Nhớ về gương Trương Tấn Lập

23/01/2020 | 11:14 GMT+7

Trương Tấn Lập, còn gọi là Ba Trường, Ba Lập hay bác sĩ Lập. Ông sinh ngày 19-5-1916. Quê ở vịnh Cái Nhàu, thuộc ấp Vĩnh Bình, làng Vĩnh Viễn, quận Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá xưa (nay là ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ).

Ông thuộc hàng lão thành cách mạng, có bề dày thành tích và uy tín. Có thể nêu lên các mặt nổi bật của bậc cao niên Trương Tấn Lập, đó là tinh thần hiếu học, tinh thần yêu nước và cách mạng…

Khai giảng năm học mới ở Trường THCS Trương Tấn Lập.

Rất hiếu học

Gia đình ông theo nghề nông, sống có nề nếp, gia phong, các bậc lớn tuổi trong làng phần nhiều là học chữ Nho nên trong sinh hoạt thường sử dụng các phương châm, ngạn ngữ của Khổng giáo; ông thì quen với lối sống nông thôn: cưỡi trâu, câu cá, bắt cua, cấy lúa, tắm sông…

Năm 6, 7 tuổi, ông học thầy Hội dạy tại nhà, sau 4 tháng viết và đọc được chữ; kế đến ông theo học thầy Nhị. Ông rất sáng dạ, làm được 4 phép tính nên cha ông cho ra học trường quận ở chợ Trà Bang (thị xã Long Mỹ ngày nay).

Ở trường quận, ông trải qua kỳ thi lấy bằng tiểu học (lớp sơ đẳng), lấy chứng chỉ Pháp ngữ lớp nhì; năm 1930, ông ra tỉnh lỵ Rạch Giá thi đậu bằng sơ học (lớp nhất). Năm 1931, ông thi đậu vào Trường Trung học Collège Cần Thơ, có học bổng ăn ở tại trường, trường này mỗi năm có vài học sinh đạt học bổng như vậy.

Trung học Collège Cần Thơ là trường công dành cho học sinh 7 tỉnh Tây sông Hậu. Được thầy Viễn ở Long Mỹ giúp đỡ nên những năm học ở Cần Thơ ông tiếp tục là học sinh giỏi. Năm 1935, ông thi đậu bằng Thành chung và cũng đậu lấy luôn Brevetélémentaire cùng Brevet d’Enseignememnt Primaire Supérieur của Pháp, tương đương Thành chung, rồi ông lên Sài Gòn vào học Trường Trung học Trương Vĩnh Ký (Lycée Petrus Ký) và cũng được học bổng.

Trường Petrus Ký cũng như Trường Quốc học Huế và Chu Văn An ở Hà Nội dành cho người sở tại thi lấy tú tài bản xứ (giá trị hơn tú tài Tây). Năm 1938, ông đậu tú tài toàn phần tại Trường Trung học Trương Vĩnh Ký, sau đó, ông ghi danh vào học ở Trường Đại học Y Hà Nội - trường y duy nhất của xứ Đông Dương thuộc Pháp và ông cũng nhận được học bổng.

Ra Hà Nội, ông ở trong Việt Nam học xá (ký túc xá), được bầu làm xá trưởng do học giỏi và có uy tín, được cấp phòng ở riêng có buồng tắm, chậu rửa mặt, quạt mát, lò sưởi điện, được miễn đóng tiền ăn, muốn ăn bếp Tây, bếp Ta gì cũng được.

Trong thời gian này, ông được nhận bọc bổng cao nhất 70 đồng/tháng, khỏi phải đóng tiền ăn ở khoảng 50 đồng/tháng, phụ cấp sinh viên ngoại trú các bệnh viện 10 đồng/tháng và được kỹ sư Đặng Văn Vĩnh giúp ông thêm 20 đồng/tháng, cộng chung khoảng 150 đồng/tháng, tương đương với 3 lượng vàng lúc bấy giờ.

Sở dĩ, ông có được như vậy là vì suốt 7 năm đại học ông đều là học sinh giỏi. Tháng 11-1945, ông tốt nghiệp đại học tại Trường Đại học Y Hà Nội, lấy bằng bác sĩ, tấm bằng tốt nghiệp của ông do Bộ trưởng Giáo dục Chính phủ lâm thời Vũ Đình Hòe ký. Hôm công bố kết quả có Bác Hồ đến chứng kiến và Người còn mời tướng Lư Hán, Tư lệnh lực lượng đồng minh ở Bắc bộ đến dự. Ông là 1 trong 7 ông tú trẻ nhất đất Cần Thơ lúc bấy giờ.

Có thể nói, ngoài tư chất sáng dạ, thông minh, cái căn bản là ông có ý chí phấn đấu rất cao cho việc học, có phương pháp học tập khoa học nên gặt hái được thành quả nổi bật, “thi đâu đậu đó” và luôn giành được học bổng. Ngày thi đậu tú tài, ông nhất quyết không chịu lấy con gái một quan tri huyện và từ chối làm rể một địa chủ giàu có để ưu tiên cho việc bước vào đại học. Đây là một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học!

Trên vùng đất Vĩnh Viễn anh hùng, Trường THCS mang tên Trương Tấn Lập được xây dựng khang trang để mọi người ghi nhớ về ông.

