Điểm tựa cho bệnh nhân HIV/AIDS

30/07/2018 | 07:51 GMT+7

Đến đầu năm 2019, khi các dự án ngoài nước viện trợ để Việt Nam điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS không còn nữa, do đó Chính phủ đã chỉ đạo điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế (BHYT). Việc chuyển điều trị ARV qua BHYT đang được tỉnh quan tâm triển khai.

BHYT luôn cần cho mỗi người dân và người có bệnh HIV/AIDS lại hết sức cần thiết. (Ảnh cấp phát thuốc BHYT tại Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy).

Trên 95% bệnh nhân HIV/AIDS của tỉnh sẽ có thẻ bảo hiểm y tế

Theo ông Võ Chí Đại, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh: “Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh đã phê duyệt kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS hộ khẩu thường trú tại địa bàn tỉnh Hậu Giang chưa có thẻ, với số tiền hỗ trợ mua thẻ khoảng 400 triệu đồng, như vậy trên 95% bệnh nhân HIV/AIDS của tỉnh sẽ có thẻ BHYT. Trừ những trường hợp địa chỉ hộ khẩu của bệnh nhân không rõ ràng, bệnh nhân đi làm xa, bệnh nhân chưa tham gia mua BHYT theo hộ gia đình chưa thể mua BHYT.

Để thực hiện khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS như trước đây, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã hoàn thành xong giấy phép hoạt động của Phòng khám và điều trị chuyên khoa HIV/AIDS tại đơn vị. Hiện tại, trung tâm đang làm các hồ sơ, thủ tục cần thiết trình Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh để được thẩm định ký kết hợp đồng điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh bằng BHYT.

Theo các cơ sở điều trị HIV/AIDS của tỉnh, công tác phát hiện, tư vấn, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được thực hiện đạt kết quả phấn khởi. Cả tỉnh đang quản lý điều trị trên 600 bệnh nhân HIV/AIDS. Nhìn chung, kết quả điều trị đã có chuyển biến tích cực, bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, bệnh nhân bỏ trị ít, phục hồi sức khỏe nhanh, kéo dài sự sống, hòa nhập cộng đồng, lao động tốt để tạo ra của cải vật chất,... Các cơ sở điều trị đã thật sự là điểm tựa vững chắc cho bệnh nhân. Bệnh nhân N.T.Q., ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, bày tỏ: “Sau hơn 6 tháng điều trị bệnh tôi thấy sức khỏe đã tốt hơn nhiều, tăng cân trở lại. Nhờ có các bác sĩ ở Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy điều trị, tư vấn, động viên mà vợ chồng tôi lấy lại tinh thần sau khi biết mình mắc căn bệnh HIV. Vợ chồng tôi giờ lao động bình thường”. Không chỉ có gia đình bệnh nhân Q., không ít bệnh nhân HIV/AIDS của tỉnh đã được điều trị ARV mười mấy năm vẫn sống khỏe và lao động bình thường.

Chia sẻ về nguyên nhân chuyển điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS qua thẻ BHYT, ông Võ Chí Đại lý giải: “Những năm qua thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có được là do các dự án của các tổ chức chính phủ ngoài nước viện trợ cho Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng, do đó bệnh nhân sử dụng thuốc ARV không phải tốn tiền. Đến đầu năm 2019, các dự án này không còn viện trợ nữa, do đó Chính phủ đã chỉ đạo điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thông qua BHYT theo Luật Khám chữa bệnh và Luật BHYT để bệnh nhân không phải lo chi phí điều trị căn bệnh này”.

Thuốc ARV là loại thuốc khá đắt tiền, vì vậy để được điều trị liên tục, lâu dài bệnh nhân phải có BHYT.

Nâng nhận thức người dân về lợi ích thẻ bảo hiểm y tế

Thực tế, nhận thức của một số người dân về lợi ích của việc tham gia BHYT còn hạn chế. Hàng năm, các địa phương trong tỉnh rất vất vả để vận động đạt các chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Theo ông Đặng Văn Nở, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang, cho biết, tỷ lệ người dân tham gia BHYT hiện chỉ đạt khoảng 76%, như vậy, còn khoảng 24% người dân chưa tham gia BHYT. Đây là điểm khó khi triển khai điều trị ARV cho bệnh nhân HIV được các cán bộ y tế làm công tác điều trị cho bệnh nhân HIV đề cặp. Còn ông Trần Minh Đông, cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, phân tích: “Sẽ gặp khó đối với bệnh nhân mới phát hiện nhiễm HIV mà không có BHYT, vì ngay khi phát hiện bệnh việc điều trị ARV cần được thực hiện sớm, nhất là đối với các trường hợp nhiễm HIV ở thai phụ. Nếu không có thẻ BHYT, khi đó bệnh nhân phải trả tiền để mua thuốc điều trị”.

Có ý kiến cho rằng, việc điều trị cho bệnh nhân theo các bác sĩ cần cân nhắc nên tổ chức khám, chữa bệnh chung hay riêng đối với những bệnh nhân này. Ông Lê Văn Tranh, Trưởng phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy: “Điều trị riêng thì cũng sợ mọi người nhìn ngó, người nào đi vào đó cũng nghi ngờ. Còn điều trị chung cũng khó khăn do bệnh nhân lo sợ bị lộ thông tin, ngại đến nơi đông người”.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để bệnh nhân HIV/AIDS luôn được điều trị bệnh bằng thuốc ARV, ông Võ Chí Đại khẳng định: “Trung tâm sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét bệnh nhân HIV/AIDS mua thẻ BHYT không phải theo hộ gia đình để bệnh nhân có điều kiện tham gia BHYT. Đồng thời, tăng cường hơn công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, công tác tư vấn, giám sát, hỗ trợ, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân cũng như lợi ích của việc tham gia BHYT”.

BHYT hết sức cần thiết đối với bệnh nhân HIV/AIDS, vì việc điều trị bệnh cho bệnh nhân HIV phải thực hiện liên tục và suốt đời. Nếu không có BHYT, bệnh nhân HIV/AIDS sẽ khó thể đủ khả năng chi trả chi phí điều trị bệnh lâu dài.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>