làm nhiều cái mới cho chị em chứ không lớt lớt được. Thành tích đáng nể là đã tập hợp được hơn 170 chị em vào chi hội so với năm 2012 chỉ có 80 hội viên (hiện có 250 hội viên phụ nữ ấp); hoạt động của chi hội nâng chất rõ từ sau năm 2013; riêng năm qua, chị Linh giúp đỡ, hỗ trợ nhiều mặt cho 3 hộ hội viên ổn định cuộc sống hoặc thoát nghèo...

Khi được hỏi về Chi hội trưởng của mình, chị Nguyễn Thị Bé Điệp không ngớt lời khen, nói các hoạt động họp mặt, vui chơi từ khi chị Linh chịu trách nhiệm chính tổ chức rất hấp dẫn. “Hội viên vào hội nhiều là do cách chia sẻ, vận động, tập hợp rất gần gũi của chị Linh”, chị Điệp nói thêm.

Niềm vui của sự cống hiến như vẫn còn mới toanh khi dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) vừa qua chị được Tỉnh ủy tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo gương Bác. Sống ở xứ Lương Tâm - nơi có Đền thờ Bác, chị Linh tâm sự học ở Bác Hồ nhiều lắm; học Bác đức tính cần cù, siêng năng, giúp đỡ người khó khăn, nhưng cũng phải có tấm lòng và ý chí chứ không phải nói là làm được.

* * *

Gặp nhiều, biết nhiều hoạt động tiêu biểu của phụ nữ ở Hậu Giang, nhưng chỉ có 2 trong số đó tôi chọn nêu tên. Các chị quá xuất sắc!

Cũng như các đoàn thể khác, năm qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong tỉnh đặc biệt quan tâm nâng chất hoạt động theo chỉ đạo của trên. Kết quả đã tập hợp được 4.640 phụ nữ vào tổ chức hội; đến nay, 539 ấp đều có tỷ lệ tập hợp hội viên từ 50% trở lên, không có cơ sở hội tập hợp hội viên dưới 50%; toàn tỉnh đã có 19 ấp, khu vực đạt “Ấp có 100% hộ gia đình có hội viên phụ nữ”... Những con số ấy năm 2016 không sao có được!

 

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>