Yêu nước, cách mạng

Tư tưởng tiến bộ và tình cảm yêu nước đã manh nha trong ông từ rất sớm. Hồi còn học tiểu học ở Long Mỹ, nhân vụ án Nguyễn An Ninh, thầy Hiệu trưởng Trần Văn Viễn có nói với học sinh: “Làm được như nhân vật này không dễ và không phải ai cũng dám làm”. Câu nói của thầy Viễn đã gieo sự chú ý đầu tiên đối với ông.

Lúc học ở Cần Thơ, tinh thần yêu nước của 2 cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đã kích thích vào tâm hồn non trẻ của ông. Khi ra Hà Nội học đại học, ông đi thăm rất nhiều di tích lịch sử dân tộc ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ; tham gia cắm trại thanh niên ở Bằng Trì (Thanh Hóa) để tập chịu đựng gian khổ vì lòng yêu nước, rồi đạp xe lên Lam Sơn thăm di tích thời Lê Lợi khởi nghĩa và diễn tập trận đánh đồn Địch Lọng diệt quân Minh…

Các chuyến đi như vậy nhắc nhớ ông về trách nhiệm của công dân: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”…

Ông cũng tham gia giành chính quyền ở Hà Nội và ngày 2-9 nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình. Không thể tả hết sung sướng, lòng tự hào, nỗi hãnh diện trong ông.

Hôm sau, đọc lại bản Tuyên ngôn và nhìn kỹ chân dung Cụ Hồ đăng trên báo, ông cân nhắc: “Nên làm gì để đóng góp cho nước nhà? Có nên chờ thi xong không?”, đây là bước ngoặt giác ngộ cách mạng trong đời ông.

Xin nói thêm, hạ tuần tháng 9-1945, hay tin Y tế vệ quốc đoàn thành lập nên ông viết đơn xin gia nhập. Cuối tháng 11-1945, ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, ông là 1 trong 15 bác sĩ ra trường khóa đầu tiên của chính thể mới Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay sau khi ra trường, ông được giới thiệu về Trường Quân chính Việt Nam, phụ trách y tế vệ quốc đoàn của trường. Ông là 3 bác sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong suốt gần 60 năm phục vụ cách mạng, ông từng vào Nam ra Bắc, vượt Trường Sơn bằng đôi chân không mỏi, vượt biển khơi bằng đoàn tàu không số, trải qua nhiều cương vị, chức vụ khác nhau trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều lần phải đối mặt với hiểm nguy, sinh tử. Nhưng ở bất cứ cương vị nào, hoàn cảnh nào ông cũng đều rất bản lĩnh, tự tin, cần mẫn và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ông có nhiều đóng góp cho ngành quân y quân đội, có “công đầu” trong xây dựng và tổ chức ngành dân - quân y Tây Nam bộ - Khu 9…

Trong 30 năm (1950-1980), ông đã chỉ đạo hoặc trực tiếp huấn luyện, đào tạo hơn 100 bác sĩ, 6.000 y sĩ, dược sĩ và hàng chục ngàn y tá, dược tá; cứu chữa thành công, an toàn hàng chục vạn thương binh, bệnh binh của Quân khu, đáp ứng yêu cầu của chiến trường Tây Nam bộ, góp phần đưa công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc giành thắng lợi.

Hàng trăm cán bộ y, dược do ông đào tạo đã trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng, của cách mạng, trong số học trò đó có 8 đồng chí cùng với 12 đơn vị quân y được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (các đơn vị và cá nhân trong ngành quân y Khu 9 đã nhận 25% tổng số huân chương các loại của toàn ngành quân y cả nước...). Ông nghỉ hưu năm 1980, ở tuổi 65, với cấp hàm đại tá. Nghỉ hưu, ông tiếp tục làm Chủ tịch Hội Y học Cần Thơ (23 năm) đến lúc cuối đời (mất ngày 13/7/2004 tại Cần Thơ; mộ phần ông tọa lạc tại vịnh Cái Nhàu, ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn).

Với thành tích cống hiến xuất sắc, ông được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng 2, Quân công hạng 2, Quân công Giải phóng hạng 2, Quyết thắng hạng 1, Chiến thắng hạng 2, Kháng chiến chống Mỹ hạng 1; Huy hiệu 40 tuổi Đảng, Thầy thuốc Ưu tú…

Có thể nói, Trương Tấn Lập là “đóa sen hồng” tiêu biểu cho tinh thần hiếu học và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho quê hương, đất nước, rất xứng đáng là đứa con của quê hương Vĩnh Viễn, Long Mỹ giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Đây còn là một tấm gương sáng về thực hành “đạo đức Hồ Chí Minh” để mỗi chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau học tập và noi theo!

Một số chức vụ quan trọng mà ông Trương Tấn Lập kinh qua: Trưởng Phòng Quân y 3 quân khu: Quân khu I (Bắc bộ, 1945-1946), Quân khu 4 (Trung bộ, 1946-1949 và 1955-1964), Quân khu 9 (Nam bộ, 1965-1980); Cục phó Cục Hậu cần Quân khu 9 (1969-1978); Hiệu trưởng Đại học Quân Dân y kiêm Giám đốc Sở Y tế khu Tây Nam bộ (1972-1976).

 

LÊ HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>