Cho những mùa xuân vui khỏe

24/01/2019 | 08:06 GMT+7

15 năm qua, đánh dấu một chặng đường phát triển vượt bậc của y tế cơ sở, các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực càng trưởng thành và vững vàng với vai trò tuyến đầu âm thầm mang những mùa xuân vui khỏe cho mọi nhà.

Trạm Y tế xã được xây dựng khang trang.

Luôn túc trực vì sức khỏe Nhân dân

Trở lại thăm Phòng khám Đa khoa khu vực xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, những ngày giáp tết, cán bộ, y, bác sĩ vẫn miệt mài túc trực khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân dù nàng xuân đang gọi mời. Bà Lê Thị Phúc, Trưởng phòng khám, chia sẻ: “Ngày xuân cũng như những ngày bình thường, chúng tôi vẫn bố trí trực để đảm bảo không gián đoạn việc chăm sóc sức khỏe cho người dân”. So với hơn 10 năm trước, điều kiện chăm sóc y tế ở cơ sở đã tốt hơn rất nhiều. Cơ sở trạm được xây dựng mới từ năm 2006 và sửa chữa khang trang sạch đẹp hơn trong năm nay với 23 phòng chức năng, đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nhờ vậy, mà phòng khám đã có được niềm tin của người dân, số lượt bệnh nhân lựa chọn cơ sở để chăm sóc sức khỏe ngày càng nhiều. Khoe với chúng tôi, bà Phúc nói: “Trong năm 2018, trung bình mỗi tháng có khoảng 2.500 lượt khám. Chỉ 10 tháng đầu năm, phòng khám đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu khám, chữa bệnh”.

Như một sự khẳng định, những bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở phòng khám đều rất hài lòng và có niềm tin ở y, bác sĩ. Bà Nguyễn Thị A, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, bảo: “Cả gia đình tôi đều đến đây mỗi khi không khỏe, đau đầu, cảm ho,... Những bệnh như vậy bác sĩ khám cho thuốc uống là khỏi đâu cần đi tuyến trên. Với lại, bác sĩ tận tình lắm nên an tâm khám bệnh”.

Cạnh bên là ông Trần Văn Sáu, đưa con trai là em Trần Chí Kha đến khám bệnh vì sốt. Nhà ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, nhưng lựa chọn nơi đây khám bệnh bởi có niềm tin với cán bộ, y, bác sĩ phòng khám.

Vừa khám bệnh cho khách, bà Phúc quay sang giãi bày cùng tôi: “Phòng khám chăm sóc sức khỏe cho người dân đâu phân biệt địa bàn. Bệnh nhân ở các xã lân cận như Vị Đông, Vị Trung, Vị Bình thuộc huyện Vị Thủy hay phường V, thành phố Vị Thanh, cũng đến khám bệnh. Những năm qua, phòng khám đã chăm sóc, điều trị đem lại hạnh phúc và niềm vui cho hàng trăm ngàn bệnh nhân từ những thành quả phát triển của mình”. Đó là vì có sự hài lòng, tin tưởng của bệnh nhân.

Nói đến đây, tôi lại nhớ đến bài thơ “Tấm lòng thầy thuốc” của tác giả Bùi Thanh Hải, ca ngợi hình ảnh người thầy thuốc luôn hết lòng vì bệnh nhân:

“Áo choàng trắng đã bao đêm thức trắng

Cùng khối óc, con tim chan chứa tình người

Chia sẻ nỗi đau, suốt đời tận tụy

Như mẹ hiền sâu nặng tình thương”.

Với tấm lòng ấy, mỗi mùa xuân lại đầy trách nhiệm của cán bộ y tế phòng khám, luôn túc trực để người dân có được không khí vui tươi trọn vẹn trong dịp tết.

Có thể nói, trạm y tế là gốc của công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đặc biệt là phòng bệnh. Là tuyến đầu quan trọng giúp khống chế, kiểm soát, không để bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng, giảm số mắc và số tử vong. Thời gian gần đây, đang tập trung phòng, chống các bệnh không lây nhiễm chăm sóc toàn diện sức khỏe người dân.

