“Vui, buồn” cụm, tuyến dân cư vượt lũ

24/05/2018 | 09:19 GMT+7

Bài 3: Lúng túng trong xử lý

Một thực tế hiện nay tại các cụm tuyến dân cư vượt lũ đã xảy ra tình trạng người dân tự ý sang bán trái phép. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại tỏ ra lúng túng trong việc xử lý vấn đề này.

Hiện tại có nhiều căn nhà ở Cụm dân cư vượt lũ thị trấn Cây Dương đã sang bán trái phép.

Mục đích lớn nhất của chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ là để người dân an cư, lạc nghiệp. Theo đó, cũng có những quy định ràng buộc về thời gian được cho thuê, chuyển nhượng, mua bán nền, nhà ở. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh lại phát sinh nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng, cho thuê không đúng quy định.

Khó phát hiện và xử lý

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, qua rà soát sơ bộ trong tổng số 500 nền được bố trí thì có 15 trường hợp sang nhượng lô, nền trái phép. Ông Nguyễn Việt Sô, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Không chỉ có huyện Phụng Hiệp mà các địa phương khác cũng xảy ra tình trạng sang bán, chuyển nhượng trái phép. Theo quy định, nếu xảy ra tình trạng trên thì chắc chắn nền đó sẽ bị thu hồi. Thế nhưng, để xử lý các trường hợp này thì lại vô cùng khó khăn, bởi đa phần hộ dân đang sinh sống tại đó cứ cho lý do là bà con, con cháu của chủ hộ được cấp nền giữ giùm trong thời gian đi làm ăn xa, do đó không có cơ sở để xử lý được.

Tương tự ở huyện Vị Thủy, ông Nguyễn Văn Luốl, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, thông tin: Trước tình trạng sang nhượng nền trái phép, vừa qua Ban chỉ đạo huyện cũng thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình quản lý sang bán, chuyển nhượng và đến nay chưa phát hiện trường hợp hộ dân sang bán hay chuyển nhượng. Nếu có chăng cũng chỉ là giấy thỏa thuận ngầm, trong khi ở địa phương lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh do không đủ cơ sở để chứng minh.  

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Tâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, cho biết: Ngành đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra tình hình sang bán, cho thuê nhà ở trái phép trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Quan điểm của ngành là không chấp nhận việc này và kiên quyết thu hồi lại số nhà sang bán trái quy định của Chính phủ. Trong giai đoạn 1, ngành cũng đã phát hiện một số lô nền sang nhượng trái phép, đối với các trường hợp này, UBND cấp huyện đã thu hồi để bố trí cho các đối tượng khác. Riêng đối với giai đoạn 2, ngành sẽ phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục rà soát tình trạng sang bán, chuyển nhượng này, bởi khi đã xảy ra việc cho thuê, sang bán hay chuyển nhượng có nghĩa là người dân không có nhu cầu thì sẽ thu hồi cấp cho các hộ có nhu cầu khác.

Cẩn trọng khi mua nhà “vượt lũ”

Theo các hộ dân nơi đây, số hộ vào xây nhà rồi bán, nguyên nhân là do một số hộ không có nhu cầu hoặc khi xây dựng xong gia đình khó khăn nên phải sang bán. Nhà ở sẽ có giá bán bình quân dao động từ 100-200 triệu đồng/căn, thậm chí cao hơn tùy vào diện tích cũng như chất lượng nhà. Cũng chính vì giá bán quá hấp dẫn so với thị trường nên nhiều người vẫn bất chấp mua dù biết những căn nhà này chưa có giá trị pháp lý.

Thông qua lời giới thiệu, được biết anh Đ., vừa mới mua được căn nhà trong Cụm dân cư vượt lũ xã Vị Đông, huyện Vị Thủy. Anh Đ. thông tin: “Được giới thiệu của bạn bè nên tôi biết nhà ở cụm dân cư vượt lũ này đang có nhu cầu bán với giá chưa đến 200 triệu đồng. Với mức giá khá hấp dẫn này nên tôi quyết định mua luôn. Tôi vẫn biết nhà ở đây chưa có đầy đủ giấy tờ nhưng so với điều kiện của bản thân thì mức giá này là khá hợp lý để ổn định chỗ ở”.

Liên quan về vấn đề sang bán nhà tại tuyến dân cư vượt lũ Cái Côn, ông Lê Văn Ngào, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và Xây dựng thị xã Ngã Bảy, cho biết: Đối với các trường hợp thuộc đối tượng của chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi, trong đó được hỗ trợ mua trả chậm một nền nhà với số tiền không quá 26 triệu đồng. Theo đó, khế ước của Chính phủ quy định người mua nhà trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ không được sang bán, cầm cố, chuyển nhượng nền, nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 12 năm kể từ khi ký khế ước và đã thanh toán hết nợ vay cho Nhà nước. Điều đó có nghĩa là sau thời gian 12 năm mới được chuyển nhượng, mua bán, cho thuê… theo đúng quy định của pháp luật. Trong thời hạn chưa đủ 12 năm, nếu vì lý do đặc biệt, người được cấp nền chỉ có thể chuyển nhượng cho Nhà nước và giá trị đất ở là số tiền người dân đã trả nợ ngân hàng, không được tính theo giá thị trường về đất ở.

Nói rõ hơn về vấn đề trên, ông Lê Văn Ngào cho rằng: Nền ở khu dân cư vượt lũ có giá rẻ vì đã được Nhà nước hỗ trợ về mọi mặt. Dù quy định chỉ nêu người được cấp không được chuyển nhượng, cầm cố, sang bán, nhưng địa phương vẫn quy định luôn không được cho thuê. Bởi với những quy định ràng buộc về thời gian như thế chỉ mong muốn người dân sẽ an cư và gắn bó với nơi này. Do đó, nếu trong thời gian quy định mà xảy ra tình trạng cho thuê, mua bán, sang nhượng thì người mua có thể chịu thiệt thòi. Nếu người bán lật lọng, đòi lại nhà, người mua sẽ phải chịu thiệt…”.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Công Tâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, cũng cho rằng: Nếu mua lại nhà ở các cụm, tuyến dân cư vượt lũ khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì người mua nhà sẽ rất rủi ro, thậm chí là “trắng tay”. Bởi, Chính phủ cũng đã quy định ràng buộc về thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, đối với những căn nhà này chưa đủ điều kiện giao dịch nên các bên chỉ tiến hành làm hợp đồng trao tay và không có giá trị pháp lý. Khi ngành chức năng, địa phương kiểm tra phát hiện có tình trạng cho thuê, sang nhượng, cầm cố trái phép không đúng quy định thì nền đó có thể bị thu hồi. Do đó, khi mua nền, nhà ở các cụm, tuyến dân cư vượt lũ này thì người mua cần cân nhắc vì không khéo sẽ bị thiệt thòi.                 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>