Con một bề vẫn hạnh phúc tràn đầy

26/12/2017 | 08:11 GMT+7

Những gia đình sinh 2 con một bề đã nỗ lực vun vén, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan hiền, học giỏi. Với họ, có được con dù gái hay trai, sinh ra lành lặn, bình thường là hạnh phúc.

Anh Võ Thiện Danh, ở khu vực 3, phường IV, hàng ngày vẫn bính tóc cho đứa con gái lớn.

“Con gái có gì không tốt”

Là tấm gương gia đình tiêu biểu thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của thành phố Vị Thanh, câu chuyện sinh con một bề đều là gái của chị Lê Thị Thanh Hà, ở phường V, đã khiến nhiều người cảm phục. Chị Hà chia sẻ: “Sinh con một bề đều là gái, nhiều người hỏi tôi là chồng và gia đình chồng đối xử có gì khác biệt không?, nếu nói là không thì chưa thật lòng. Anh em bên nhà chồng, gia đình nào cũng có con trai, nhà mình toàn con gái, khi có công việc về quê dễ bị… mời xuống mâm dưới ngồi, những lúc đó cũng thấy buồn. Chồng mình lại là con cả nên cũng có lúc tôi có ý định sinh thêm đứa thứ ba, biết đâu may mắn ra con trai. Mẹ chồng tôi hay động viên sinh thêm đi mẹ cho tiền nuôi con”.

Không chỉ bị tác động từ bên ngoài, bản thân chị Hà cũng lo lắng sau này hai con gái lớn, xây dựng gia đình nhà chỉ còn lại hai vợ chồng với nhau, lúc bình thường không sao nhưng khi đau ốm chắc sẽ buồn. Chị Hà tiếp lời: “Nhưng may mắn cho tôi là chồng rất hiểu, rất tâm lý và chia sẻ cho vợ. Anh kiên quyết chỉ dừng lại ở 2 con để lo cho con được chu đáo. Ông xã đã nói con gái có gì không tốt, nhà có trẻ con nói cười là hạnh phúc lắm rồi. Con cái là của trời cho. Sinh con được là mừng, con lành lặn khỏe mạnh là vui rồi. Đối với hai vợ chồng tôi, 2 cô con gái quý hơn vàng”.

Cùng chung niềm hạnh phúc khi hàng ngày nghe tiếng cười, nhìn con đùa vui, khỏe mạnh, anh Võ Thiện Danh, ở khu vực 3, phường IV, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Nhà tôi cũng có 2 đứa con gái. Tôi vui lắm khi sau một ngày làm việc mệt nhọc ở bên ngoài, trở về nhà có vợ nấu cơm sẵn chờ mình. Có 2 đứa con gái ngoan ngoãn nói chuyện tíu tít, đứa thì ca, đứa thì múa. Khi mệt con gái lớn lấy nước cho mình uống, con gái nhỏ tíu tít hôn lên má ba. Nghe tiếng cười trẻ thơ thì bao mệt nhọc, vất vả để lo miếng cơm, manh áo như nhẹ đi. Tôi thấy hạnh phúc gia đình chỉ cần vậy. Đâu nhất thiết phải có con trai thì mới hạnh phúc”. Anh Danh đi làm thuê cho một tiệm làm thiệp cưới ở phường IV, vợ anh làm hộ lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang.

Vượt qua tư tưởng trọng nam khinh nữ

Cầm trên tay hàng chục tờ giấy khen của đứa con gái lớn, chị Trần Thị Kim Ngân, 37 tuổi, ở ấp 5, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Vui lắm, thấy con gái học giỏi mình cũng thầm an ủi. Học giỏi thì sau này con gái sẽ lo cho cuộc sống được tốt hơn. Có kiến thức, có trình độ học vấn thì làm việc gì cũng dễ chứ đừng như cha mẹ ít học nên phải lấy sức lực, lao động chân tay quần quật hàng ngày để kiếm tiền”. Chị Ngân ngoài làm hộ lý cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngày nghỉ chị tranh thủ đi làm thuê, giúp việc nhà, chồng chị thì lạm phụ hồ. Cuộc sống khó khăn, vất vả ấy vậy mà hai anh chị đều chăm lo, tạo điều kiện cho con học hành nên người, chưa từng có ý cho con nghỉ học để đỡ tốn kém kinh tế. Con gái lớn chị là em Trần Thị Kim Trúc, học lớp 7A1, Trường THCS Châu Văn Liêm, 6 năm liên tục là học sinh giỏi của trường. Con gái nhỏ chị gửi học tại Nhóm trẻ Việt Anh, khu vực 4, phường IV.

Vượt qua tư tưởng trọng nam khinh nữ, thích con trai hơn con gái, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình và chăm sóc bố mẹ khi tuổi về già, các gia đình có 2 con một bề là gái đã nỗ lực thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc. Em Lương Thị Ngọc Bích, học lớp 3A4, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Nhà con có hai chị em gái. Ba mẹ rất thương yêu chúng con. Con sẽ học thật giỏi để cho mẹ được vui lòng. Con ước mơ sau này mình sẽ làm cô giáo”.

Bà Lê Thị Thanh Hương, Chi cục phó Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính hiện nay là do bất bình đẳng giới, nhận thức một số người dân còn hạn chế, nhiều bà mẹ mang thai đến khám, siêu âm đều mong muốn được biết giới tính thai nhi, quan niệm trọng nam khinh nữ trong xã hội... Để có được niềm vui và hạnh phúc như hiện tại, các gia đình có 2 con sinh một bề là gái đã luôn nỗ lực, vượt qua định kiến xã hội để cùng nhau chăm lo cho gia đình hạnh phúc. Chúng tôi thấy mừng vì điều đó. Tôi có lời khuyên với các gia đình hiện đang sinh con một bề là không nên phân biệt cháu trai, cháu gái. Sinh được con là diễm phúc, nuôi con khỏe, ngoan, thành đạt là hạnh phúc được nhân đôi rồi”.

Biết hài lòng để có hạnh phúc trọn vẹn

“Trong khi nhiều gia đình phải tốn kém hàng chục, hàng trăm triệu đồng để thụ tinh nhân tạo, họ mong tìm kiếm một mụn con mà vẫn không có thì tại sao mình may mắn có thể sinh con bình thường lại kén chọn đi lựa giới tính con làm gì. Con nào mà chẳng là con của mình. Quan trọng là mình sinh con ra, chăm sóc được cho con đầy đủ như bạn bè không, có dạy con học hành nên người hay không? Với tôi, đó mới là điều quan trọng. Chứ “có nếp, có tẻ” mà gia đình khó khăn, con cái không nghe lời thì khổ”, ông Lương Văn Hải, công tác tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, 1 trong 25 gia đình tiêu biểu được tôn vinh tại Hội nghị tôn vinh các gia đình có 2 con một bề là gái thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc nhân Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam năm 2017 (26-12), chia sẻ.

 

 

Hiện tỷ số nam giới chiếm tỷ lệ 50,1%/tổng dân số của tỉnh (tương đương 381.406 người). Vấn đề mất cân bằng giới tính đang có chiều hướng tăng. Nếu năm 2011 có 111 bé trai/100 bé gái thì năm 2016 đã có 114 bé trai/100 bé gái. Thị xã Long Mỹ là địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất với 122 bé trai/100 bé gái, thấp nhất là huyện Châu Thành với 81 bé trai/100 bé gái.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>