Cần làm gì để phòng bệnh cúm A/H5N1 ở người ?

16/03/2023 | 05:41 GMT+7

Bệnh cúm A/H5N1 đã xảy ra và ghi nhận ca tử vong tại Campuchia, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta và tỉnh là luôn thường trực. Vậy người dân cần làm gì để phòng mắc bệnh cúm A/H5N1? Ông Lê Văn Chúc (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo các biện pháp người dân cần làm để chủ động phòng dịch.

Trước tiên, xin ông cho biết ông nhận định như thế nào về nguy cơ dịch cúm A/H5N1 xâm nhập và lây sang người ở tỉnh ?

- Theo thông báo từ Bộ Y tế Campuchia, từ ngày 22-2-2023 Campuchia ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) tại tỉnh Prey Veng, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, không loại trừ tỉnh.

Thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi-rút cúm gia cầm phát triển, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập và lây nhiễm sang người, người dân cần hiểu và quan tâm khâu phòng bệnh.

Sở Y tế tỉnh đã có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng có công văn gửi các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Chúng tôi đang tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi-rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A (H5N1); phối hợp các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Bệnh cúm A/H5N1 lây truyền như thế nào, thưa ông ?

- Bệnh cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi-rút cúm A/H5N1 gây ra. Bệnh lây từ gia cầm sang người thông qua ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh. Tiếp xúc trực tiếp với đồ dùng, vật dụng bị dính phân gia cầm nhiễm vi-rút. Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến. Lây qua đường hô hấp do hít phải không khí chứa dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc chứa bụi từ phân gia cầm.

Người mắc bệnh cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện bệnh như thế nào, thưa ông ?

- Khi mắc bệnh cúm A/H5N1, người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột (trên 380C). Bệnh nhân bị ho và thường ho khan, đau họng, tức ngực, khó thở, đau người, đau cơ, mệt mỏi, tiêu chảy. Bệnh diễn tiến nhanh, một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Đôi khi rất khó để có thể phân biệt được giữa cúm và cảm lạnh thông thường nếu chỉ dựa vào triệu chứng thông thường. Tuy nhiên, nhìn chung thì cúm có thời gian khởi phát bệnh ngắn hơn, các triệu chứng sẽ nặng hơn và có thể kèm theo sốt và đau cơ. Còn đối với cảm lạnh thông thường, các triệu chứng thường xuất hiện từ từ và thường chỉ ảnh hưởng đến mũi, họng, xoang và phần ngực trên. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh cúm A/H5N1 cho người. Để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng người dân cần quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Người dân cần làm gì để phòng bệnh cúm A/H5N1, thưa ông ?

- Để chủ động phòng, chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mọi người dân cần đảm bảo ăn chín, uống nước sôi để nguội, không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Không giết mổ, vận chuyển và mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>