Tết của cán bộ y tế luôn gắn liền với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Bà Phúc nói: “Thực hiện sứ mệnh của mình, cán bộ y tế luôn túc trực, cấp cứu kịp thời và ăn tết cùng bệnh nhân khi đau ốm. Khi có cas bệnh truyền nhiễm đều đi xử lý môi trường phòng bệnh kịp thời, duy trì công tác tiêm chủng dù là ngày tết”. Đây là một trong những trạm y tế đầu tiên đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế của tỉnh. Duy trì đạt chuẩn ngần ấy năm càng khẳng định chất lượng chăm sóc sức khỏe được nâng lên.

Khám bệnh cho người dân tại Phòng khám Đa khoa khu vực xã Vị Thanh.

Phát triển nhân lực vượt bậc,…

Nhìn lại chặng đường 15 năm là một bước tiến dài của công tác đào tạo bác sĩ ở tuyến xã. Cán bộ trạm y tế đã luôn nỗ lực, phấn đấu và chia sẻ cùng nhau để nâng cao trình độ chuyên môn. Tỷ lệ bác sĩ làm việc ở trạm y tế đã tăng rất nhiều so với trước. Không chỉ có 1 bác sĩ mà nhiều trạm có đến 2 hay 4 bác sĩ. Ở huyện Châu Thành, bác sĩ đã phủ kín 100% trạm y tế và có 5/9 trạm có từ 2 bác sĩ trở lên. Đó là sự nỗ lực rất lớn. Bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều có quy hoạch cử cán bộ y tế ở trạm đi đào tạo. Các trạm y tế Đông Phú, Đông Phước, thị trấn Ngã Sáu, Phú An có đến 2 bác sĩ và Phòng khám Đa khoa khu vực thị trấn Mái Dầm có 4 bác sĩ. Đa số các trạm cử người công tác tại cơ sở để đi đào tạo nhờ vậy đã hoàn thành đạt chỉ tiêu 100% trạm y tế đạt chuẩn vào năm 2015, là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện đạt chỉ tiêu này”.

Trạm Y tế xã Đông Phú giờ là điểm đến của nhiều bệnh nhân mỗi khi đau ốm. Không chỉ có bác sĩ để phục vụ, cán bộ của trạm còn rất nỗ lực để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Bà Nguyễn Kim Hồng, Trưởng trạm Y tế xã Đông Phú, chia sẻ: “Ở đây, chúng tôi chủ yếu phục vụ cho đối tượng là công nhân nên thường vào giờ hành chánh người dân không đến đây khám được do phải đi làm. Trạm thực hiện khám bệnh tất cả các khoảng thời gian trong ngày, nhất là thời gian ngoài giờ, vào lúc sáng sớm, buổi trưa và buổi chiều tối giúp bệnh nhân có thể tranh thủ thời gian đi khám bệnh và thời gian đi làm việc”. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có từ 40 đến 50 lượt bệnh đến khám ở trạm y tế này. Không chỉ có bác sĩ mà còn đào tạo bác sĩ có trình độ chuyên khoa, trạm có 1 bác sĩ chuyên khoa I nhi, 1 bác sĩ đa khoa, 2 cử nhân, trong tổng số 9 cán bộ, viên chức của trạm.

Chương trình đào tạo nguồn nhân lực của ngành y tế ngần ấy năm đã tập trung hướng về tuyến y tế cơ sở. Ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, chia sẻ: “Chúng tôi rất quan tâm tạo nguồn nhân lực bác sĩ cho y tế xã, sau khi chia tỉnh 2004, tỉnh chỉ đạt khoảng 19% xã có bác sĩ. Năm 2014, ngành đã mạnh dạn luân phiên cán bộ y tế về hỗ trợ cho xã. Y tế xã nay trưởng thành hơn rất nhiều so với trước. Bác sĩ cơ hữu đạt trên 70%, bác sĩ làm việc tại trạm y tế đạt 100%. Y tế xã từ nguồn cán bộ tại chỗ được đào tạo và ổn định, gắn bó với địa phương”.

