Mất điểm ISO và yêu cầu đặt ra

01/08/2017 | 08:35 GMT+7

Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh năm 2016 tiếp tục được mổ xẻ khi UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp mở rộng với nhiều lãnh đạo sở, ngành tỉnh, cấp huyện, xã. Nhiều nội dung theo thang điểm bị Bộ Nội vụ chấm thấp, trong đó có nội dung về xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 (hệ thống quản lý chất lượng) vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Đánh giá cặn kẽ vấn đề cho thấy có nhiều nguyên nhân. Chấp nhận điểm số thấp, Sở Khoa học và Công nghệ có ý kiến khá đầy đủ về nội dung này.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ trình bày lưu trình xử lý một hồ sơ hành chính trong hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 của một sở.

Chi tiết về hệ thống quản lý chất lượng được quy định tại Quyết định số 19 của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/3/2014. Nôm na của thuật ngữ trên là xây dựng, công bố, áp dụng, duy trì, cải tiến quy trình có sự kiểm soát chặt chẽ về thời gian, trách nhiệm đầu ra, đầu vào hồ sơ hành chính của dân để đảm bảo hồ sơ ấy được tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả nhanh, chính xác, khoa học, đúng luật…

 Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 trên địa bàn tỉnh. Nội dung ISO theo thang điểm của Bộ Nội vụ liên quan đến 3 mảng do Sở phụ trách là công bố hệ thống quản lý chất lượng của các sở, ngành, UBND cấp huyện; duy trì hệ thống quản lý chất lượng; và công bố hệ thống quản lý chất lượng ở cấp xã. Năm 2016, tổng điểm chấm là 1,5, tương đương mỗi mảng 0,5 điểm. Sở tự chấm đạt 0,75 điểm, bị trừ 0,75 điểm. Trong đó, điểm trừ 0,25 là do có 2/27 đơn vị (Sở Giao thông Vận tải và Thanh Tra tỉnh) chưa công bố hệ thống quản lý chất lượng: 27 đơn vị gồm 19 đơn vị sở, ngành tỉnh và 8 huyện, thị, thành; và điểm trừ 0,5 là do chưa đạt tỷ lệ số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện đúng việc duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo quy định (dưới 80%)…

Nghiêm túc đánh giá thực tế thực hiện hệ thống quản lý chất lượng, ông Lý Hùng Phương, Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ, nói: “Có khoảng 70-80% sở, ngành, cấp huyện thực hiện tương đối tốt hệ thống quản lý chất lượng, cấp xã thì còn rất nhiều hạn chế”.

“Những quy định “cứng” của ISO như kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ thì có, nhưng thường các đơn vị lại không kiểm tra, đánh giá lại việc thực hiện quy trình, hay vấn đề kiểm tra chéo để hoàn thiện; khi có đoàn kiểm tra thì đơn vị, địa phương mới làm”, ông Phương nhấn mạnh.

 Theo quy định, cấp sở, ngành tỉnh, đơn vị cấp huyện phải thực hiện công bố và duy trì hệ thống quản lý chất lượng; cấp xã chỉ cần công bố. Như vậy, cuối năm 2016 có 25 đơn vị ở tỉnh phải duy trì hệ thống này. Vận hành hệ thống cần 1 thư ký (tham mưu chính) và guồng máy hữu quan trong giải quyết hồ sơ cho tổ chức và người dân. Hệ thống quản lý chất lượng đặt định rõ thời gian chung và thời gian chi tiết cho từng cá nhân phụ trách, đơn vị liên quan phải giải quyết hồ sơ ấy trong mấy ngày, có ký xác nhận rõ ràng, sớm - trễ đều bị phát hiện; cuối cùng là kết quả trả lại cho người yêu cầu.

Như vậy, guồng máy cần có những người am hiểu, có kỹ năng. Do thư ký, cán bộ ở hệ thống này năm 2016 thường có sự thay đổi, thư ký tham mưu chưa tốt nên chất lượng phục vụ có phần ảnh hưởng đến chỉ số CCHC của tỉnh.

Ông Phương nói thêm, nơi nào lãnh đạo quan tâm đến hệ thống quản lý chất lượng thì hệ thống vận hành tốt, phục vụ tốt. Thư ký của ISO cũng rất quan trọng, nếu họ tích cực thì sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho lãnh đạo chỉ đạo vận hành hệ thống phục vụ người dân tốt hơn.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, điểm thấp về nội dung trên trách nhiệm thuộc về cơ quan hướng dẫn là Sở Khoa học và Công nghệ và cơ quan thực hiện. Về cơ quan hướng dẫn, theo báo cáo, sở đã rất tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp với Sở Nội vụ trong thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn xây dựng, công bố hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 trên địa bàn. Song song đó là kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh nhắc nhở những đơn vị thực hiện chưa tốt.

Ông Trần Bá Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nói: “Hệ thống quản lý chất lượng như đã nêu còn hạn chế thì việc giải quyết hồ sơ chưa có sự kiểm soát chặt, thời gian cũng chưa được minh bạch để thực hiện đúng cho tổ chức và công dân”.

Theo định hướng, từ nay đến cuối năm, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền; tiếp tục công bố, duy trì hệ thống quản lý chất lượng ở các đơn vị, địa phương; tập huấn cho cán bộ, thư ký, nhất là ở những đơn vị có thay đổi về nhân sự. Sở cũng sẽ quan tâm nắm những khó khăn về vấn đề này để hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, xây dựng hồ sơ mẫu cho địa phương, đơn vị áp dụng. Có kế hoạch kiểm tra ở các đơn vị thực hiện ISO; những nơi làm chưa tốt, không làm sẽ nhắc nhở và hướng dẫn, hoặc sẽ tham mưu để xứ lý…

Hệ thống quản lý chất lượng do con người đặt ra. CCHC nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng cũng từ con người. Điểm cao, điểm thấp có lẽ là một… bất ổn nào đó. Khách quan nhìn nhận, cung cách phục vụ nhân dân ở Hậu Giang của cơ quan công quyền luôn tiến bộ qua từng năm. Phải chăng đây là một yêu cầu cao hơn đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tiếp tục đổi mới?

Ông Lý Hùng Phương: “Cấp xã có thể gặp nhiều hạn chế nhưng đối với cấp huyện và sở, ngành tỉnh thì không khó vận hành hệ thống quản lý chất lượng do đã có văn bản hướng dẫn; cần tìm hiểu, cần tư vấn thì chúng tôi cũng hỗ trợ được”.

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>