Lo trước, vui sau - Những trưởng ấp của dân !

27/01/2020 | 07:03 GMT+7

Không tết mà xóm ấp ồn ào, chẳng xuân mà xôn xao không kém. Chuyện những trưởng ấp gần gũi bà con đem lại niềm vui, đời sống no đủ nghe mà tò mò, chứng kiến lại càng thêm ngỡ ngàng.

Bà Năm Giang (bìa phải) tham gia giao lưu Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp do thị xã Long Mỹ tổ chức.

Trưởng ấp vợ thay… trưởng ấp chồng

Điều này có thật ở ấp 1, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ khi trưởng ấp chồng đi xa, vợ được dân tín nhiệm bầu làm trưởng ấp. Rồi bà quán xuyến việc nước việc nhà, đưa ấp đổi thay rõ.

Bà là Trương Thị Suỗi - Năm Giang (thứ và tên của chồng) với nước da ngăm, nụ cười tươi tắn, bước đi nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm, xóm giềng ai cũng mến. Cách đây khoảng 3 năm, khi ông Năm Giang đột ngột ra đi để lại cho bà Suỗi nhiều đau đớn; lúc ấy, bà cũng là cán bộ ấp này.

“Tôi xin nghỉ việc, chứ hoàn cảnh như vậy sao công tác nổi; rồi tôi cũng xin nghỉ một lần nữa vì sức khỏe”, bà Giang kể. Nhưng từ xã tới ấp có ai cho đâu, người dân thì hết lòng tín nhiệm nên nhiệm kỳ 2017-2022 bà đắc cử Trưởng ấp.

Thấy sự cống hiến của bà người ta thường nhớ về đôi vợ chồng này không ngại khó khăn vì quê hương.

Đó là chuyện họ vận động bà con mua bảo hiểm y tế. Nắng như đổ lửa, lặn lội nhiều, mồ hôi lả chả nhưng ông bà nói không mệt. Bà dẫn tôi tới từng nhà, nhiệt tình giải thích cho bà con hiểu lợi ích của việc mua bảo hiểm y tế.

Bà Năm Giang (bìa trái) trao đổi với hộ dân ở ấp về việc chăm sóc hàng rào cây xanh trước nhà; toàn ấp có hơn 3km đường đẹp như thế.

Ghé thăm anh thợ chuyên cưa cây thuê mới bị tai nạn gãy chân. Sau khi nghe bà giải thích, anh cười vui vẻ, cảm ơn: Tuần sau bán lúa xong tui mua bảo hiểm y tế liền.

Bà Năm còn trổ tài trong tham gia tổ chức mô hình xây dựng gia đình ấm no. Cụ thể vận động bà con thành lập câu lạc bộ “Gia đình điểm 10” lồng ghép tuyên truyền xây dựng ấp văn hóa, xã nông thôn mới. “Năm 2017, mới phát động mà có 7 hộ phụ nữ liền kề ở ấp đồng ý. Bây giờ có đến 312/tổng số 327 hộ thành viên, xôm tụ lắm!”, bà Năm nói.

Hay để việc đi lại của người dân và học sinh ở ấp dễ dàng hơn, ông bà Năm không quản cực nhọc vá lộ, sửa đường. Bà thì làm… cu ly, ông thì làm thợ chính vá lộ. Có lần, bà xách nước dưới bờ kênh lên trợt té phải đi nằm viện…

Mỗi khi tôi về công tác ở xã Long Trị, gặp ông Tư Ẩn, Thường vụ Đảng ủy xã, chỉ đạo ấp 1 (nghỉ hưu) và chị Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch HĐND xã, rất thường nhắc việc tốt của vợ chồng ông bà.

Thừa hưởng di sản từ chồng, phát huy thành tích đạt được, nhân lên tình đoàn kết của bà con, năm 2018, 2019, thực hiện nhiệm vụ xây dựng, nâng chất nông thôn mới ở ấp, bà Năm Giang cực hơn.

Cầu 83 (cầu Báo Hiếu) do Trưởng ấp Hoài Thanh vận động đóng góp, rất nhiều người dân trong, ngoài ấp tự nguyện làm không công cầu này trong 2 tháng.

Bà trăn trở làm sao để hoàn thành chỉ tiêu nhưng không chạy theo thành tích. Đặc biệt cảnh quan, môi trường là nội dung được trên rất quan tâm. Vậy là bà đăng ký cùng người dân thực hiện công trình xây dựng con đường đẹp.

Hôm ra quân, không chỉ có đảng viên mà còn cả đoàn viên, hội viên, người dân cùng phát quang, làm cỏ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng hoa kiểng hai bên lề lộ, trồng giặm những đoạn trước đó chết.

