Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Kỷ luật của Đảng không có “vùng cấm”

21/12/2017 | 15:55 GMT+7

Mấy ngày qua, việc Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố quyết định thi hành kỷ luật một số cán bộ đã trở thành sự kiện thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Phải khẳng định rằng, cùng với những quyết định kỷ luật được công bố trước đó, các quyết định vừa qua cũng cho thấy quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, từ đó củng cố niềm tin trong nhân dân, giữ gìn sự ổn định để phát triển đất nước.

Năm 2016, đề cập vấn đề “biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống”, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đã chỉ rõ hiện tượng “Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” đã và đang xuất hiện trong một số đảng viên. Đây là một trong các nguyên nhân để tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, và Nghị quyết đã khẳng định phải: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng”. Trên thực tế, điều này là sự trông đợi không chỉ của đội ngũ đảng viên, mà còn là sự trông đợi, hy vọng của xã hội. Bởi nếu không giải quyết triệt để, các hiện tượng mà Nghị quyết đề cập hoàn toàn có thể làm xói mòn uy tín của Đảng trong nhân dân, lấy đi cơ hội cống hiến của người tài năng và tâm huyết với đất nước, làm hao hụt tài sản quốc gia, biến tài sản công thành tài sản tư, giúp một số người làm giàu bất chính, đồng thời đẩy rất nhiều người khác vào tình trạng nghèo khổ,… và hậu quả của các hiện tượng đó trực tiếp đe dọa, làm chệch hướng sự nghiệp Đổi mới. Đối với vấn đề này, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả… Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.

Nhìn trên diện rộng, vì kỷ luật của Đảng không có “vùng cấm” cho nên sau khi kiểm tra khách quan và cẩn trọng, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã quyết định kỷ luật nhiều cán bộ, tổ chức đảng các cấp (từ người đương chức tới người nguyên là Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo tổ chức Đảng của một số bộ và doanh nghiệp lớn của Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), với các vi phạm khác nhau (như: vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; sai phạm trong quản lý tài chính, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng; mua cổ phần vượt mức quy định, chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức - cán bộ; vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng một số dự án, công trình trọng điểm; cố ý làm trái các quy định của hội đồng thi tuyển công chức của địa phương; quyết định tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ không đúng thẩm quyền; bổ nhiệm cán bộ chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình, ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai khi chưa được phê duyệt quy hoạch; không trung thực khi kê khai quá trình công tác, ý thức tổ chức kỷ luật kém, bỏ sinh hoạt đảng nhiều tháng,…), với các hình thức kỷ luật khác nhau (như: phê bình, cảnh cáo, yêu cầu làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ quyết định về công tác cán bộ, cách chức, cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, một số cá nhân sau khi nhận kỷ luật của Đảng đã bị cơ quan chức năng khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra…).

Điểm qua những vi phạm của đảng viên nêu trên, cho thấy việc vi phạm hết sức phức tạp, và xét đến cùng đều có nguồn gốc từ việc một số đảng viên thao túng công tác cán bộ, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt, đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp… Trường hợp vừa qua Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức Đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo là thí dụ. Đáng chú ý là phần lớn các hiện tượng “con cha, cháu ông” thăng quan tiến chức, bổ nhiệm bất bình thường đều được bao biện là “đúng quy trình”! Trên thực tế, để “đúng quy trình” cho con cháu, người thân,… thường thì một kế hoạch rất cụ thể được triển khai sao cho có thể đưa ra hồ sơ “hợp lý”, là: sử dụng ngân sách cử đi học trên đại học (trong đó tỷ lệ cao là trường nước ngoài), kết nạp vào Đảng, liên tục bổ nhiệm từ cấp thấp đến cấp cao hơn,… để qua đó dựng nên lý lịch một cá nhân nhiều triển vọng, đào tạo bài bản, có năng lực lãnh đạo, đã qua thử thách từ thực tiễn công tác! Một kế hoạch như thế chỉ tiến hành trót lọt khi người đứng đầu có khả năng chi phối các cá nhân, tổ chức liên quan, và tất nhiên cần có sự hỗ trợ của một số người có trách nhiệm khác. Như vậy về bản chất, đó là một kế hoạch có mục đích nhằm hoàn thành những thủ tục cần thiết như một biện pháp để hợp thức hóa việc làm sai phạm và bỏ qua yêu cầu chặt chẽ của quá trình phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng; bỏ qua yêu cầu về trình độ, năng lực, tố chất và phẩm chất lãnh đạo, quản lý mà người được bổ nhiệm cần có; nhất là bỏ qua sự sàng lọc để tìm người thật sự có tài - đức và tâm huyết phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Và đó là việc làm không thể chấp nhận…

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại để dân tộc ta giành lại nền độc lập, được làm chủ đất nước mình. Và trong cả những thời điểm khó khăn nhất, Đảng và Nhà nước vẫn cố gắng tạo điều kiện để mọi người Việt Nam đều bình đẳng về cơ hội phát triển, được cống hiến và hưởng lợi ích do lao động chân chính đem lại. Vì thế, về nguyên tắc, thời “Con vua thì lại làm vua…” không còn nữa. Nhưng càng gần đây, dưới nhiều hình thức biến hóa khác nhau, nội dung câu ca dao đề cập như đang trở lại trong chính quyền ở một số nơi, tại một số cơ quan, doanh nghiệp nhà nước… Đó là hệ lụy của hiện tượng đảng viên “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Không phải ngẫu nhiên, gần đây dư luận lại khái quát hiện tượng gọi là “thần đồng chính trị”, “bổ nhiệm thần tốc”, “tham nhũng tương lai”! Điều đáng nói là hiện tượng nêu trên khó giấu giếm, khó lọt qua sự quan sát của báo chí, dư luận. Vấn đề cần thiết là phải xem xét một cách khách quan, nếu phát hiện sai phạm phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Cơ hội phát triển phải bình đẳng với mọi công dân. Và sự nghiêm túc này sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Kỷ luật của Đảng không có “vùng cấm” cũng có nghĩa kỷ luật của Đảng không dung túng, không dung thứ bất cứ sai phạm nào của đảng viên. Điều này đồng thời đòi hỏi mỗi đảng viên nâng cao nhận thức, ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình, để từ đó đồng lòng thực hiện mục tiêu: “Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng” như Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) khẳng định.

Theo THÀNH HÀ/nhandan.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>