Đầu tư rất lớn cho y tế xã

Là người gắn bó với ngành y tế từ khi chia tách tỉnh đến nay, ông Phan Thanh Tùng cảm nhận được sự phát triển ngoạn mục của y tế cơ sở, cả về nhân lực, vật lực, cơ sở trạm. Ông Tùng kể: “Thời điểm chia tách tỉnh mình có 74 trạm y tế, nhưng có 13 trạm y tế có cơ sở khang trang thôi. Đến năm 2008, xây thêm có trên 40 trạm cơ sở cơ bản đáp ứng được. Năm 2010, Bộ Y tế đã ban hành tiêu chí mới xây dựng trạm y tế quốc gia về y tế xã, giai đoạn 2011-2020, nâng cả tiêu chí về cơ sở, nhân lực, trang thiết bị. Qua rà soát lại chỉ có 4 trạm đạt được chuẩn. Đến năm 2013, dù phấn đấu quyết liệt, nhưng trang thiết bị còn hạn chế, có 15 trạm đạt chuẩn. Theo Nghị quyết tỉnh đề ra vào năm 2015 đạt 70% trạm y tế đạt chuẩn chưa thực hiện được. Nhưng nhiệm kỳ 2015-2020, đề ra 100% đã đạt sớm trước 3 năm”.

Kết quả quan trọng đó là có được sự tập trung đầu tư cho y tế cơ sở, trọng tâm là y tế xã của lãnh đạo tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 38 đầu tư cho y tế cơ sở mới  dự kiến khoảng 155 tỉ đồng. Nhưng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, số vốn đầu tư cuối cùng lên đến 236 tỉ đồng, tăng cả kinh phí đầu tư ngân sách và cả xã hội hóa. Ông Tùng nhận định: “Đây là kế hoạch quyết định thay đổi khá ngoạn mục của y tế xã, phường, thị trấn. Ngân sách tỉnh 165 tỉ đồng, vượt 2,2 lần so với dự kiến ban đầu; xã hội hóa vượt 6 lần so với lúc đầu. Tỉnh đã đầu tư xây mới 4 trạm, nâng cấp, sửa chữa 48 trạm, đầu tư trang thiết bị và hệ thống xử lý nước thải. Kế hoạch kết thúc năm 2016. Cũng năm này, tỉnh có 75/76 trạm y tế đạt chuẩn, đạt 98%. Năm 2017 đã đạt 100%”. Xây dựng trạm y tế đạt chuẩn đã góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở tỉnh.

Chất lượng dịch vụ y tế xã nâng lên. Các trạm y tế đảm bảo được gói chăm sóc sức khỏe cơ bản. Y tế xã tiếp tục phát triển và ngày được tăng cường, dịch vụ nâng dần lên, đạt trên 70%. Không dừng lại ở đó, theo ông Tùng, y tế cơ sở vẫn trên đà phát triển: “Còn một số cơ sở phải di dời và xây lại sẽ cơ bản đảm bảo, tiếp tục nâng cấp, sửa chữa cơ sở nào bị xuống cấp. Dự kiến kinh phí khoảng 76 tỉ đồng. Phấn đấu đến năm 2023 trang thiết bị y tế sẽ đạt chuẩn ở y tế xã. Trạm y tế đã tiến vào công nghệ thông tin, thực hiện quản lý sức khỏe Nhân dân và khám, chữa bệnh bằng phần mềm, hướng đến quản lý và chăm sóc toàn diện nhất, tốt nhất sức khỏe người dân”.

Trong thời khắc quan trọng chuyển giao năm cũ, chào đón năm mới, có những chiến sĩ blouse trắng luôn vững vàng trên trận tuyến bảo vệ sức khỏe, luôn bên cạnh chăm sóc là nguồn động viên tinh thần lớn giúp bệnh nhân vơi đi nỗi đau. Sự hy sinh thầm lặng ấy đã mang mùa xuân đến với mọi người, mọi nhà.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>