Nâng chất công tác tuyên truyền miệng

22/08/2017 | 07:51 GMT+7

Thời gian 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” chưa phải quá dài, nhưng nhờ sự quyết tâm chỉ đạo, lãnh đạo trong thực hiện của các cấp ủy đảng đã tạo ra bước đột phá mới về hiệu quả tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Văn Bé (trái) tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng hàng rào cây xanh để tạo vẻ mỹ quan xóm ấp.

Khi được hỏi trong số các hình thức tuyên truyền hiện nay, hình thức nào phát huy hiệu quả cao nhất thì nhiều cán bộ công tác trong ngành tuyên giáo của tỉnh đều có chung quan điểm là tuyên truyền miệng. Theo họ, đây là hình thức tuyên truyền không tốn kém thời gian, không kén chọn đối tượng, không phải đầu tư cơ sở, trang thiết bị…

Đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống

Mấy năm trước, khi chủ trương “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đang được phát động trên địa bàn tỉnh thì Chi bộ ấp 1, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy quyết tâm làm đẹp thêm quê mình bằng phong trào này. Muốn vậy thì phải dựa vào sự đồng tình, ủng hộ, chung sức của người dân.

Rồi ông Trần Văn Bé, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Nàng Mau kiêm Bí thư Chi bộ ấp 1, cùng các đảng viên trong chi bộ đã tích cực đi cơ sở tuyên truyền, vận động dân, trong đó có khơi gợi lên hình ảnh đường làng, ngõ xóm sẽ đẹp biết bao nếu bà con đồng lòng hưởng ứng trồng hàng rào cây xanh, hoa dại, phát quang bụi rậm quanh nhà. Mưa dầm thấm lâu, sự nhọc công tuyên truyền của ông Bé và đảng viên trong chi bộ đã được đền đáp, bởi từng mảng xanh của hàng rào, hoa dại ven các tuyến đường dần hình thành, tạo nên diện mạo tươi đẹp hơn cho thị trấn.

Với vai trò báo cáo viên của thị trấn nhiều năm nay, ông Bé trở thành cầu nối mang chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới hội viên hội cựu chiến binh nói riêng và người dân nói chung. Ông Bé bộc bạch: “Để thực hiện tốt vai trò của báo cáo viên thì bản thân tôi thường nghiên cứu, dung nạp kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Ưu thế của tuyên truyền miệng là có thể tương tác trực tiếp với người nghe và tuyên truyền được mọi lúc, mọi nơi”.

Toàn huyện Vị Thủy có 15 báo cáo viên cấp huyện, 184 báo cáo viên cấp xã (65 cá nhân là bí thư chi bộ các ấp). Họ là những người trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần ổn định tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Theo ông Đồng Quang Dững, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vị Thủy, công tác tuyên truyền miệng luôn cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong các phong trào cách mạng do địa phương phát động. Bởi một khi hình thức tuyên truyền này được thực hiện tốt sẽ không khó để khơi dậy sức dân.

Còn ở thành phố Vị Thanh, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư đã giúp cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này, đồng thời xem đây là trách nhiệm của toàn Đảng bộ. Vì vậy, Thành ủy đã dành nhiều sự quan tâm trong 10 năm thực hiện chỉ thị.

Nếu trước đây, đội ngũ báo cáo viên của thành phố khi xuống làm nhiệm vụ ở cơ sở không có chế độ bồi dưỡng thì nay thành phố có sự hỗ trợ thêm về kinh phí, góp phần khuyến khích, động viên đội ngũ báo cáo viên thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Ông Huỳnh Văn Hưởng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vị Thanh, cho biết thông qua việc thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư đã giúp chất lượng công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn thành phố nâng lên rõ rệt. Khi tỉnh vừa tổ chức hội nghị báo cáo viên hàng tháng thì thành phố cũng nhanh chóng triển khai hội nghị báo cáo viên để thông tin kịp thời những nội dung cần tuyên truyền đến báo cáo viên ở cơ sở. Công tác này cố gắng hoàn thành trước khi các chi bộ tổ chức sinh hoạt hàng tháng để bí thư chi bộ (báo cáo viên) kịp thời thông tin các nội dung tuyên truyền cho đảng viên nắm và phổ biến sâu rộng trong nhân dân.

Đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh cho rằng, cấp ủy đảng các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện chỉ thị một cách nghiêm túc, đúng yêu cầu, nhận thức chung của cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên được nâng lên; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được cơ cấu rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, hầu hết có quan điểm chính trị vững vàng, có chuyên môn, nghiệp vụ, giữ vững nguyên tắc phát ngôn, có tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân. 

Nâng chất công tác tuyên truyền miệng

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu ra nhiều mặt còn hạn chế mà công  tuyên truyền miệng của tỉnh gặp phải, như: Phương pháp tuyên truyền có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, còn máy móc, cứng nhắc; nội dung tuyên truyền đơn điệu, thiếu phân tích, liên hệ thực tiễn, có trường hợp đọc, chiếu giáo trình; nhiều vấn đề nóng, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm chưa được cập nhật, thông tin để định hướng dư luận kịp thời…

Ở huyện Vị Thủy cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền miệng, bởi lực lượng báo cáo viên ở cơ sở thường xuyên biến động; trình độ và kỹ năng của lực lượng báo cáo viên còn hạn chế; hình thức tuyên truyền chưa đổi mới… Thực tế đó đòi hỏi các cấp ủy đảng trong huyện cần có giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 17 trong thời gian tới.

Ông Đồng Quang Dững nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, ngày càng đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền miệng”.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh lưu ý các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên cần thống nhất về nhận thức trong công tác tuyên truyền miệng là trách nhiệm của từng đảng viên, nòng cốt là cấp ủy, báo cáo viên tuyên truyền miệng; cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền miệng từ tỉnh đến cơ sở theo hướng phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại, thông tin hai chiều. Nâng cao chất lượng hội nghị báo cáo viên hàng tháng, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, các công cụ hỗ trợ cho công tác tuyên truyền miệng; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên các cấp; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, nhất là ở cơ sở…

“Tuyên truyền miệng góp phần quan trọng tạo ra “sức đề kháng” trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân”, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh khẳng định.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>