Đường ngàn tỉ không có nhà vệ sinh, cầu đi bộ

29/03/2018 | 14:18 GMT+7

Tại TP.HCM, có những tuyến đường được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng như xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng... nhưng lại thiếu nhà vệ sinh, cầu đi bộ.

Đường Phạm Văn Đồng dài gần 14km nhưng không có cầu bộ hành và nhà vệ sinh phục vụ người đi đường - Ảnh: Quang Định

Đi dọc đại lộ Phạm Văn Đồng dài gần 14km nhưng chúng tôi không tìm thấy một nhà vệ sinh công cộng nào để phục vụ nhu cầu của người đi đường.

"Đỏ mắt" tìm nhà vệ sinh

Không có nhà vệ sinh công cộng nên thỉnh thoảng có vài người đi xe máy tấp xe vào lề đường Phạm Văn Đồng "giải quyết" ngay trên vỉa hè. Chỉ trong vòng một giờ, chúng tôi chứng kiến hàng chục trường hợp đi vệ sinh bừa bãi như vậy.

Tương tự, trên xa lộ Hà Nội dài khoảng 15km, qua các quận 2, 9 và Thủ Đức, tìm đỏ mắt cũng không thấy nhà vệ sinh. Chúng tôi chứng kiến nhiều tài xế xe tải, người đi xe máy tấp xe vào lề đường "tè bậy". Thậm chí, khu vực các trạm xe buýt dọc đường đều trở thành... "nhà vệ sinh công cộng". Một số sinh viên học ở Q.Thủ Đức cho biết họ quá ngán ngẩm với mùi hôi thối tại các trạm xe buýt.

Còn trên đường Nguyễn Văn Linh, cứ vài kilômet lại thấy một tấm biển ghi "cấm đại tiện, tiểu tiện" do người dân tự dán. Tuy nhiên, những tấm biển này hoàn toàn không có tác dụng khi những bãi đất quanh đó vẫn nồng nặc mùi nước tiểu!

Chị Nguyễn Thị Như, một người bán nước giải khát trên đường này, cho biết ngày nào chị cũng phải dọn dẹp xung quanh vì đoạn đường vắng, có nhiều người tranh thủ đi vệ sinh. "Tôi mong TP nghiên cứu xây dựng nhà vệ sinh trên con đường này và những tuyến đường lớn khác để phục vụ nhu cầu của người đi đường" - chị Như nói.

Liều mạng băng qua đường

Xa lộ Hà Nội có mặt đường rộng nhất TP: 113-123m cho 12-16 làn xe. Thế nhưng tuyến đường này thiếu cầu bộ hành khiến nhiều người đi đường liều lĩnh băng qua đường, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Chúng tôi từng chứng kiến cảnh một cô gái leo qua lan can trên xa lộ Hà Nội rồi chạy tắt ngang qua đường khi chiếc xe tải đang trờ tới.

Còn trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn gần vòng xoay Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định), cứ tầm 8h sáng, hàng chục người băng qua đường giữa dòng xe cộ đông đúc. Chị Trương Thị Lý, một người dân sống trong khu vực, cho biết đã có nhiều vụ va chạm giữa xe máy và người đi bộ ngang đường. Theo chị Lý, tại điểm giao cắt của các tuyến đường lớn nên có cầu bộ hành cho người dân đi để tránh xảy ra tai nạn giao thông và hạn chế ùn tắc.

Tương tự, tuyến đường Trường Chinh (quận 12, Tân Bình và Tân Phú) rộng 60m cho 10 làn xe nhưng không có cầu đi bộ.

Giải pháp nào?

Theo ông Lê Ngọc Hùng - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT), khu đang lập báo cáo đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở hai bên xa lộ Hà Nội với kinh phí khoảng 200 tỉ đồng. Trong đó, sẽ xây dựng mảng xanh, khu vui chơi, nhà vệ sinh công cộng... Nhằm giảm bớt vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, một số hạng mục sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư. Dự kiến năm 2019 triển khai dự án này.

Ban quản lý dự án đường sắt đô thị cũng cho biết dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ xây nhiều cầu đi bộ trên xa lộ Hà Nội.

Còn ông Nguyễn Vĩnh Ninh - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết hiện nay đơn vị đang rà soát và nghiên cứu xây dựng cầu đi bộ trên các tuyến đường nội đô. Theo đó, khu căn cứ ý kiến đề nghị của người dân và đề xuất từ cảnh sát giao thông là cần xây cầu đi bộ trên những tuyến đường đã xảy ra tai nạn giao thông do thiếu cầu đi bộ.

Đồng thời, khu cũng đang phối hợp với một số doanh nghiệp có đề xuất đầu tư xây nhà vệ sinh công cộng trên những tuyến đường cần thiết.

Đường rộng 6 làn xe trở lên phải có cầu đi bộ

Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, vừa qua Sở GTVT đã chỉ đạo Khu quản lý giao thông đô thị số 1 khi lập các dự án mở rộng đường có chiều rộng từ 6 làn xe trở lên cần thiết kế hạng mục xây cầu đi bộ. Còn hiện nay, khu đang rà soát những tuyến đường có trên 6 làn xe để đề xuất sở cho xây cầu đi bộ.

Còn việc xây nhà vệ sinh công cộng, ông Lê Hồng Việt, phó chánh thanh tra Sở GTVT, cho rằng cần xã hội hóa đầu tư nhà vệ sinh công cộng và cho phép nhà đầu tư được thu hồi vốn bằng những hình thức khác nhau.

Làm được như vậy sẽ có nhà vệ sinh công cộng miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người sinh hoạt văn minh, lịch sự... Ngoài ra, cần có quy định các khách sạn, nhà hàng, quán ăn... cho mọi người được đi vệ sinh miễn phí.

Theo NGỌC ẨN - THU DUNG – Tuổi trẻ Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>