Xin lỗi - Cử chỉ đẹp của cơ quan công quyền

03/08/2017 | 07:30 GMT+7

Cuối năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Công văn số 2239, trong đó có yêu cầu: Đối với các hồ sơ trễ hẹn trả kết quả hoặc yêu cầu bổ sung từ lần thứ hai trở lên (không có lỗi của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ) thì cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ chịu trách nhiệm gửi văn bản xin lỗi, trong đó nêu rõ lý do và cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm, đồng thời xác định thời gian trả kết quả... Công văn ban hành hơn nửa năm nay, có nơi đã thực hiện, nơi lại chưa.

Xin lỗi dân đối với hồ sơ trễ hẹn góp phần nâng chất công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, việc thực hiện xin lỗi đối với hồ sơ trễ hẹn mà Công văn 2239 nêu ra là cần thiết nhằm mục đích nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp trong giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân và tổ chức.

Đằng sau văn bản xin lỗi…

Là địa phương luôn coi trọng công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nên thị xã Ngã Bảy đã tích cực triển khai thực hiện theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn 2293.

Ông Trương Văn Chín, Chánh Văn phòng UBND thị xã Ngã Bảy, cho biết, từ khi thực hiện Công văn 2293 đến nay, ông đã ký hàng chục văn bản xin lỗi đối với các hồ sơ trễ hẹn. Thời gian đầu, số lượng văn bản xin lỗi khá nhiều, nhưng những tháng gần đây ngày càng giảm, điều này đồng nghĩa với số lượng hồ sơ trễ hẹn đã ít hơn.

“Mỗi văn bản xin lỗi được in sao thành nhiều bản, không chỉ gửi đến tổ chức, cá nhân có hồ sơ bị trễ hẹn mà còn làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm đối với đơn vị hoặc cán bộ gây ra sự chậm trễ đó. Nhờ vậy mà họ có trách nhiệm hơn trong thực hiện nhiệm vụ, dẫn tới số lượng hồ sơ trễ hẹn ngày càng giảm”, ông Chín giải thích.

Còn huyện Long Mỹ đã thực hiện xin lỗi đối với hồ sơ trễ hẹn từ trước khi ban hành Công văn 2293. Mỗi văn bản xin lỗi đều ghi cụ thể lý do dẫn đến trễ hẹn, cũng như đề ra thời gian, biện pháp để thực hiện hoàn thành. “Nhiều văn bản xin lỗi đã được gửi đến người dân thể hiện sự cầu thị của chính quyền địa phương, qua đó ngày càng củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước”, ông Đặng Hoàng Vũ, Trưởng phòng Nội vụ huyện Long Mỹ, chia sẻ.

Đằng sau mỗi văn bản xin lỗi đối với các hồ sơ trễ hẹn chất chứa không ít ý nghĩa tích cực. Người được xin lỗi sẽ cảm thấy hài lòng và phần nào vơi đi sự bực dọc vì hồ sơ của mình chậm trễ; còn cơ quan thực hiện xin lỗi sẽ rút ra được những kinh nghiệm để sau này không làm trễ hẹn nữa…

Ý nghĩa và hiệu quả là vậy nhưng không phải địa phương, cơ quan, đơn vị nào trong tỉnh cũng thực hiện xin lỗi đối với hồ sơ trễ hẹn của tổ chức hoặc công dân.

Chưa thực hiện xin lỗi

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2016, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết, thành phố chưa thực hiện việc xin lỗi bằng văn bản đối với các hồ sơ trễ hẹn, chỉ mời người dân lên giải thích lý do, nguyên nhân và hứa thời gian giải quyết.

Không riêng thành phố Vị Thanh, một số địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực hiện xin lỗi đối với các hồ sơ trễ hẹn theo tinh thần chỉ đạo của Công văn 2293, mặc dù việc xây dựng văn bản xin lỗi không khó…

Phát biểu kết luận tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2016, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, tiếp tục yêu cầu đối với hồ sơ trễ hẹn phải xin lỗi, giải trình và có biện pháp khắc phục theo tinh thần Công văn 2293.

“Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn còn phải nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương và của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình, chú ý kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực thi nhiệm vụ, nhất là những trường hợp có thay đổi về vị trí công tác”, ông Lữ Văn Hùng nhấn mạnh.

Làm không đúng hẹn, nhận khuyết điểm chính là nét văn hóa ứng xử trong mối quan hệ của người Việt và nét văn hóa ấy đang được tỉnh áp dụng trong công tác cải cách TTHC.

Việc thực hiện xin lỗi đối với hồ sơ trễ hẹn đã tạo ra “làn gió mới” cho công tác cải cách hành chính của tỉnh, để rồi cấp ủy, chính quyền các cấp thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn khi giải quyết hồ sơ của dân; người dân cũng cảm thấy phấn khởi vì được tôn trọng và ngày càng tin tưởng hơn vào hoạt động của bộ máy công quyền.

Từ những lợi ích thiết thực như vậy, nên chăng trong giải quyết hồ sơ hành chính, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải quan tâm hơn với lời xin lỗi khi mình trễ hẹn?

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>