UBND tỉnh điều hành năng động, linh hoạt và đạt nhiều kết quả nổi bật

22/03/2021 | 17:23 GMT+7

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, với sự điều hành năng động của UBND tỉnh, hầu hết nghị quyết HĐND tỉnh đều nhanh chóng đi vào cuộc sống, phục vụ lợi ích của người dân và tạo động lực để kinh tế - xã hội phát triển.

Ông Đồng Văn Thanh (bìa trái), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của người dân huyện Long Mỹ.

Vốn là một tỉnh thuần nông nên phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm. “Chúng tôi đã xây dựng được các chính sách, các giải pháp để tập trung phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, có nhiều mô hình tiến tới kinh tế tuần hoàn và sản xuất nông nghiệp có hiệu quả đang được nhân rộng trong những năm tiếp theo”, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết.

Nhiệm kỳ 2016-2021, UBND tỉnh dự thảo nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách ấy được HĐND tỉnh thông qua bằng các nghị quyết để thực hiện. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và môi trường một cách bền vững, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Qua thống kê, giai đoạn này, trên lĩnh vực nông nghiệp, HĐND tỉnh ban hành 8 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết đã được tổng kết và 4 nghị quyết đang được triển khai thực hiện. Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Các nghị quyết về phát triển nông nghiệp đều được chúng tôi phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện hàng năm cũng như kế hoạch 5 năm. Đến nay, nhiều nghị quyết, đề án được thực hiện hiệu quả”.

Cụ thể, theo bà Giang, Nghị quyết số 03 ngày 8/7/2014 về việc thông qua Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1000) đã được triển khai thực hiện mang lại nhiều kết quả tích cực. Tổng số hộ dân đăng ký thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng là 2.492 với diện tích hơn 2.000ha và 1.282 hộ đăng ký chuyển đổi chăn nuôi. Hiệu quả kinh tế mang lại là rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn như mô hình chuyển đổi từ vườn tạp, chuyển đổi mía kém hiệu quả sang trồng cây có múi, sau khi trừ chi phí đầu tư, đến năm thứ 3 cây bắt đầu cho trái ổn định, mỗi năm hộ dân đạt lợi nhuận từ 70-400 triệu đồng/ha (tùy loại cây trồng).

Khi được chính quyền xã tuyên truyền, vận động, gia đình bà Lưu Thị Lâm, ở ấp Thạnh Đông, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, mạnh dạn tham gia Đề án 1000. Cụ thể là đăng ký chuyển đổi 5 công đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, đồng thời được vay 41 triệu đồng để thực hiện việc chuyển đổi.

Bà Lâm cho rằng việc chuyển đổi cây trồng theo Đề án 1000 là quyết định đúng đắn. “Giá bưởi da xanh trên thị trường luôn ở mức cao giúp gia đình tôi thu được số tiền hơn 100 triệu đồng mỗi năm, trừ đi chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng. Nếu trồng 5 công mía thì rất khó kiếm được lợi nhuận như vậy do giá cả lên xuống thất thường”, bà Lâm cho biết.

Diện mạo nông thôn của tỉnh cũng “thay da đổi thịt” thấy rõ nhờ xây dựng nông thôn mới. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 32/51 xã nông thôn mới, đạt trên 62% tổng số xã. Có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

Thành tích về xây dựng và phát triển đô thị của tỉnh trong nhiệm kỳ qua cũng rất đáng tự hào. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Phải nói rằng, chúng tôi chỉ đạo hoàn thành rất xuất sắc mục tiêu nâng cấp và phát triển đô thị. Kết quả là thành phố Vị Thanh được công nhận đô thị loại II, thị xã Long Mỹ được công nhận đô thị loại III và xây dựng thị xã Ngã Bảy đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc tỉnh”.

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng, đối với UBND tỉnh - cơ quan chấp hành - cơ quan trực tiếp tổ chức triển khai và thực hiện pháp luật mà nhất là các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành, nhìn lại chặng đường 5 năm qua với nhiều thuận lợi mà cũng không ít thách thức đan xen, nhưng với sự quyết tâm chính trị cao, sự cộng đồng trách nhiệm và sẻ chia của các doanh nghiệp, mạnh thường quân đã tạo sức mạnh tổng thể để tỉnh vượt qua những khó khăn, gặt hái được một số thành tựu quan trọng.

Nổi bật là 16/18 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; đặc biệt năm 2020 tỉnh vẫn giữ tốc độ tăng trưởng dương khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp; chất lượng cuộc sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao; diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng hiện đại, khang trang và đồng bộ.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đánh giá hoạt động của UBND tỉnh trong 5 năm qua vẫn còn có mặt hạn chế. Đó là mối quan hệ phối kết hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có lúc chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, từ đó dẫn đến vẫn còn sức ì, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khơi gợi và phát huy; các chỉ số PAPI, PCI,… còn thấp so với cả nước và khu vực nhưng chậm được cải thiện…

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, tồn tại trong quá trình hoạt động chỉ đạo, điều hành. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế, yếu kém và xác định các giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, cũng như thực hiện nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, mà trọng tâm là triển khai các chương trình, đề án đã được HĐND tỉnh thông qua nhằm tạo những cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm là 90.000 tỉ đồng, tăng bình quân trên 7,6%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm đạt gần 44.000 tỉ đồng, tăng bình quân hơn 7,7%/năm, vượt 52% so kế hoạch. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ đến cuối năm 2020 hơn 1 tỉ USD, gấp hơn 2 lần so với năm 2015, tăng bình quân 15,9%/năm, vượt 15% kế hoạch.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 3,1% tổng số hộ và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,2% tổng số hộ. Giải quyết việc làm 5 năm trên 90.600 lao động, vượt trên 20,8% kế hoạch, bình quân hàng năm giải quyết việc làm trên 18.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%, vượt gần 11,2% kế hoạch. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 80% tổng số trường, đạt 100% kế hoạch. Số sinh viên trên 10.000 dân là 200. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 10,9%, vượt kế hoạch. Số bác sĩ trên 10.000 người dân là 8,3 bác sĩ, đạt 100% kế hoạch. Số giường bệnh trên 10.000 người dân trên 34 giường, vượt 0,14% kế hoạch. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế là 90,2%, vượt 5,9% kế hoạch…

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>