Nhiều thông điệp ý nghĩa

17/10/2018 | 08:42 GMT+7

“Ai làm dân vận?” - là tiểu phẩm dự thi của huyện Phụng Hiệp tại Hội thi tìm hiểu về công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ năm 2018 do Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tổ chức mới đây. Một tác phẩm với tựa đề là một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng biết được câu trả lời đầy đủ nhất...

Sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo các phần thi của các đội đã góp phần giúp hội thi thành công.

Nội dung của tiểu phẩm này là ở ấp nọ cần làm bờ kè sinh thái để phòng chống sạt lở bờ sông. Chi bộ liền tiến hành họp dân để vận động bà con đóng góp thực hiện. Phần lớn bà con trong cuộc họp hôm đó đều đồng ý, chỉ có một phụ nữ không đồng tình vì cho rằng hoàn cảnh gia đình mình là “mẹ góa con côi” nên không muốn đóng góp.

Người trưởng ấp chủ trì buổi họp dân hôm đó đã dùng lời lẽ giải thích, vận động có lý, có tình để thuyết phục, đặc biệt là người hàng xóm thân thiết của người phụ nữ đó là hội viên một chi, tổ hội đoàn thể ở ấp cũng góp thêm lời vận động. Kết quả, bà này đã lay chuyển suy nghĩ.

Vị trưởng ấp liền khen người hàng xóm rất có khiếu… dân vận. Được khen nhưng người này ngỡ ngàng: “Con làm nông dân chân chất thì biết gì đâu mà làm dân vận hả chú?”.

“Công tác dân vận không phải chỉ là trách nhiệm riêng của người làm ở ban dân vận, Mặt trận và đoàn thể đâu cháu. Đó là trách nhiệm chung của mỗi người, như cháu đây đã dùng lời lẽ vận động, thuyết phục hàng xóm đồng thuận chủ trương làm bờ kè sinh thái của ấp như thế đã là thực hiện công tác dân vận rồi đó”, vị trưởng ấp lý giải.

Đến đây thì câu hỏi “Ai làm dân vận?” đã có câu trả lời và xin mượn tư tưởng của Bác Hồ về công tác dân vận để truyền tải thêm cho thông điệp này: “Tất cả các cán bộ chính quyền, tất cả các cán bộ đoàn thể, tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận”.

Còn thị xã Ngã Bảy với tiểu phẩm “Chiếc cầu” đã mang đến thông điệp về tinh thần tự giác, tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương của người dân. Trong đó, mỗi người nên đề cao lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân để tránh gây ra hệ lụy không đáng có.

Chuyện là ở ấp kia chưa có cầu qua sông, người dân muốn đi chợ hay học sinh đến trường đều phải qua đò. Thấy vậy nên chính quyền xã vận động kinh phí xã hội hóa để bắc cầu. Việc làm này nhận được sự đồng thuận cao của nhiều người, nhưng chỉ có trường hợp người đưa đò vì lợi ích cá nhân nhất quyết không chịu hiến đất làm cầu, dù chính quyền xã hết lời vận động, giải thích.

Một ngày nọ, xảy ra mưa to, gió lớn nên chiếc đò bị lật và một học sinh bị chết đuối. Người nhà nạn nhân đau thương khôn xiết, còn người đưa đò cũng ân hận, cắn rứt lương tâm và tự vấn: “Phải chi mình chịu hiến đất xây cầu thì đã không xảy ra bi kịch!”.

Câu chuyện nêu trên đâu chỉ mang tính chất hư cấu của một tiểu phẩm nghệ thuật mà thực tế này đã diễn ra ở nhiều nơi. Một vài trường hợp người dân đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng, nhất là không chịu giao đất khi chính quyền các cấp thực hiện giải phóng mặt bằng vì muốn được đền bù giá đất cao hơn, trong khi nhiều hộ khác đã đồng ý.

Hệ lụy là tiến độ thực hiện một số công trình kéo dài, những tuyến đường giao thông không thể thông suốt vì… vướng vài hộ không chịu giao đất; những cây cầu rất bức thiết đã có vốn để xây dựng nhưng không thể triển khai chỉ vì một số trường hợp không chịu giao mặt bằng, mặc cho biết bao người phải thấp thỏm đi cầu khỉ, tốn tiền đò qua sông,…

Có thể nói, 11 đội đã mang đến hội thi 11 tiểu phẩm với nhiều thông điệp sâu sắc, ý nghĩa là: Công tác dân vận chính quyền có vai trò quan trọng và có tác động lớn đến hiệu quả công tác cải cách hành chính; mỗi người đều có thể làm công tác dân vận; người làm công tác dân vận cần khắc cốt, ghi tâm lời Bác dạy: “Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; các cấp, các ngành cần phát huy phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dâm kiểm tra” trong mọi hoạt động, phong trào ở địa phương…

Ngoài phần thi tiểu phẩm, cổ động viên theo dõi hội thi cũng thích thú với sự sôi nổi, hấp dẫn của 2 phần thi tự giới thiệu và bốc thăm trả lời câu hỏi xử lý tình huống theo bộ đề Ban tổ chức quy định. Trong đó, ở phần thi tự giới thiệu, mỗi đội đã nêu khái quát về những biện pháp, cách làm và kết quả đạt được trong công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở địa phương, đơn vị mình. Qua đó, góp phần giúp cho mọi người có dịp giao lưu, học hỏi lẫn nhau về cách làm để thực hiện đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Quả thật, thông qua hội thi này đã giúp từng thành viên ban giám khảo, thí sinh và cổ động viên thật sự hiểu thêm, biết thêm về ý nghĩa, vai trò và nhiệm vụ của công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ trên địa bàn tỉnh, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

“Thành công của hội thi góp phần tạo ra sự lan tỏa sâu, rộng trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận của Đảng, nhất là dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”, ông Trần Văn Huyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>