Đảm bảo tất cả người nhiễm HIV/AIDS đều có thẻ bảo hiểm y tế

22/10/2018 | 09:32 GMT+7

“Người nhiễm HIV/AIDS cần có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để được điều trị bệnh kể từ năm 2019”- đó là khẳng định của ông Võ Chí Đại (ảnh), Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về việc triển khai điều trị bệnh HIV/AIDS bằng thẻ BHYT sắp được thực hiện tới đây.

Thẻ BHYT có ý nghĩa như thế nào trong việc đảm bảo điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, thưa ông ?

- Từ trước đến cuối năm 2018, các chi phí khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được các dự án tài trợ chi trả như tiền khám bệnh, làm các xét nghiệm máu thường quy, sinh hóa máu, CD4, tải lượng vi-rút, lao… , tiền thuốc điều trị ARV, thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội kèm theo trên bệnh nhân HIV/AIDS đều do các dự án tài trợ như Dự án của Ngân hàng Thế giới, Dự án Quỹ toàn cầu, chi phí này rất lớn. Nếu bệnh nhân không được hưởng thụ từ các nguồn tài trợ này thì cá nhân không đảm bảo chi phí để điều trị vì đa số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là đối tượng nghèo, cận nghèo, đối tượng làm thuê, làm nghề nông. Khi các dự án không còn tài trợ thì chắc chắn các bệnh nhân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không có đủ chi phí để tham gia điều trị ARV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác.

BHYT rất cần để bệnh nhân HIV/AIDS được đảm bảo điều trị bệnh.

Người nhiễm HIV/AIDS không tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh sẽ phải thanh toán toàn bộ các chi phí cho việc khám chữa bệnh, xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội, thuốc kháng vi-rút (ARV). Tổng chi phí điều trị trung bình đối với bệnh nhân bậc 1 là 5 triệu đồng/năm và 18 triệu đồng/năm với bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 2. Bệnh nhân không có khả năng thanh toán dẫn đến bỏ điều trị, kháng thuốc và thất bại điều trị, bệnh nhân sẽ phải chuyển sang các phác đồ đắt tiền hơn, đồng thời làm gia tăng sự lây nhiễm HIV cho cộng đồng. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Việc tham gia BHYT đối với người nhiễm HIV là hết sức cần thiết, giúp họ có nguồn lực tài chính bền vững cho việc duy trì điều trị.

Nếu bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được đảm bảo chi trả chi phí khám, chữa bệnh như: tiền khám bệnh, làm các xét nghiệm máu thường quy, sinh hóa máu, CD4, tải lượng vi-rút, lao…, tiền thuốc điều trị ARV, thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội kèm theo.

Thực trạng người bệnh HIV/AIDS tham gia BHYT hiện nay như thế nào, thưa ông ?

- Trong năm 2017, 2018 đơn vị đã làm tham mưu cho các sở, ngành có liên quan trình UBND tỉnh Hậu Giang và đã được phê duyệt kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% bệnh nhân trên địa bàn tỉnh nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT. Hiện nay Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục rà soát những bệnh nhân các nơi khác chuyển về, bệnh nhân chưa có thẻ BHYT, bệnh nhân thẻ BHYT hết hạn sử dụng để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kinh phí để mua thẻ BHYT cho các đối tượng này.

Dự báo tình hình nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 như thế nào, thưa ông ?

- Hiện tại, đã có 8/8 huyện, thị, thành phố của tỉnh có người nhiễm HIV và 76/76 xã, phường, thị trấn có người nhiễm. Số bệnh nhân phát hiện HIV lũy tích là trên 1.500 người; trên 600 bệnh nhân đang được điều trị ARV cả trong và ngoài tỉnh. Số người phát hiện nhiễm mới tăng dần trong những năm 2008-2012, năm 2013 có chiều hướng giảm nhưng từ năm 2016 đến nay số người nhiễm lại có chiều hướng tăng dần. Do các dự án bị cắt nên không còn duy trì được các nhóm đồng đẳng viên tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao để phân phát bơm kim tiêm, bao cao su. Theo số liệu thống kê hiện tại và dự báo tình hình nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 có thể phát hiện mới khoảng 317 trường hợp, số bệnh nhân AIDS mới 219, tử vong 88 người, lũy tích người nhiễm 1.722 trường hợp.

Tỉnh sẽ đảm bảo kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS đến năm 2020 như thế nào, thưa ông ?

- Trong năm 2018, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ một phần cùng chi trả thuốc kháng HIV (ARV) cho bệnh nhân có thẻ BHYT giai đoạn 2018-2020. Tổng kinh phí được phê duyệt giai đoạn này là trên 1,2 tỉ đồng. Bảo đảm 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT. Bảo đảm 100% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có thẻ BHYT được hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc ARV khi tham gia điều trị thuốc ARV.

Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế trong năm 2018 đơn vị đã thực hiện Kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế. Thực hiện phương thức lập hồ sơ ký hợp đồng cung cấp khám, chữa bệnh thông qua BHYT cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS và hệ thống quản lý thông tin, cung ứng thuốc điều trị. Hiện nay đang chờ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp mã số khám chữa bệnh, khi có kết quả đơn vị sẽ tiến hành thực hiện khám chữa bệnh HIV/AIDS thông qua BHYT trong thời gian sớm nhất.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>