Giao thông - Mở đường phát triển

04/02/2019 | 11:03 GMT+7

Hậu Giang là một tỉnh thuộc tiểu vùng Tây sông Hậu, trải qua gần 15 năm xây dựng, tỉnh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, trong đó đã tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, phát huy vai trò mở đường tạo sức bật cho kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Nhiều công trình giao thông lớn, mang tính kết nối liên vùng được đầu tư.

Giao thông đi trước

Còn nhớ thời gian đầu mới thành lập tỉnh, hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, đô thị của Hậu Giang rất hạn chế. Từ xuất phát điểm thấp, nhưng qua 15 năm đồng lòng xây dựng, phát triển, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện rất rõ. Đặc biệt là tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương đầu tư các tuyến đường tỉnh đáp ứng hoạt động vận tải và nhu cầu đi lại của Nhân dân. Đường huyện, đường ô tô về trung tâm các xã từng bước được xây dựng. Ngoài ra, việc đầu tư cho giao thông nông thôn được Nhân dân đồng tình và các thành phần kinh tế khác trong xã hội tham gia ủng hộ mà đỉnh cao là chiến dịch giao thông thủy lợi hàng năm. Các tuyến đường liên ấp, liên xã ngày nay đã được bê tông hóa phục vụ được nhu cầu đi lại cho người dân.

Trở về xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, trong những ngày giáp tết, không khí xuân đã rộn ràng khắp một vùng quê. Kể từ khi Đường tỉnh 930 nối từ trung tâm thị xã Long Mỹ đến Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được nâng cấp mở rộng, mọi hoạt động giao thương mua bán vận chuyển hàng hóa đều thuận lợi và nhanh chóng. Ven tuyến là những hàng cây xanh rợp bóng mát tạo cảnh quan đẹp cho ngày xuân.

Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành trong một lần kiểm tra, đôn đốc các dự án giao thông trên địa bàn.

Chúng tôi gặp lại sinh viên Nguyễn Huệ trên chuyến xe chiều cuối năm. Khệ nệ đeo chiếc ba lô trên vai, mừng rỡ bắt chuyện và mời về nhà. Đường đến nhà Huệ là con lộ nhựa phẳng phiu rộng thoáng nằm ven kênh Mười Thước. Hai bên đường, mùi của lúa quyện vào trong gió xuân thơm lừng. Ngôi nhà nhỏ nhưng được trang trí bằng hàng rào cây xanh đẹp mắt. Trong sân nhà, mai vàng nở rực rỡ đón chào xuân mới. Bên bếp quê, mẹ em đang sên mẻ mứt dừa chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền cũng ngơi tay để đón khách.

Hít một hơi cảm nhận hương xuân nơi quê nhà, Huệ kể: “Em thích cảm giác nhẹ nhàng của những ngày cuối năm, về đến quê là quên hết bao vất vả trong học tập. Nhà em nằm trong kênh, nhưng việc đi lại không còn khó khăn như xưa. Mỗi lần về quê, chỉ cần gọi điện thoại là có xe đón rước như ở thị thành. Đường sá bây giờ dễ đi lắm. Vài năm nữa, Vĩnh Viễn lên thị trấn, đường được mở rộng thêm, tết của những năm sau chắc sẽ rộn ràng hơn”.

Trải qua 15 mùa xuân, giao thông nông thôn dần hoàn thiện. Đó là một bức tranh giao thông đầy màu sắc, từng cung đường nối liền thành thị với nông thôn. Những trục giao thông huyết mạch kết nối liên vùng, hệ thống tỉnh lộ kết nối giữa huyện, thị xã với trung tâm tỉnh, tạo sức bật cho kinh tế - xã hội phát triển. Ngoài ra, mạng lưới tỉnh lộ đang được hoàn thiện thêm thông qua việc đầu tư xây dựng Tỉnh lộ 931, Tỉnh lộ 927C. Đây là những trục đường có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển của vùng Ngã Bảy, Phụng Hiệp và huyện mới chia tách Long Mỹ.

Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, cho biết: Các dự án này được kỳ vọng rất nhiều trong khơi thông tiềm năng phát triển của vùng. Đường tỉnh 927 nối từ Ngã Bảy đi song song kênh Cái Côn qua địa bàn huyện Châu Thành và nối vào đường Nam Sông Hậu. Các xã có tuyến đi qua được đấu nối đường dân sinh, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Thêm một mùa xuân nữa lại về trên đất Hậu Giang, nhưng xuân năm nay càng đong đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh. Đó là một chặng đường phát triển đầy quyết tâm phấn đấu đưa Hậu Giang vươn lên sánh vai cùng các tỉnh, thành trong khu vực. Giao thông đi trước đã khơi đầu cho sự phát triển các hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy đời sống người dân ngày một nâng cao.

