Viết về chính trị phải càng trăn trở…

17/06/2020 | 19:04 GMT+7

Năm 2020 diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, với những nhà báo được phân công bám mảng là cả một trọng trách để chuyển tải kịp thời, đầy đủ, chính xác đến độc giả, khán, thính giả các thông tin liên quan...

Nhà báo Nhật Tân (trái) luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phải hỏi mới, hỏi sâu

Từng được giao đưa tin, phản ánh nhiều sự kiện chính trị quan trọng, tác nghiệp với áp lực cao về thời gian, nhà báo Nhật Tân, Báo Hậu Giang, cho biết điều đó giúp trui rèn thêm cho mình sớm trưởng thành.

Anh thông tin thêm, đầu năm đến nay được giao viết nhiều bài phản ánh về Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; đại hội đảng bộ các cấp… Với những chủ đề như vậy, anh rất chủ động hình thành đề cương, lựa chọn nhân vật, địa phương; quá trình khai thác phải hỏi mới, hỏi sâu, sau đó là chọn chi tiết để thể hiện cho hấp dẫn… 

Dịp 30-4 vừa rồi, nhà báo Nhật Tân tâm đắc đề tài “Nghe tướng kể chuyện quân - dân” nên đăng ký thực hiện. Và anh chọn trung tướng Nguyễn Xuân Xinh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục V Bộ Công an và thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, nguyên Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô, để triển khai đề tài.

Nhà báo Nhật Tân chia sẻ: “Khá khó khăn để liên hệ gặp được 2 vị tướng này, nhưng khi gặp rồi thì họ rất sẵn lòng tâm sự… Tôi rất trăn trở khi viết bài và dốc hết sức để tái hiện lại những cống hiến của các vị. Tác phẩm được đăng tải có sự tham gia của nhiều khâu và rất tròn trịa”.

Với những phóng viên, nhà báo mảng chính trị, thời điểm này được giao hẳn viết bài về đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương. Thành tựu 5 năm mà chỉ chuyển tải trong 1 bài báo là cả quá trình lọc lựa thông tin, tránh viết chung chung, dàn trải.

Khi được giao nhiệm vụ trên, nhà báo Nhật Tân tâm đắc dấu ấn nổi bật trong 5 năm qua của Đảng bộ Công an tỉnh là việc đưa công an chính quy về cơ sở; ở Đảng bộ huyện Long Mỹ là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Phóng viên Thu Hiền luôn cố gắng tìm đề tài mới ở lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Trong khi đó, với phóng viên Thu Hiền, Đài Truyền thanh Vị Thủy, để có tác phẩm chất lượng liên quan đến sự kiện chính trị đòi hỏi người viết phải có kiến thức khá về lĩnh vực đó. “Tránh sự khô khan khi tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp, tôi cố gắng khai thác từ những cách làm thực tế, kết quả của các mô hình mới, cách làm hay từ huyện đến cơ sở trong nhiệm kỳ, giúp tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống”, chị Hiền tâm sự.

Nói về áp lực thời gian khi phải thông tin kịp thời các sự kiện chính trị được giao, nhà báo Nhật Tân cho biết phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để xử lý thông tin; chủ động trước 15-20 ngày để không bị dồn; phải giữ cho đầu óc thật tỉnh táo để viết hay, hạn chế sai sót.

Viết về xây dựng Đảng phải càng trăn trở

Tác nghiệp, phản ánh kịp thời, đầy đủ thông tin đã khó, nhưng viết sao cho hay, cho mới lại càng khó hơn đối với phóng viên, nhà báo, nhất là đối với những sự kiện chính trị lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền. Năm nay diễn ra đại hội đảng bộ các cấp và các sự kiện chính trị năm chẵn nên phóng viên phụ trách mảng này có một năm bận rộn.

Nhà báo Thanh Giang trong một lần tác nghiệp.

Nhà báo Thanh Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, có nhiều tin, bài phản ánh về đại hội đảng bộ cấp cơ sở, trên cơ sở. Chị nói: “Lợi thế của truyền hình là cung cấp đến người xem thông tin bằng hình ảnh, nhưng cái khó là hình ảnh đó phải thật sinh động, đời thường, gần gũi thì mới thu hút người xem. Do đó, khi thông tin về công tác chuẩn bị đại hội thì tôi cố gắng đưa hình ảnh từ các hoạt động thực tế”.

Theo tâm sự của nhiều đồng nghiệp, khi viết ở lĩnh vực xây dựng Đảng thường gặp khó về đề tài bởi cứ “quanh quẩn” với hệ thống nguyên tắc, chỉ thị, nghị quyết… Vì vậy, hơn hết luôn phải có góc nhìn mới, khi thông tin còn “mỏng” thì “để dành”; viết về mảng nào cũng phải thao thức nhưng viết về xây dựng Đảng phải càng trăn trở.

Nhà báo Thanh Giang chia sẻ thêm: “Khi viết về những mặt hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, nhất là tổ chức cán bộ thì khó có đủ hình ảnh để dựng thành phóng sự. Do đó, tôi minh họa bằng những biểu đồ thống kê, biếm họa... Tôi cũng ít khi khơi lại những “chuyện đã qua” mà tập trung khai thác những giải pháp mà các tổ chức đảng, đảng viên đã làm để khắc phục hạn chế, khuyết điểm”.

Từ cách làm trên, nhà báo Thanh Giang cho ra đời nhiều tác phẩm nổi bật và đoạt giải cao tại các giải báo chí cấp tỉnh và quốc gia như: Trục lợi chính sách từ cơ sở - Đạo đức người cán bộ, Ngọn lửa lòng dân, Quản lý trên giấy, Tinh tường lựa chọn cán bộ…

Cũng liên quan đến các sự kiện chính trị về chủ đề học tập, làm theo Bác, theo phóng viên Thu Hiền, để có bài viết hay thì phải tìm được những tập thể, cá nhân thật sự tiêu biểu; có nhân vật rồi thì phải chuẩn bị cho mình nghiệp vụ khai thác cụ thể, sâu…

“Gương Bác thấm vào lòng dân Vị Thủy” là tác phẩm nổi bật của chị Hiền. Tác phẩm nói lên tấm lòng của người dân huyện Vị Thủy đối với Bác Hồ khi rước ảnh Bác về thờ nơi trang trọng trong nhà. Không chỉ thờ ảnh Bác, nhiều người dân còn học và làm theo Bác ở đức tính cần cù lao động để làm giàu chính đáng, sẵn sàng góp công, góp của cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo...

“Để những bài viết về chính trị bớt khô khan thì tôi hạn chế nêu lý luận, thay vào đó là đi sâu phản ánh mặt được, chưa được; bài viết với bố cục rõ ràng, ngôn từ dễ hiểu nhất”, phóng viên Thu Hiền cho biết thêm.

Nhiều phóng viên, nhà báo chia sẻ rằng, tác nghiệp ở những sự kiện chính trị có cả niềm vui và nỗi buồn. Khó khăn, áp lực là không thể tránh khỏi, nhưng nhiều nhà báo lại muốn được tham gia, vì đó là cơ hội để họ trưởng thành hơn...

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>