Nhân tố giúp địa phương phát triển bền vững

09/10/2017 | 08:18 GMT+7

Vì sự phát triển, những năm qua, thành phố Vị Thanh luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, coi đây là nhân tố quan trọng giúp địa phương vững tiến.

Bà Phan Thu Trang, cán bộ phụ trách công tác tư pháp - hộ tịch UBND xã Tân Tiến, hòa nhã, thân thiện khi giao tiếp với người dân.

Chuyển biến tích cực

Ông Huỳnh Việt Khả, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vị Thanh, cho biết: “Để xây dựng đội ngũ cán bộ hợp lý về số lượng, cơ cấu đồng bộ, chất lượng, Đảng bộ thành phố luôn chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị rà soát đội ngũ cán bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, bổ sung quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Cùng với đó, việc lựa chọn, cử cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đi đào tạo, bồi dưỡng luôn được Thành ủy quan tâm, thực hiện công khai, minh bạch theo quy định và tiêu chuẩn cán bộ”.

Từ năm 2009 đến nay đã có hơn 10.000 lượt CBCCVC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp về lý luận chính trị, chuyên môn, quản lý Nhà nước, được bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Thành ủy, UBND thành phố Vị Thanh cũng đã điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo 182 lượt cán bộ. Thời gian này, Thành ủy luân chuyển 18 lượt cán bộ giữ các chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường (trong đó có 2 lượt cán bộ luân chuyển giữ chức danh bí thư đảng ủy, đồng thời là chủ tịch UBND xã).

Là cán bộ được luân chuyển giữ chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, ông Võ Tứ Phương chia sẻ: “Một vai gánh hai nhiệm vụ nên tôi càng phải nâng cao hơn tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với nhiệm vụ được giao”. Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời làm chủ tịch UBND xã được thực hiện thí điểm tại xã Tân Tiến vào năm 2009, đã giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác của cán bộ trong Khối Đảng, chính quyền, đoàn thể. Đồng thời, phát huy hiệu quả tính dân chủ trong toàn bộ hệ thống chính trị của xã. Theo số liệu thống kê đến nay, xã Tân Tiến đã có 1 cán bộ trình độ thạc sĩ, có 37 CBCCVC có trình độ đại học, trình độ trung cấp có 8 người. Có 2 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị có 31 người, còn lại là trình độ sơ cấp. Được đánh giá là có sự chuyển biến rõ nét sau khi được cử đi học lớp trung cấp lý luận chính trị, hành chính, bà Phan Thu Trang, cán bộ phụ trách công tác tư pháp - hộ tịch UBND xã Tân Tiến, bộc bạch: “Sau khi được học tập, tôi đã được trang bị nhiều kiến thức bổ ích. Đặc biệt là kinh nghiệm thực tiễn, khả năng ứng xử tình huống linh hoạt, hòa nhã, thân thiện khi giao tiếp với người dân”.

Đề cao vai trò chủ động, tự học của cán bộ, công chức, viên chức

Từ năm 2009 đến nay, Thành ủy, UBND thành phố tuyển dụng 113 người (thông qua thi tuyển). Trong đó, Khối Đảng 16 người, Khối Nhà nước 33 người và công chức cấp xã 64 người; xét tuyển 272 viên chức...

Để đảm bảo tính kế thừa, phát huy sức sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, thành phố luôn quan tâm cử cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số có năng lực đi đào tạo, bồi dưỡng. Bà Nguyễn Xuân Yên, cán bộ phụ trách Dân vận Đảng ủy phường IV, chia sẻ: “Trước đây tôi phụ trách công tác chữ thập đỏ phường, chỉ mới được giao nhiệm vụ phụ trách dân vận khoảng 1 năm nay. Quả thật, khi mới được giao nhiệm vụ tôi thấy lúng túng và chưa biết rõ nhiệm vụ của mình, nhưng từ khi hoàn thành xong lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, cộng với đó là được trao đổi kinh nghiệm từ các cô chú, tôi thấy mình hiểu và mạnh dạn hơn trong việc tham mưu đề xuất ý kiến với lãnh đạo về công tác dân vận”. Ông Phan Trường Giang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường IV, cho biết: “Chất lượng đội ngũ CBCCVC sau đào tạo, bồi dưỡng phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị. Đa số CBCCVC sau đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức…”.

Để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ông Võ Minh Tâm, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, nhấn mạnh: “Thành ủy sẽ tiếp tục tạo điều kiện để CBCCVC học tập để nâng cao hơn trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị. Nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng phải đúng chuyên ngành gắn với quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ. Chúng tôi đề cao vai trò chủ động, tự học của CBCCVC trong việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý CBCCVC, tuyển dụng phải phù hợp với vị trí việc làm, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ”.

Thành phố Vị Thanh có hơn 1.420 CBCCVC. Trong đó, có 18 CBCCVC có trình độ thạc sĩ (đang đi học 2 người), trình độ đại học có 1.093 người, cao đẳng có 127 người, trung cấp có 130 người, còn lại là sơ cấp. Về trình độ lý luận chính trị, có gần 100 CBCCVC có trình độ cao cấp lý luận chính trị, còn trung cấp lý luận chính trị có 243 người.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>