Gia cố công trình thủy lợi

31/08/2020 | 21:17 GMT+7

Với tinh thần chủ động, ngành nông nghiệp đã kiểm tra, gia cố hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo vận hành tốt trong mùa mưa, bão.

Các địa phương đang phát huy tối đa các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa mưa, lũ.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, để tránh tình trạng mưa bão gây ngập cục bộ diện tích canh tác của bà con nông dân, ngành nông nghiệp các địa phương thường xuyên gia cố hệ thống cống, đập, đê bao bảo vệ sản xuất. Đối với các công trình đầu tư trước đây có biểu hiện bồi lắng, xuống cấp, ngành nông nghiệp địa phương đã kiểm tra, có kế hoạch duy tu sửa chữa theo kế hoạch vốn phân bổ hàng năm. Rà soát, nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tạo nguồn. Các công trình cống, đập mới đầu tư được đẩy nhanh tiến độ thi công, phục vụ sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, các công trình thủy lợi cơ bản đảm bảo vận hành tốt trong mùa mưa, bão.

Ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, có diện tích sản xuất nông nghiệp trên 1.800ha. Để chủ động hơn, từ đầu năm, xã đã cử cán bộ chuyên môn rà soát hệ thống đê bao, cống, đập trên địa bàn, kịp thời gia cố. Trong mùa mưa, thường xuyên nắm tình hình, khi phát hiện có công trình xuống cấp sẽ kịp thời duy tu hoặc báo về huyện để sửa chữa. Bà Phạm Thị Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, thông tin: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các ấp quản lý, xem lại hệ thống điện vận hành. Khi phát hiện sự cố phải báo ngay để xử lý kịp thời. Hiện toàn xã Vị Trung diện tích sản xuất nông nghiệp được khép kín 100%, 4 trạm bơm phục vụ 7/7 ấp chủ động bơm tháo nước trong mùa mưa, tránh tình trạng ngập úng cục bộ. Xã thường xuyên khuyến cáo nông dân kiểm tra đê bao, gia cố bờ bao, bờ thửa kịp thời. Các hợp tác xã tích cực bơm tháo, chủ động ứng phó với mọi tình huống trong mùa mưa, tránh ngập úng gây thiệt hại”.

Nhận thấy nhiều hạn chế về công suất và chi phí khi sử dụng máy bơm nên 2 năm trước các thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh, ở xã Vị Thắng đã góp kinh phí nâng cấp từ máy bơm thành trạm bơm điện. Từ đó, diện tích sản xuất của nông dân được đảm bảo, chi phí nhiên liệu được tiết kiệm. Trạm bơm có công suất cao, bơm thoát nước nhanh chóng, giảm được khoản phí thuê nhân công vận hành. Ông Trần Văn Huynh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh, tâm đắc: Bên ngoài có hệ thống đê bao khép kín, trạm bơm chủ động vận hành mọi lúc. Trước khi vận hành trạm bơm là hợp tác xã báo trước cho bà con kiểm tra, gia cố đê, bờ bao, đắp các chỗ bị rò rỉ nước. Nhờ vậy, mưa bão không ngại ngập úng, mùa khô hạn tránh được nỗi lo thiếu nước sản xuất.

Còn tại thành phố Vị Thanh, trạm thủy lợi cũng thường xuyên kiểm tra, gia cố các công trình cống, đập. Toàn thành phố có 106 cống, 8 trạm bơm điện đang hoạt động. Ngoài ra, diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn được bảo vệ bởi 3 công trình lớn là hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh giai đoạn 1, thuộc địa phận thành phố khoảng 13km; hệ thống cống ngăn mặn Nam và Bắc Xà No.

Ông Trang Trí Cường, Trưởng trạm Thủy lợi thành phố Vị Thanh, cho biết: Những năm qua, hệ thống thủy lợi từng bước được đầu tư hoàn chỉnh từ cống, đập, đê bao chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, giảm thiểu rủi ro trước thiên tai và xâm nhập mặn. Hoạt động duy tu sửa chữa được tiến hành thường xuyên, bộ phận cơ khí đảm bảo vận hành trong tình huống xấu. Từ đầu năm đến nay, thành phố cũng nạo vét 10 tuyến kênh nội đồng để khơi thông dòng chảy. Trong đợt bão số 2 mới đây, mưa lớn làm ngập cục bộ một số nơi nhưng các trạm bơm vận hành tháo nước tốt, không có thiệt hại lớn.

Được biết, tới đây ngành thủy lợi địa phương sẽ liên tục kiểm tra hệ thống cống, đập; vận động người dân gia cố đê bao, chủ động bảo vệ sản xuất. Ngoài các giải pháp cơ quan quản lý nhà nước triển khai, ngành nông nghiệp các địa phương còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện qua các công trình được đầu tư mới, các công trình nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó triều cường hàng năm. Việc phát huy hiệu quả hệ thống công trình đã được đầu tư sẽ là lá chắn giúp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất trước tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>