Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức

25/03/2019 | 08:19 GMT+7

Đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (Đoàn công tác) do ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, làm Phó trưởng đoàn, khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây đã đánh giá cao nỗ lực của Hậu Giang trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ông Võ Văn Thưởng (đứng), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang.

Nhiều biện pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết, sau khi tiếp thu Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ban xây dựng Đảng phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy chuẩn bị các nội dung và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để tổ chức triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu rộng nghị quyết trong toàn Đảng bộ. Qua đó, tạo được sự thống nhất về quan điểm, cách thức, phương pháp, nội dung, thời gian thực hiện nghị quyết ở các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh.

Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện việc kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2016, năm 2017, năm 2018 theo yêu cầu đề ra. Trong đó, việc chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; trình tự kiểm điểm được tiến hành đúng theo hướng dẫn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện, nhất là trong quá trình chuẩn bị, tổ chức kiểm điểm và việc xây dựng, thực hiện kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm đã được kết luận qua tự phê bình và phê bình.

Cùng với đó, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, đảng viên, nhất là người đứng đầu về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy đảng các cấp lãnh đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng”. Đáng chú ý là công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng với thanh tra của chính quyền, giám sát của HĐND, Mặt trận và các đoàn thể có sự phối hợp khá đồng bộ, chặt chẽ, chất lượng được nâng lên. Đặc biệt là những năm gần đây, Tỉnh ủy đề ra chỉ tiêu cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát ở chi bộ. Từ đó, phát hiện, ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng đảng viên vi phạm kỷ luật.

Ông Trần Văn Huyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, thông tin thêm là từ năm 2016 đến nay, Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền. Kết quả là các cấp chính quyền trong tỉnh đã quan tâm đến nhu cầu chính đáng của người dân để phục vụ; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền có thái độ phục vụ người dân tốt hơn, có trách nhiệm hơn với công việc được giao.

Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở rất quan tâm thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Đến nay, cấp tỉnh tổ chức được 6 cuộc, cấp huyện tổ chức gần 100 cuộc và hàng ngàn cuộc do cấp xã tổ chức. Qua đó, lắng nghe và giải quyết kịp thời những bức xúc của Nhân dân.

Nhìn chung, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã triển khai đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Việc kiểm điểm tập thể, cá nhân đạt yêu cầu; báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân bám sát nội dung nghị quyết, tập trung làm rõ và chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, đề ra giải pháp khắc phục. Nhất là các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gắn kết chặt chẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm giải pháp quan trọng trong khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; đề cao trách nhiệm gương mẫu, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt, lãnh đạo cơ quan, địa phương, đơn vị.

Tập trung tinh gọn bộ máy

Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh, chủ trương của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chậm nhưng chắc.

Đến nay, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc cấp ủy tiến hành xây dựng đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy của từng cơ quan cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết, đảm bảo mỗi đầu mối có ít nhất từ 5 biên chế trở lên và mỗi đơn vị sáp nhập ít nhất 1 đầu mối. UBND tỉnh đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND cấp huyện chủ động rà soát việc phân cấp, ủy quyền theo quy định; chủ động rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện theo quy định khung của Chính phủ.

Cụ thể, cơ quan sở, ban, ngành tỉnh có 19 đề án, sắp xếp từ 139 phòng chuyên môn còn 92 phòng chuyên môn. Đối với UBND cấp huyện xây dựng 8 đề án, sắp xếp 101 đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp huyện còn 82 đơn vị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy xây dựng xong Đề án văn phòng cấp ủy để phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh. Hiện nay đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ và đi vào hoạt động từ cuối quý I/2019. Đồng thời, chọn thị xã Ngã Bảy là đơn vị thí điểm thực hiện Đề án hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND.

Bên cạnh đó, đã thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tại 8/8 huyện, thị, thành; thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND được 34/76 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Mặt khác, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02 quy định chức danh, số lượng và mức phụ cấp, trợ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khu vực. Trên cơ sở đó đã giảm được 247 người hoạt động không chuyên trách, 16 công an viên, lực lượng dân quân tự vệ ở cấp xã và 2.296 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu vực.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Trung tâm Hành chính công của tỉnh, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18-5-2018. Đến nay, đã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả với 1.245 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 15 sở, ban, ngành tỉnh.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được cấp ủy các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương. Trong đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên… bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực.

Thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng với vị trí xứng đáng là nhiệm vụ then chốt, thực sự là động lực thúc đẩy, là nhân tố đảm bảo để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ khác...

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, tỉnh cũng đã báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ Đại hội XII (2016-2020).

Được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, Hậu Giang đã bám sát vào những định hướng lớn của Cương lĩnh 2011 để thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức khá cao; các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, chính sách xã hội, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh đều được thực hiện tốt.

Qua 3 năm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ Đại hội XII (2016-2020), đến nay có 4 nhóm chỉ tiêu vượt kế hoạch (kim ngạch xuất nhập khẩu, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo, chỉ số giá tiêu dùng), 10 nhóm chỉ tiêu đạt trên 70% (tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, thu ngân sách, giảm nghèo, y tế, dân số, thông tin truyền thông, nhà ở, xây dựng nông thôn mới, quốc phòng - an ninh) và 5 nhóm chỉ tiêu đạt trên 65% (cơ cấu kinh tế, tỷ lệ che phủ rừng, xử lý chất thải, giáo dục, lao động việc làm). Đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (Đoàn công tác) do ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, làm Phó trưởng đoàn, khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây đã đánh giá cao nỗ lực của Hậu Giang trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

 

TRƯỜNG SƠN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>