Mưa không lớn lắm nhưng cứ kéo dài, thấy bà Năm Giang miệt mài, làm tới đoạn nào thì vận động hộ đó cùng làm nên không một ai ngơi tay, cùng dầm mưa làm cho mau xong và cũng để chia sẻ cái lạnh dầm mưa của bà.

 “Bây giờ chúng tôi kéo dài, nâng cấp lên hơn 3km, hai bên lề lộ hàng rào cây xanh mướt, hoa nở đầy, đẹp lắm. Ấp 1 tụi tui đoạt giải con đường đẹp là nhờ tinh thần đoàn kết của anh em, chứ “ên tui” sao làm được!”, bà Năm cười khoe.

Vẫn giọng trầm ấm, không kể gì công cán riêng tư nhưng cuộc thi “Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp” cấp thị xã và tỉnh năm 2018, ấp 1 là đơn vị có nhiều giải thưởng nhất.

Thành tích của ấp 1 qua bàn tay bà Năm Giang có lẽ không chỉ bao nhiêu đó khi năm 2018 có 6/10 tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu được công nhận thì cuối năm rồi đạt đến 7, đặc biệt các tổ này không có hộ nghèo. Năm 2018, 2019, phong trào của ấp có nhiều thành tích, góp phần rất lớn cho Long Trị nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.

“Kiểu mẫu là đời sống kinh tế ổn định; đời sống văn hóa tinh thần phong phú; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp; chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; tinh thần đoàn kết tương trợ cao. Cả ấp bây giờ còn có 4 hộ nghèo; bà con năm nay trúng mùa nên ăn tết khá lớn”, bà Năm Giang nói thêm.

Bỏ lương 9 triệu đồng, về ấp lãnh 345.000 đồng/tháng

Vậy mà vui, hăng hái cống hiến, hết mực lo cho xóm làng, bà con ai nấy đều tin tưởng... Đó là Trưởng ấp Bàu Môn Nguyễn Hoài Thanh.

Chở phóng viên thả xe xuống dốc cầu 83, Trưởng ấp Bàu Môn cho biết cây cầu nối nhịp bờ vui này khánh thành hồi năm 2015 trị giá hơn 220 triệu đồng: anh thấy hông, cầu bự, bà con đi chợ tết dễ ợt chứ không như cầu xi măng lúc trước hẹp té.

Người ta từng nghe nói nhiều đến ấp Xẻo Trâm nghèo nhất nước, nhưng Bàu Môn, cũng thuộc xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp không thua kém. Ở cái ấp mà 4-5 năm trước “cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo” thì đâu phải khá !

 “Bây giờ khác rồi. Chú Thanh lên làm Trưởng ấp hồi tháng 5-2013 vận động nhiều nơi ủng hộ bắc cầu, làm lộ rần rần nên diện mạo ấp đổi thay. Chú mới hơn 30 tuổi mà nói giỏi, làm hay”, ông Nguyễn Văn Năm, ở ấp Bàu Môn khen.

Ông Năm là thợ chính xây cầu 83 với thời gian 2 tháng. Bất ngờ là khi làm cầu, lúc đông có đến 60 nhân công, ít cũng 5-7 người, nhưng tất cả đều làm không công; ăn uống thì bà con trong, ngoài ấp tham gia nấu...

“Tôi thấy chú Thanh trẻ mà biết lo cho dân nên tôi thí công, cho nhiêu lấy nhiêu. Tôi hứa và đã làm đúng lời hứa là xong cầu 83 theo chú ấy thí công ở nhiều cầu khác trong ấp”, ông Năm nói thêm.

Trưởng ấp Nguyễn Hoài Thanh bên công trình làm lộ ở ấp Bàu Môn.

Sau xuất ngũ, Nguyễn Hoài Thanh làm tài xế taxi lương 8-10 triệu đồng/tháng nhưng khi được một cán bộ khuyên nhủ “có căn bản, suy nghĩ tích cực” nên hãy bắt đầu từ quê hương mình mà cống hiến, đi lên. Vậy là Thanh về nhà, được chấp nhận là cán bộ chữ thập đỏ ấp (tháng 10-2012) và tháng 5-2013, anh được vào Đảng, được Nhân dân tín nhiệm cao bầu làm trưởng ấp cho đến nay.

Anh Thanh kể thêm: “Khi vô ấp làm, mục đích là phục vụ bà con chứ có 345.000 đồng/tháng hà. Hồi đắc cử trưởng ấp, tôi còn đi mua bán chuối nên được gọi là trưởng ấp chuối. Đi quanh xóm mình mua bán, thấy ấp sao nghèo khó quá nên tôi muốn làm nhiều việc, nhất là bắc cầu, làm lộ cho quê hương”. 

Trưởng ấp Hoài Thanh cho biết, ngoài cầu, lộ còn vận động cất 9 căn nhà tình thương và nhiều tập, sách, quà trung thu, tết cho hoàn cảnh khó khăn.

