Tạm biệt Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh !

29/12/2017 | 08:34 GMT+7

“Nghe tin ông Trần Công Chánh sắp về hưu (ngày 1-1-2018) mà lòng tôi thấy buồn...”, ông Nguyễn Công Tình, ở xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, bộc bạch.

Giản dị, gần gũi là điều mà mọi người cảm nhận về Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh (bìa trái).

Kể từ lần được ông Trần Công Chánh (Bảy Chánh) ghé thăm gia đình mình vào Tết Giáp Ngọ 2014 thì ông Tình đã có ấn tượng đặc biệt với vị Bí thư Tỉnh ủy gần dân này.

Lần đó, khi thấy tết mà nhà cửa của ông Tình vẫn còn thiếu nhiều thứ, ông Trần Công Chánh đã tặng ít tiền để mua sắm; biết gia đình ông Tình chưa xây dựng nhà vệ sinh, ông chỉ đạo cho UBND huyện Vị Thủy phụ trách hỗ trợ gia đình này… “Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để thấy ông Trần Công Chánh thương dân nhiều. Dù là lãnh đạo cao nhất tỉnh nhưng phong cách của ông rất dung dị, gần gũi, chất phác!”, ông Tình nói.

Còn nhớ, trong chuyến công tác tại tỉnh Hậu Giang gần đây, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, nhận xét: “Anh Bảy Chánh có tính khẳng khái, trung thực, sống tình cảm và phong cách bình dị của con nhà nông. Trong công việc thì có tinh thần trách nhiệm rất cao”.

Hầu như ai gặp ông Bảy Chánh cũng nhận xét ông giống nông dân… thứ thiệt. Bản thân ông nhiều lần cũng tự nhận mình là nông dân… nòi, nên dù có làm gì, ở cương vị nào thì chất nông dân vẫn bám miết vào con người ông.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo lại gắn bó với… nghiệp nhà binh nên ông thấm thía nỗi cơ cực của nông dân phải tần tảo lo cuộc sống. Cho nên khi trở thành lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, điều mà ông trăn trở nhất là làm sao để phát triển nông nghiệp bền vững và cải thiện sinh kế cho người nông dân…

Điều đó được ông thể hiện trong tất cả mọi hoạt động từ lớn tới nhỏ, đến cả tấm danh thiếp ông cũng in hình mía, khóm, lúa, cá, bưởi… như muốn gửi gắm hết tâm huyết vào đó. Ông làm vậy là để giới thiệu nông sản Hậu Giang đến với đối tác trong và ngoài nước; đó còn ẩn chứa sự tri ân đối với những nông dân một nắng, hai sương.

“Nhiều bạn bè ngành nông nghiệp ở ĐBSCL ví von với tôi: Tấm danh thiếp nông sản ấy có khi hay hơn cả một hội nghị xúc tiến nông sản”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chia sẻ.

Bận trăm công ngàn việc nhưng người dân vẫn thường thấy ông Trần Công Chánh thị sát các mô hình làm kinh tế hiệu quả của nông dân để có những chỉ đạo phù hợp; hay về vùng hạn, mặn chia sẻ, động viên, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Đặc biệt, mỗi dịp xuân về, vị cán bộ này lại chọn những nơi vùng sâu, vùng nghèo của tỉnh để cùng ăn tết, tặng quà. Ở đó, dường như không còn khoảng cách giữa cán bộ với dân.

Khi nghe dân phản ánh, cũng như báo chí thông tin về tiếng ồn, nguồn nước bị ảnh hưởng, mùi hôi xuất hiện tại khu vực Nhà máy Giấy Lee&Man, Bí thư Tỉnh ủy liền cùng với lãnh đạo các ngành có liên quan trực tiếp đến khảo sát thực tế các hộ dân sinh sống ở khu vực gần nhà máy giấy. Rồi đề nghị nhà máy xem lại toàn bộ dây chuyền trong xử lý nước thải để không tái phát mùi hôi nữa...

Rồi trong năm, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp xuống tiếp xúc, đối thoại với người dân ở huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ, qua đó chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhiều ý kiến, kiến nghị của dân.

Từ lúc còn làm Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy, ông Trần Công Chánh không ít lần tâm sự rằng, khi tỉnh mới thành lập, đời sống của người dân lúc ấy hết sức khó khăn nên trong suy nghĩ của lãnh đạo tỉnh lúc nào cũng trăn trở là làm sao để đời sống người dân được nâng lên và chăm lo tốt hơn cho gia đình người có công với cách mạng… Trăn trở ấy đã được ông cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa thành chủ trương, quyết sách đúng đắn và hành động sát thực tế thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh trong một lần về ăn tết với hộ nghèo, đối tượng chính sách ở huyện Vị Thủy.

Gần đến ngày về hưu, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh vẫn cất công làm việc với Huyện ủy Long Mỹ, Thị ủy Long Mỹ nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà hai địa phương gặp phải; rồi đi kiểm tra các mô hình sản xuất ở xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp), làm việc với Hợp tác xã Bắc Xà No (xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy) về tình hình sản xuất lúa hữu cơ…

Từ đó để thấy, tất cả tâm huyết, suy nghĩ và hành động của Bí thư Tỉnh ủy đều dành trọn cho sự phát triển của Hậu Giang.

Dù đã tận tâm, tận sức cống hiến, nhưng khi sắp về hưu, ông Trần Công Chánh vẫn còn nhiều nỗi niềm trăn trở, nhất là tỉnh vẫn còn gần 10% hộ nghèo, nhiều gia đình chính sách, người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở…

“Với truyền thống đoàn kết của Đảng bộ tỉnh từ lúc khó khăn đến nay, tôi tin tưởng các đồng chí sẽ thay tôi gánh vác trọng trách người đứng đầu của Hậu Giang sau này sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tinh thần đoàn kết, nghĩa tình keo sơn gắn bó của đồng đội, đồng chí. Dù không trực tiếp cùng các đồng chí lãnh đạo, điều hành nhưng với tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên, tôi hứa sẽ tiếp tục theo dõi, đồng hành cùng các đồng chí xây dựng quê hương, con người Hậu Giang: Đoàn kết - Nghĩa tình - Thủy chung - Năng động”, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh nhắn nhủ.

Tinh thần, tâm huyết cống hiến của ông Trần Công Chánh sẽ tiếp thêm niềm tin, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang thực hiện tốt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững tỉnh nhà như điều ông mong mỏi…

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, nói: “Điều mà cán bộ và người dân trân quý đó là đồng chí Trần Công Chánh không lý thuyết, nói suông mà vừa nói, vừa làm, không phải cái kiểu ở trên chỉ xuống mà cầm tay, dạy việc, tìm hiểu, chỉ bảo tận tình, cặn kẽ…”.

Trích từ quyển sách “Theo dòng thời gian”

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>