Xây dựng chính quyền hết lòng phục vụ Nhân dân

14/03/2019 | 08:25 GMT+7

Đó là yêu cầu trước mắt và lâu dài; càng có ý nghĩa hơn khi năm nay các ngành, các cấp đẩy mạnh thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019: “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Xây dựng chính quyền hết lòng phục vụ Nhân dân là mong mỏi của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh; cũng là đòi hỏi cấp thiết, một mệnh lệnh trong công tác xây dựng chính quyền hiện nay. Chính quyền hết lòng phục vụ Nhân dân là chính quyền luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn và tận tâm chăm lo cho đời sống người dân. Đây là câu chuyện cũ nhưng nhắc lại vẫn thấy mới, nhất là trong bối cảnh tỉnh nhà muốn phát triển nhanh, bền vững thì rất cần xây dựng hệ thống chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức thân thiện, gần dân là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành A tập trung thực hiện thời gian qua.

Bài 1: Xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ

Thật ra, nhiệm vụ xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, hoạt động hiệu quả được cấp ủy nhiều nơi đặc biệt quan tâm. Nhiều mô hình, cách làm mang tính đột phá được triển khai thực hiện đã “thổi luồng sinh khí” tươi mới, khỏe khoắn, hiệu lực, hiệu quả vào hoạt động của bộ máy công quyền các cấp...

Cán bộ tốt làm nên chính quyền thân thiện

Bước vào cửa trụ sở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A sẽ thấy ngay nhiều khẩu hiệu ý nghĩa. Nổi bật trong số đó là: “Sự hài lòng của Nhân dân là thước đo quan trọng đánh giá cán bộ”. Khẩu hiệu này tựa như cẩm nang trong giải quyết công vụ của tất cả cán bộ, công chức xã.

“Trước đây, người dân có phản ánh với lãnh đạo xã về thái độ phục vụ của cán bộ chưa tốt, chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ. Nhưng từ khi mô hình “Xây dựng chính quyền thân thiện với Nhân dân” được triển khai thực hiện thì bà con không còn phản ánh”, ông Đặng Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, chia sẻ đầy tâm đắc.

Trong mắt người dân địa phương, hình ảnh của người cán bộ, công chức xã thật gần gũi, trách nhiệm, nhiệt tình. Lão nông Phạm Văn Phi, ở ấp Trầu Hôi, xã Thạnh Xuân, cho biết: “Cán bộ, công chức xã rất gần gũi khi tiếp xúc với Nhân dân. Nhất là công chức bộ phận một cửa đã ân cần tiếp nhận, hướng dẫn tận tình và giải quyết nhanh hồ sơ của bà con”.

Bí thư Huyện ủy Châu Thành A Phan Thạch Em từng chia sẻ: “Các yếu tố cơ sở vật chất là cần thiết, tuy nhiên yếu tố con người là quyết định trong thực hiện cải cách hành chính. Thế nên, chủ trương của huyện là chọn cán bộ có năng lực, niềm nở, trách nhiệm với công việc để phân công nhiệm vụ tại bộ phận một cửa các cấp. Qua đó để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân một cách nhanh nhất, hợp lý nhất, đúng pháp luật. Phục vụ tốt cho người dân cũng góp phần cho huyện phát triển”.

Có lẽ xuất phát từ nhận thức đó nên khi triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng chính quyền thân thiện với Nhân dân” rộng khắp trên địa bàn, ông Phan Thạch Em đã chỉ đạo chủ tịch UBND 10 xã, thị trấn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Nếu nơi nào để xảy ra tình trạng cán bộ gây nhũng nhiễu, phiền hà cho Nhân dân thì người lãnh đạo, thủ trưởng nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Cầu thị ghi nhận sự đánh giá, góp ý của người dân về thái độ, cung cách phục vụ của cán bộ phụ trách một cửa các cấp, huyện Châu Thành A đã thực hiện phát phiếu khảo sát ý kiến với các mức độ: rất hài lòng, hài lòng và chưa hài lòng. Đáng mừng là hầu hết người dân đều rất hài lòng.

Ghi điểm từ cải cách hành chính

Bí thư Thị ủy Ngã Bảy Nguyễn Thiện Nhơn từng khẳng định, việc xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu an dân, bởi khi đó đời sống người dân vùng ngả bảy sông sẽ đầy đủ hơn.

Hướng tới mục tiêu an dân, thị xã Ngã Bảy đã ban hành Đề án xây dựng chính quyền trong sạch, năng động, phục vụ Nhân dân, trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính được quan tâm đặc biệt.