Còn trẻ, non nớt, anh Thanh không có gì để giúp, chỉ bằng cách đi xin quanh xóm tiền, cây, ván, trụ xi măng. Có lần xin không được mà còn bị chửi nên Trưởng ấp khóc không kìm được. Những giọt nước mắt đầu tiên của nghề Trưởng ấp làm cho anh không nản chí mà quyết tâm hơn.

“Tôi nén lòng xin, cho 5.000, 3.000 đồng cũng lấy, lúc đi xin tiền, có khi đói quá xin cơm ăn luôn. Đến nay, ấp này xóa trắng cầu khỉ, thay vào đó là 25 cầu kiên cố, vững chãi”, Trưởng ấp Bàu Môn kể.

Những cây cầu nối nhịp đôi bờ khắp xóm làm cho diện mạo quê hương đổi khác. Qua lại cầu, người ta nhớ đến Trưởng ấp trẻ lanh lợi, biết lo lắng, phối hợp vì sự phát triển chung. Ấp này bây giờ giao thương cũng thuận lợi hơn nhờ lộ xi măng, lộ đổ đá xô bồ. Trước khi Trưởng ấp Thanh lên, Bàu Môn đi lại khá khó khăn…

Sau đó, tuyến lộ cặp Kênh 83, ở ấp Bàu Môn, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, dài hơn 2.000m được bê tông hoàn chỉnh vào đầu năm 2017. Ngày khánh thành, người ta tính tổng kinh phí làm lộ này khoảng 1,4 tỉ đồng thì bà con đóng góp đến 280 triệu đồng; bà con cũng sắm xe gấp 4 lần trước khi có lộ.

Cầu kênh Hai Giao (cầu Thiện Tâm) khánh thành, ở ấp Bàu Môn, có công vận động đóng góp rất lớn của Trưởng ấp Hoài Thanh.

Ông Lê Văn Quận nói cái chính trong tuyên truyền, triển khai thực hiện công trình của ấp, xã là nói lọt tai và làm việc có ích. Còn ông Mai Văn Tỉnh, nhà ở ấp Hòa Quới A, có đất ruộng ở Bàu Môn cũng hết lòng khen ấp này bây giờ so 3-4 năm trước đổi thay nhiều: “Đường thì bê tông, cầu kiên cố, kênh thì nạo vét, vậy là được quá rồi, còn kinh tế thì phải từ từ mới chuyển được”.

Không hẳn chỉ lộ, cầu, kênh mà đời sống bà con cũng rất được anh Thanh coi trọng. Bằng tất cả tấm lòng vận động dân nỗ lực, hết sức cầu thị xin tiền hỗ trợ cho ấp, anh Thanh kể đã dần kéo giảm hộ nghèo ấp mình, nếu năm 2017 có 128 hộ nghèo thì cuối năm rồi còn 75 hộ.

Hộ bà Lê Thị Rạm thoát nghèo 3 năm nay, khi được hỏi về anh Thanh, bà bộc bạch: “Trưởng ấp này tốt, ổng lên dân nhờ nhiều lắm!”.

Tính chung trong và ngoài ấp, cuối năm 2019, anh Thanh đã vận động bắc được 36 cầu kiên cố. Anh kể có người nói “bộ nó khùng hay sao mà bắc hết cầu này tới cầu khác” nhưng anh không tự ái, vì tự ái thì quê mình sao đổi khác được.

Trưởng ấp này được Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp Nguyễn Văn Lẫy đánh giá cao: “Đồng chí ấy làm rất tốt, củng cố được lòng tin trong dân, xây dựng được hình mẫu cán bộ mẫn cán vì Nhân dân”…

Ở hai ấp tôi qua, bà con nói xóm đẹp, làng vui nhờ chính quyền nhiều lắm, nhất là mấy vị trưởng ấp, mong họ phục vụ lâu hơn nữa!

* * *

Gần gũi, gắn bó, lo lắng cho Nhân dân là một trong những nội dung về xây dựng Đảng ta vững về đạo đức và các trưởng ấp đã làm thật ngỡ ngàng. Những vùng quê thanh bình có niềm vui, lòng tin và kỳ vọng thì sự phát triển bền vững không thể không có.

Anh Nguyễn Hoài Thanh: “Trước khi vô Đảng và sau cũng vậy, tôi mong muốn phục vụ nhiều cho dân. Không có suy nghĩ đó tôi không bỏ thu nhập cao mà về ấp đâu. Làm nhiều, lòng tin của dân càng cao giúp tôi có thêm động lực cống hiến”.

 

Bà Trương Thị Suỗi: “Mình quan tâm đến đời sống Nhân dân thì dân sẽ ủng hộ mình ở các phong trào hà !”.

 

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>