Bệnh tay - chân - miệng gia tăng: Không lơ là khâu phòng bệnh

05/10/2018 | 08:11 GMT+7

Thời gian gần đây, bệnh tay - chân - miệng đang tăng cao và có nguy cơ bùng phát dịch nếu không kịp thời thực hiện các giải pháp phòng bệnh.

Bệnh tay - chân - miệng (TCM) rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy, phòng bệnh và phát hiện sớm dấu hiệu mắc bệnh ở trẻ là điều quan trọng các gia đình cần đặc biệt quan tâm.

Nhiều trẻ nhập viện điều trị bệnh tay - chân - miệng.

Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh tay - chân - miệng

Theo bà Tạ Thanh Mai, ấp Phước Hòa A, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, con của bà là bé Tạ Cẩm Tú, gần 13 tháng tuổi, vừa điều trị khỏi bệnh TCM và xuất viện về nhà. Bà Mai kể: “Ngày đầu, cháu chỉ bị sốt, gia đình đưa đi khám bệnh, bác sĩ nói trong miệng cháu có nổi bóng nước và cho thuốc uống nhưng cháu uống thì ói ra. Sau đó, cháu bị sốt, cho uống thuốc hạ sốt không giảm nên ẵm bé đi bệnh viện để khám lại rồi nằm viện hết 5 ngày liền. Ở gần nhà cũng có bé khác mắc bệnh này khá nặng. Trước đó một ngày, anh bà con của bé Cẩm Tú là bé Tạ Thanh Vũ cũng mắc bệnh TCM”.

Cũng ở ấp này, bé Nguyễn Hà Phương và Nguyễn Hà Phát cũng là hai anh em đều mắc bệnh TCM. Ông Nguyễn Hoàng Khởi, cán bộ phụ trách phòng, chống dịch bệnh, Trạm Y tế xã Đông Phước A, cho biết: “Trong tháng 9 trẻ mắc bệnh TCM gia tăng ở xã. Trước đó, mỗi tháng có từ 1-2 cas bệnh, nhưng tháng 9 có đến 7 cas bệnh. Thông thường hai bé chơi chung thì bé này bị bệnh sẽ rất dễ lây bệnh cho bé khác. Ở ấp Phước Hòa A có 5 trẻ bị bệnh TCM, trong đó có hai gia đình có hai trẻ là anh em ruột và anh em bà con mắc bệnh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã có 16 cas bệnh TCM”.

Trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, hơn 1 tháng qua dịch bệnh TCM cũng tăng hơn trước. Đến thời điểm này huyện có 71 cas bệnh, tăng 14 cas so với cùng kỳ, các cas bệnh xuất hiện ở 13/15 xã, thị trấn nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Long Thạnh, Hòa An, Hòa Mỹ. Theo nhận định của các địa phương, trẻ mắc bệnh hầu như dưới 5 tuổi và tập trung nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi. Công tác báo cáo dịch bệnh và giám sát dịch ở gia đình trẻ mắc bệnh mới ghi nhận được duy trì hàng ngày và thực hiện tuyên truyền phòng bệnh ở các gia đình xung quanh để phòng lây bệnh trong cộng đồng.

Trong tuần 39 (từ ngày 20 đến 26-9), trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 36 cas bệnh TCM, tăng 23 cas so với tuần trước, dịch bệnh đã tăng gần 3 lần. Tổng số cas bệnh từ đầu năm đến nay của tỉnh là 260 cas, giảm 168 cas so với cùng kỳ năm 2017. Dịch bệnh tăng trong thời gian gần đây rất phức tạp cần chủ động phòng, chống để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của trẻ, khống chế không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh.

Ra quân chiến dịch phòng bệnh

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến tăng, các địa phương sẽ triển khai chiến dịch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika, TCM đợt 3 năm 2018. Ông Khởi, cán bộ phụ trách phòng, chống dịch bệnh, Trạm Y tế xã Đông Phước A, cho biết: “Từ ngày 10 đến 12-10, chúng tôi sẽ ra quân chiến dịch. Các ban, ngành, đoàn thể, ấp sẽ vào cuộc thành lập các đoàn để đi vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân về các loại dịch bệnh này. Đồng thời thực hiện tổng vệ sinh môi trường nhằm kéo giảm dịch bệnh”. Tuy nhiên, theo ông Khởi các gia đình cần thường xuyên thực hiện vệ sinh phòng bệnh, chủ động phòng bệnh cho con em mình. Trạm y tế cũng thường xuyên cấp cloramin B cho điểm trường mẫu giáo thực hiện vệ sinh phòng bệnh ở trường học.

Cùng thời gian này, chiến dịch cũng sẽ diễn ra ở tất cả các xã, phường, thị trấn của tỉnh. Với mục tiêu tạo ra một phong trào phòng, chống dịch bệnh ở địa phương. 100% hộ gia đình sẽ được các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ y tế đến vận động tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika và vệ sinh cá nhân phòng bệnh TCM nhằm nâng cao nhận thức người dân về lợi ích của việc phòng bệnh tại cộng đồng.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Bá Hiến, Khoa nhi, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp: “Người dân cần hiểu biết đúng về bệnh TCM để phòng bệnh và kịp thời phát hiện trẻ mắc bệnh để đưa đến cơ sở y tế điều trị vì bệnh rất nguy hiểm và có những trường hợp diễn tiến bệnh rất nhanh. Trẻ mới mắc bệnh thường bị sốt, đau họng, bóng nước nổi trong lòng bàn tay, bàn chân, miệng. Trẻ có biểu hiện đau miệng, sốt từ 38-400C. Khi bệnh nặng thì có biểu hiện loạng choạng, chới với, giật mình, vật vã,… Khi trẻ có những biểu hiện bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Sau khi trẻ khỏi bệnh, gia đình cần cách ly hạn chế trẻ tiếp xúc với các trẻ khác trong vòng khoảng 1 tuần để phòng lây bệnh”.

Bệnh TCM rất nguy hiểm, vì vậy khi trẻ mắc bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời để giảm các trường hợp tử vong và giảm số mắc trong cộng đồng, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>