Chủ động phòng cúm A/H1N1

12/07/2018 | 08:41 GMT+7

Hiện nay, chưa có thông tin chính thức từ Bộ Y tế về tình hình cúm A/H1N1, tuy nhiên, một số địa phương lân cận đã có người bị nhiễm cúm A/H1N1 như ở Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau,... Trước tình hình diễn biến khó lường của dịch bệnh, ngành y tế Hậu Giang đã chủ động với nhiều giải pháp phòng, chống dịch.

Các cơ sở y tế tại tỉnh đã chủ động khai thác tiền sử đối với những người bệnh có biểu hiện cảm cúm để phát hiện kịp thời nếu có cas bệnh cúm A/H1N1.

Sẵn sàng ứng phó nếu có cas bệnh

Sở Y tế tỉnh đã có nhiều công văn chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch cúm A/H1N1. Ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay: “Sở đã có công văn gửi đến các cơ sở có giường bệnh trực thuộc, Bệnh viện Đại học Võ Trường Toản; Bệnh viện Đa khoa Số 10; Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh yêu cầu tất cả các cơ sở này thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến bệnh dịch cúm A/H1N1, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, khống chế dịch bùng phát tại địa phương. Có kế hoạch dự trù thuốc, hóa chất khử khuẩn, sẵn sàng cung ứng khi cần thiết. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tập huấn lại cho nhân viên y tế của đơn vị về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H1N1. Các trường hợp nghi ngờ phải được hội chẩn và chỉ định xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên. Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, phương tiện bảo hộ, hóa chất khử khuẩn và cơ số thuốc để điều trị bệnh cúm A/H1N1; có biện pháp phòng ngừa cho nhân viên y tế, báo cáo bệnh dịch kịp thời”.

Tất cả các cơ sở y tế của tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm ứng phó khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1. Ông Huỳnh Văn Huân, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, nói: “Trung tâm đã chủ động cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế về bệnh cúm A/H1N1. Bố trí các phòng để sẵn sàng tiếp nhận và cách ly nếu có cas bệnh nghi ngờ ở trung tâm. Chỉ đạo các trạm y tế tăng cường công tác tuyên truyền phòng bệnh ở địa bàn mình. Điều kiện hiện nay cơ bản ứng phó tốt nếu có dịch bệnh xảy ra”.

Hoạt động tuyên truyền đã được đẩy mạnh ở các cơ sở y tế và trong cộng đồng. Ông Nguyễn Thanh Hiểu, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, cho biết: “Các bài viết về bệnh cúm A/H1N1 đã được thông tin, tuyên truyền trong nội viện. Chúng tôi quan tâm hướng dẫn cách nhận biết và phòng lây nhiễm cho người bệnh và thân nhân của người bệnh. Đặc biệt lưu ý đối với cán bộ y tế khi khám, chữa bệnh phải tìm hiểu tiền sử bệnh có đi về từ vùng dịch hay không. Khu cách ly đã được bố trí sẵn sàng thu dung nếu có trường hợp mắc bệnh”.

Phòng bệnh như thế nào ?

Theo ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, bệnh cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi-rút cúm A/H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Bệnh thường dễ mắc và lây lan vào mùa Đông xuân, nhưng khác với cúm mùa thông thường - chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp. Cúm A/H1N1 dễ dàng lây bệnh từ người sang người như các chủng cúm mùa thông thường khác. Theo kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia cho thấy, chủng vi-rút cúm lưu hành hiện nay ở nước ta trong thời gian qua chủ yếu là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B.

Nhằm giúp người dân phòng bệnh hiệu quả, ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho hay: “Trung tâm đã có chỉ đạo hệ thống dự phòng đẩy mạnh tuyên truyền trên toàn tỉnh, đặc biệt tuyên truyền vận động người dân tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm mùa”. Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng bệnh cúm A/H1N1, người dân nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi. Tránh tập trung nơi đông người vào những mùa dễ bùng phát bệnh cúm, nếu đến nơi đông người nên đeo khẩu trang để bảo vệ. Phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ nước, tập luyện thể dục hàng ngày để tăng cường sức đề kháng. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.

Người dân phải lưu ý

Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, nhưng những người nhiễm cúm A/H1N1 hay vi-rút cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính. Ngành y tế khuyến cáo, những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan…

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>