Bước tiến điều trị bệnh lao kháng thuốc

24/03/2017 | 08:28 GMT+7

Sau hơn 2 năm tỉnh triển khai điều trị bệnh lao kháng thuốc, nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh !

Cán bộ y tế phát thuốc cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Trên 78% bệnh nhân lao kháng thuốc khỏi bệnh

Kết quả đáng phấn khởi này cho thấy một bước tiến mới trong công tác điều trị bệnh lao của tỉnh. Bệnh lao có thể chữa khỏi nhưng việc điều trị không dễ dàng và mất nhiều thời gian. Đối với những bệnh nhân mắc lao bình thường thì điều trị 6 tháng, nhưng đối với những bệnh nhân lao kháng thuốc thời gian điều trị phải đến 20 tháng. Dù khó khăn nhưng với sự nỗ lực của bệnh nhân và bác sĩ, đã giúp chiến thắng được căn bệnh lao kháng thuốc. Không giấu được niềm vui, ông V.H.B., ở huyện Phụng Hiệp, kể: “Phải qua 20 tháng ròng rã điều trị bệnh mới khỏi. Vất vả nhất là thời gian đầu phải 8 tháng liền chích thuốc. Tác dụng phụ của thuốc thời gian này cũng nhiều khiến mình mệt mỏi, muốn ói. Dần về sau bệnh tình càng thuyên giảm, tôi luôn cố gắng tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ nên bây giờ mới khỏi bệnh”.

Không chỉ riêng trường hợp của ông V.H.B., nhiều bệnh nhân khác sau quá trình điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc cũng đã khỏi bệnh. Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, cho hay: “Tỉnh bắt đầu triển khai điều trị bệnh lao kháng thuốc từ năm 2015, đến nay có 22 trường hợp khỏi bệnh, đạt trên 78%, trong khi mục tiêu kế hoạch chung của toàn quốc là 75%”.

Hoạt động khám, phát hiện, thu dung, điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc được duy trì thường xuyên tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh thời gian qua. Hàng năm đều tiếp nhận thêm bệnh nhân lao kháng thuốc mới. Ông T.C.T., ở huyện Châu Thành A, một trong những bệnh nhân vừa phát hiện mắc lao kháng thuốc, bày tỏ: “Tôi bị tái phát bệnh lao, bác sĩ cho biết tôi bị lao kháng thuốc, đã điều trị hơn 1 tháng với phác đồ lao kháng thuốc. Ngày nào cũng phải đến trạm y tế để chích thuốc, hàng tháng lãnh thuốc về uống. Bây giờ, tôi đã bớt ho”. Trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 55 trường hợp lao kháng thuốc được quản lý, điều trị.

Ngoài được chăm sóc, điều trị, bệnh nhân còn được giúp đỡ về kinh tế và ủng hộ về đời sống tinh thần. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng Tổ phòng, chống lao, Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Trên địa bàn huyện đã thành lập được 2 câu lạc bộ chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân lao kháng thuốc. Câu lạc bộ này thường xuyên quan tâm đời sống tinh thần, vật chất cho bệnh nhân lao kháng thuốc. Giúp đỡ, chở bệnh nhân đến cơ sở y tế để chích thuốc”. Huyện Long Mỹ là đơn vị đầu tiên của tỉnh được thí điểm triển khai Chương trình chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân lao kháng thuốc. Dự kiến năm 2017, sẽ nhân rộng mô hình này ở 3 huyện, thị xã khác là thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành A nhằm phát huy hiệu quả hoạt động chăm sóc hỗ trợ này.

Nhưng còn trăn trở…

Dù kết quả điều trị đạt khá cao, nhưng thực tế vẫn còn những trường hợp chưa khỏi hoặc tử vong trong thời gian điều trị. Trường hợp của ông N.V.G., huyện Phụng Hiệp, đã điều trị theo phác đồ điều trị lao kháng thuốc 18 tháng rồi mà kết quả nuôi cấy đàm chưa âm tính. Theo đánh giá của các bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, đây là trường hợp bệnh có thể là lao “siêu kháng thuốc”. Nếu xét nghiệm lần sau kết quả vẫn dương tính sẽ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị theo phác đồ lao “siêu kháng thuốc”.

Ngoài việc thất bại trong một số trường hợp điều trị lao kháng thuốc, điều kiện sống của bệnh nhân lao còn là thực trạng cần được quan tâm nhiều hơn. Bà Trịnh Thu Vân, Phó trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, nói: “Đa số bệnh nhân lao đều có cuộc sống khó khăn, nhất là bệnh nhân lao kháng thuốc. Chúng tôi đã cố gắng giúp đỡ, nhưng vẫn cần sự chung tay của cộng đồng”. Dù vậy, để vận động, giúp đỡ cho bệnh nhân lao kháng thuốc không dễ dàng vì cộng đồng hiện nay vẫn kỳ thị với những người mắc bệnh này.

Tỉnh Hậu Giang là địa phương có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao so với bình quân chung cả nước. Người lành mang vi trùng lao rất nhiều ngoài cộng đồng. Bình thường, một bệnh nhân lao xét nghiệm đàm dương tính có khả năng lây bệnh cho 20 người. Nhiều người dân vẫn chưa có kiến thức đúng, đầy đủ về phòng, chống bệnh lao. Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, cho biết thêm: “Có những trường hợp vừa nhiễm lao đã phát hiện lao kháng thuốc. Nguyên nhân là do quá trình người mắc bệnh lao kháng thuốc không được phát hiện điều trị, qua tiếp xúc sẽ góp phần lây nhiễm lao kháng thuốc cho cộng đồng. Ngoài ra, còn có những trường hợp lao kháng thuốc thứ phát do thất bại công thức điều trị trước đó, khả năng lây nhiễm cho người khác cũng nguy hiểm”.

Người dân cần hiểu và thực hiện các giải pháp phòng bệnh, tầm soát bệnh lao

Toàn tỉnh có 145 người bệnh lao trên 100.000 dân, trong khi cả nước trung bình chỉ có 110 người mắc trên 100.000 dân. Trước thực trạng bệnh lao còn lưu hành ở tỷ lệ khá cao trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tình trạng lao kháng thuốc, ngoài việc ngành y tế tăng cường phòng, chống lao ở cộng đồng, ngành y tế khuyến cáo người dân cần hiểu và thực hiện các giải pháp phòng bệnh, tầm soát bệnh lao nếu có biểu hiện nghi ngờ để điều trị sớm, giảm lây lan ngoài cộng đồng.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>