Bệnh tay - chân - miệng gia tăng: Chủ động phòng bệnh

14/02/2019 | 07:23 GMT+7

Tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp thời điểm đầu năm, trong khi thời điểm này năm trước số cas bệnh ghi nhận rất ít. Theo dự báo của ngành y tế nguy cơ gia tăng dịch bệnh trong năm 2019 là rất cao nếu không chủ động thực hiện các giải pháp phòng bệnh.

Ông Nguyễn Văn Lành (trái) giám sát và hướng dẫn các cô giáo ở Trường Mầm non Hướng Dương, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, sử dụng Cloramin B.

Theo nhận định của ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế: “Dịch bệnh TCM diễn biến phức tạp những tháng cuối năm 2018 và thời điểm đầu năm nay vẫn chưa giảm được. Cần có những giải pháp hiệu quả để khống chế không để dịch bệnh gia tăng, nhất là trong trường học mầm non, mẫu giáo”. Đến thời điểm ngày 11-2, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 74 cas bệnh TCM, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Bệnh diễn biến tăng ở nhiều huyện, thành, tập trung nhiều nhất ở thành phố Vị Thanh với 17 cas bệnh và một số huyện như Vị Thủy cũng có 17 cas bệnh, huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp có từ 9-12 cas bệnh”.

Đặc biệt ở huyện Châu Thành A, đã ghi nhận 9 cas bệnh trong khi cùng kỳ năm trước không có cas bệnh nào. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Các cas bệnh chỉ rải rác ở các địa bàn xã chứ không tập trung. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, chúng tôi đã triển khai chiến dịch đợt 4 năm 2018, tổng vệ sinh môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika và bệnh TCM. Đây là đợt tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức và kêu gọi người dân hành động cùng ngành y tế phòng, chống dịch. Đồng thời, duy trì hoạt động phòng bệnh ở các trường mầm non, mẫu giáo. Vài ngày tới Trung tâm Y tế huyện cũng sẽ triển khai kiểm tra công tác y tế trường học và bao gồm cả công tác phòng, chống dịch bệnh để kịp thời chấn chỉnh nếu có sai sót, hạn chế, giúp các trường phòng bệnh tốt hơn”.

Khi dịch bệnh gia tăng việc chủ động phòng bệnh ở trường học cần được quan tâm thường xuyên hơn. Bà Nguyễn Phú Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Nhiều năm liền, chúng tôi duy trì hoạt động phòng bệnh TCM ở trường học cho trẻ. Hàng ngày, các cô giữ trẻ luôn quan tâm kiểm tra khi nhận trẻ vào lớp nhằm kịp thời phát hiện nếu trẻ nào mắc bệnh TCM để thông báo cho gia đình đưa trẻ đi khám, chữa bệnh và thực hiện các giải pháp phòng bệnh cho trẻ khác. Công tác vệ sinh trường lớp cũng được đặc biệt quan tâm thực hiện hàng ngày. Đầu năm đến nay chưa ghi nhận cas bệnh TCM nào ở trường”.

Huyện Vị Thủy là một trong những địa bàn có diễn biến bệnh TCM khá phức tạp trong những tháng đầu năm nay, đã ghi nhận 17 cas bệnh, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 1 cas bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Đặng, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy: “Đặc biệt nhất vào khoảng thời gian Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, một số cas bệnh từ Thành phố Hồ Chí Minh theo gia đình về quê ăn tết và mắc bệnh. Địa phương cũng đã xử lý ổ dịch và tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng. Bệnh không tập trung ở một xã, thị trấn nào mà rải rác ở tất cả các xã, thị trấn của huyện và tập trung ở nhóm trẻ nhỏ chưa đi đến trường”.

Xã Vĩnh Trung là địa bàn có cas bệnh nhiều nhất ở huyện Vị Thủy, trong khi các xã khác chỉ có 1-2 cas bệnh thì hiện tại xã đã có 4 cas TCM. Ông Phan Hoàng Dũng, Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Trung, cho hay: “Khi nhận được thông tin có cas bệnh, chúng tôi đã tìm đến nhà và hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở bằng Cloramin B. Đồng thời, tuyên truyền phòng bệnh ở các hộ dân xung quanh. Nhìn chung, người dân đều có kiến thức về bệnh TCM, tuy nhiên, điều cần thiết là mọi người phải thực hành thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở và rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng đúng cách để phòng bệnh”.

Giám sát xử lý kịp thời ổ dịch nhỏ là hoạt động ngành y tế đang thực hiện nhằm góp phần làm giảm số cas mắc, giảm lây lan trong cộng đồng. Ngoài cấp huyện kiểm tra, giám sát, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đang thực hiện thường xuyên hoạt động này. Ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Dự kiến trong những ngày tới, chúng tôi sẽ thực hiện công tác giám sát việc thực hiện xử lý dịch bệnh ở các địa phương nhằm kịp thời chấn chỉnh và hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng”. Mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A và giám sát thực tế tại Trường Mầm non Hướng Dương.

Thời điểm đầu năm, khi tình hình dịch bệnh TCM diễn biến phức tạp, bênh cạnh các giải pháp phòng bệnh của ngành chức năng thì các gia đình cần quan tâm thực hiện các giải pháp phòng bệnh cho con em mình nhằm góp phần giảm số cas bệnh TCM trong thời gian tới, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của trẻ.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>