Chủ động phòng, chống một số bệnh giao mùa cho trẻ

26/05/2020 | 08:21 GMT+7

Theo dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang, giao thời giữa mùa nắng, mùa mưa thường xảy ra các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy cấp, cảm cúm, một số bệnh do muỗi truyền... Vậy cần làm gì để phòng tránh, nhất là đối với trẻ nhỏ ?

Thường xuyên kiểm tra và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, vật dụng phế thải xung quanh nhà, để phòng bệnh do muỗi truyền hiệu quả. Ảnh: HỒNG DIỄM

Bệnh đường hô hấp

Bệnh đường hô hấp, nhất là viêm họng, cảm cúm thường gặp ở người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Nếu không được điều trị dứt điểm và với chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị.

Các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp là: Đau họng khi nuốt, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi. Khó thở cũng là triệu chứng rất dễ gặp khi mắc các bệnh hô hấp. Cảm giác khó thở tăng do bất kỳ hoạt động thể lực nào. Cần thiết phải theo dõi mức độ hoạt động gây khó thở làm cơ sở đánh giá tình trạng bệnh. Khó thở khi nằm, khó thở thì hít vào, thì thở ra. Ho dai dẳng là phản xạ rất khó chịu của các bệnh hô hấp. Phản xạ ho có thể khởi phát bởi kích thích các cơ quan ở đường khí phế quản, đường hô hấp trên và những nơi khác như ở các xoang, ống tai, màng phổi, màng ngoài tim, thực quản, dạ dày và cơ hoành. Khi gặp các triệu chứng trên, cần đi khám để điều trị, tránh biến chứng phức tạp.

Bệnh cảm cúm

Nguyên nhân bệnh cảm cúm là do nhiễm vi-rút đường hô hấp trên (mũi và cổ họng). Biểu hiện của bệnh là chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa hoặc đau họng, ho, xung huyết mắt, toàn thân đau nhức hoặc đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt có khi lên đến 390C.

Để phòng bệnh này, không nên cho trẻ dầm mưa. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch cho trẻ. Khi gia đình có người bị cảm cúm, không dùng chung vật dụng, hạn chế gần gũi, nhất là trẻ em. Nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế điều trị.

Bệnh tiêu chảy cấp

Đây là bệnh nguy hiểm. Biểu hiện của nó là tiêu phân lỏng từ 3-10 lần/ngày, sốt cao, nếu không điều trị kịp thời, để dài ngày dẫn đến tử vong.

Bệnh này do nhiều nguyên nhân, hầu hết do các loại vi trùng tả, thương hàn, kiết lỵ, vi-rút đường ruột như rotavirus, entenovirus hoặc do ký sinh trùng đường ruột. Bệnh tiêu chảy lây qua đường tiêu hóa do thực phẩm nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Đa phần những người bị bệnh này do ăn: mắm tôm, mắm tép, rau sống, hải sản tươi sống, tiết canh… Bệnh dễ bùng phát thành dịch do lây qua nguồn nước.

Đề phòng bệnh này bằng cách: vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; hạn chế người ra, vào vùng đang có dịch tiêu chảy cấp; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mọi bữa ăn, mọi nhà nên ăn chín uống sôi; bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch; không đổ chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống nguồn nước.

Một số bệnh do muỗi truyền

- Bệnh sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, riêng vào mùa mưa bệnh có thể phát xảy ra rất nhiều do điều kiện ẩm ướt muỗi phát triển mạnh. Bệnh này truyền nhiễm cấp tính, dễ thành dịch do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu do muỗi vằn Aedes aegypti. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây tử vong nhất là trẻ em, vì sức đề kháng của trẻ còn yếu.

Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết khi bị nặng: nhiều chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng,… nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

- Bệnh do vi-rút zika: Thời gian gần đây, vi-rút zika nguyên nhân gây ra bệnh đầu nhỏ làm cho não không phát triển hoặc phát triển lệch lạc, gây thiểu năng trí tuệ, ngôn ngữ, vận động, cũng như khiến cho khuôn mặt trẻ bị biến dạng, cơ thể còi cọc.

Loại vi-rút nguy hiểm này lây truyền qua một loại muỗi vằn. Biểu hiện của bệnh là sốt, nổi ban dát sần, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt. Tuy nhiên, có đến 80% người bệnh không có triệu chứng nên rất khó phát hiện. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh.

- Bệnh viêm não Nhật Bản: Bệnh dễ mắc ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là ở các trẻ từ 2-6 tuổi. Bệnh gây tử vong cao cũng như có thể để lại các di chứng nặng nề như động kinh, thiểu năng trí tuệ, mất ngôn ngữ… nếu không được chữa trị kịp thời. Hiện đã có vắc-xin để phòng bệnh này cho trẻ.

Muỗi mang vi-rút gây bệnh viêm não Nhật Bản truyền bệnh cho người sau khi đốt động vật chứa mầm bệnh. Trẻ nhỏ có dấu hiệu nôn mửa, thóp phập phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên, hoặc thay đổi tư thế…

Để phòng bệnh do muỗi truyền hiệu quả người dân phải chủ động tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình mình bằng cách như: Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước, rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần. Thường xuyên thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà (như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ,...); dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát kê chân tủ chén, thay nước bình hoa hàng tuần; mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi.

BSCKI. LÊ VĂN CHÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>