Tiếp bước hạ tầng

Giao thông với vai trò mở đường đã tạo đà phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hạ tầng đô thị. Có thể nói, thành phố trẻ bên dòng Xà No hiền hòa gắn liền với những chặng đường phát triển của tỉnh và là nơi có nhiều thay đổi rõ nét nhất trong suốt 15 năm qua về cơ sở hạ tầng đô thị và giao thông. Theo Thành ủy Vị Thanh, địa phương được quan tâm đầu tư xây dựng xong trên 300km đường giao thông khép kín toàn địa bàn, giải quyết tốt việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Điều quan trọng là rút ngắn được khoảng cách từ thành thị đến nông thôn.

Qua 15 năm xây dựng và phát triển, hạ tầng giao thông đang từng bước được hoàn thiện.

Tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (nay là Quốc lộ 61C), vào trung tâm tỉnh Hậu Giang như một “dải lụa dài” kết nối giao thương, đi lại và vận chuyển hàng hóa. Cung đường nằm ven những cánh đồng lúa xanh rì, hai bên là hoạt động buôn bán của những người dân đất Hậu hiền hòa, mến khách. Từ cửa ngõ vòng xoay cầu Mương Lộ, tiếp giáp huyện Vị Thủy, đi thẳng vào trung tâm thành phố là những tuyến đường rộng, khang trang phối cảnh hiện đại, vừa tạo mỹ quan, vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển, đi lại. Đại lộ Võ Nguyên Giáp ấn tượng bởi những hàng cây mát rượi dẫn vào khu hành chính của tỉnh, trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành đã được đầu tư từng bước hoàn thiện trong 15 năm qua.

Vào nội ô Vị Thanh, tuy không hối hả, nhộn nhịp như các thành phố lớn, nhưng nơi đây vẫn rất hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, vui chơi giải trí của người dân. Đô thị ven sông bình yên nhưng đậm chất thị thành. Ông Võ Minh Tâm, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, phấn khởi cho biết: Vị Thanh đô thị văn minh, trẻ trung, năng động đang khoác lên mình chiếc áo mới của sự phát triển từng ngày. Để xứng đáng là niềm tự hào của người dân nơi đây, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố sẽ tiếp tục công cuộc xây dựng, góp phần cùng tỉnh nhà ngày càng hoàn thiện và phát triển.

Nhiều du khách, nhà đầu tư đến thành phố còn ấn tượng bởi vẻ đẹp của bờ kè ôm trọn đôi bờ Xà No. Đây là công trình lớn, được đầu tư từ giai đoạn đầu chia tách góp phần làm thay da đổi thịt cho thành phố trẻ. Những tác phẩm điêu khắc được trưng bày tại bờ kè tạo ấn tượng khó quên trong lòng lữ khách. Bên cạnh đó, Công viên Chiến Thắng, Quảng trường Hòa Bình là những địa điểm được tỉnh đầu tư góp phần xây dựng hình ảnh một Vị Thanh nói riêng và Hậu Giang nói chung gần gũi hơn trong mắt du khách và nhà đầu tư.

Buổi sáng đầu xuân dạo quanh thành phố trẻ, ông Nguyễn Văn Khang, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, cảm thấy dạt dào cảm xúc tự hào về quê hương đổi mới: “Bây giờ phố xá nhộn nhịp chứ không như xưa, đường phố rộng mở đông đúc. Tết năm nào tôi cũng cùng gia đình dạo chợ hoa xuân ở bờ kè ngắm nhìn cảnh vật và lưu lại những bức ảnh đẹp”.

Ngoài ra, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các năm qua, tỉnh cũng tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ từ Trung ương để đầu tư các công trình phục vụ đời sống cho Nhân dân như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện lao; các bệnh viện huyện, thị, thành phố đưa vào hoạt động có hiệu quả. Hoàn thiện trụ sở làm việc các cơ quan cấp tỉnh; xây dựng mới các công trình văn hóa - xã hội… Đặc biệt, công trình Trung tâm hội nghị tỉnh Hậu Giang hoàn thành đã phục vụ tốt hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, các chương trình giao lưu; Caravan, thúc đẩy phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư…

Ngày nay, hạ tầng các đô thị trên địa bàn tỉnh luôn đổi mới, từ đó thương mại - dịch vụ cũng tăng tốc, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ nét. Các khu, cụm công nghiệp cũng phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư .

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Để đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông trong những năm tiếp theo, tỉnh sẽ tranh thủ đề xuất Trung ương bố trí kế hoạch đầu tư công từng giai đoạn, ưu tiên làm trước những công trình bức xúc. Đối với hệ thống đường tỉnh, dùng nguồn cân đối ngân sách của địa phương để phát triển hạ tầng. Thực hiện các dự án BOT, thu hút các nguồn lực từ xã hội đầu tư hạ tầng giao thông, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách. Tiếp tục vận động xã hội hóa tài trợ cầu, đường, thực hiện giải pháp Nhà nước và Nhân dân cùng làm để xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, nhất là ở các xã nông thôn mới…

 

Ở lĩnh vực giao thông, cùng với Quốc lộ 1 và Quốc lộ 61, đến nay địa bàn Hậu Giang có thêm 4 tuyến nữa là Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, Nam Sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp. 6 tuyến quốc lộ hiện có tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn kết nối Hậu Giang với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>