Chỉ cần đến bộ phận một cửa cấp xã một lần là có thể giải quyết cùng lúc 3 thủ tục ở lĩnh vực hộ tịch gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đó là tính ưu việt của mô hình “3 trong 1” đang được thị xã Ngã Bảy triển khai rộng rãi trên địa bàn.

“Nếu trước đây, phải đi lại mấy lần mới làm được giấy khai sinh, đăng ký thường trú và thẻ bảo hiểm cho trẻ em thì nay chỉ cần đi 1 lần là xong. Phải nói là quá tiện lợi và đỡ tốn thời gian, chi phí”, ông Trần Việt Cường, ở khu vực 3, phường Ngã Bảy, chia sẻ cảm nghĩ khi được hướng dẫn giải quyết hồ sơ theo mô hình “3 trong 1”.

Không chỉ có mô hình này, thị xã Ngã Bảy đã và đang triển khai nhiều cách làm đột phá trong cải cách hành chính được người dân đánh giá cao. Nổi bật là thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho dân qua dịch vụ bưu chính công ích ở một số loại hồ sơ như: chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hồ sơ bảo hiểm xã hội, lý lịch tư pháp, hồ sơ đất đai, thu phí phạt vi phạm an toàn giao thông và chuyển phát giấy tờ tạm giữ, cấp đổi giấy phép lái xe.

Đặc biệt, vào tháng 7-2018, Thị ủy đã chỉ đạo cho Mặt trận và các đoàn thể hàng tuần phải cử cán bộ đến Bộ phận một cửa của thị xã để viết hộ hồ sơ hành chính. Những cán bộ được cử thực hiện nhiệm vụ này đều được tập huấn về nghiệp vụ, đảm bảo hỗ trợ tốt khi người dân yêu cầu.

Tiếp xúc, đối thoại để giải quyết công việc cho dân

Như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Hậu Giang có hẳn một văn bản chỉ đạo việc thực hiện quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân (Quyết định số 135 ngày 23/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).

Đến nay, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức 6 cuộc tiếp xúc, đối thoại với người dân ở các huyện, thị, thành. Qua đó, ghi nhận hàng ngàn lượt ý kiến, tất cả đều được ngành chức năng có liên quan giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết về Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Đem chuyện tiếp xúc, đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người dân nói với bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, thì bà Dung tấm tắc khen: “Người dân chúng tôi rất hoan nghênh hoạt động này. Vì lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đã tháo gỡ nhiều cái khó cho dân”.

Trong lần lãnh đạo tỉnh đến tiếp xúc, đối thoại, bà Dung và một số hộ dân trong ấp đã phản ánh tuyến lộ kênh Trường Học dài hơn 1,5km trên địa bàn bị xuống cấp trầm trọng vì xây dựng quá lâu.

“Sau đó không lâu thì thấy cán bộ của huyện, xã đến đo đạc, xin ý kiến người dân để xây dựng mới con lộ này theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm (người dân làm nền hạ còn Nhà nước đầu tư mặt cứng). Đúng với ý nguyện nên chúng tôi ủng hộ hết mình. Giờ đây, tuyến lộ đan rộng 2m đã xây dựng hoàn thành, giúp bà con trong xóm đi lại dễ dàng hơn”.

Rõ ràng, các buổi tiếp xúc, đối thoại đã trở thành diễn đàn bổ ích để lãnh đạo các cấp ghi nhận và hiểu hơn về cuộc sống và sản xuất của người dân; còn người dân được bày tỏ… tiếng lòng của mình với lãnh đạo. Đằng sau mỗi cuộc đối thoại, tiếp xúc như vậy là nhiều vấn đề người dân còn băn khoăn, trăn trở đã có lời giải đáp thỏa đáng, giúp cho mối quan hệ máu thịt giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân trong tỉnh càng thêm khắng khít, bền chặt.

* * *

Những cách làm, mô hình nêu trên cho thấy nỗ lực của các cấp, các ngành trong xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ tốt hơn cuộc sống người dân. Cũng có thể rút ra bài học là ở cơ quan, đơn vị và địa phương nào mà người đứng đầu quyết liệt trong chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thì nơi đó sẽ hoạt động có chất lượng, hiệu quả.

Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả nổi bật thời gian qua, nhưng hoạt động của chính quyền các cấp trong tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn…

Qua khảo sát ý kiến người dân do ngành chức năng tỉnh thực hiện năm 2018, có hơn 93% số người được hỏi hài lòng với hoạt động của chính quyền các cấp.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Bài 2: Còn những hạn chế

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>