Giúp bệnh nhân HIV/AIDS chăm sóc tốt sức khỏe, kéo dài sự sống

27/12/2017 | 08:08 GMT+7

“100% bệnh nhân nhiễm HIV được quản lý điều trị và nhờ kết hợp tốt giữa điều trị, dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS đã góp phần giúp bệnh nhân chăm sóc tốt sức khỏe, kéo dài sự sống”, ông Võ Chí Đại (ảnh), Giám đốc Trung tâm HIV/AIDS tỉnh, chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang về kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh năm 2017.

Công tác tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS năm 2017 đã đạt những kết quả nổi bật nào, thưa ông ?

- Đây là hoạt động trọng tâm nhất khi triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tổng số bệnh nhân được quản lý điều trị là 555/555 bệnh nhân, đạt 100%. Trong đó, có 540 người lớn và 15 trẻ em. 100% bệnh nhân thu dung điều trị đều được xét nghiệm tải lượng vi-rút và được cấp thuốc dự phòng lao, cấp thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng khác. Bệnh nhân được cán bộ y tế tư vấn, thăm viếng thường xuyên tại gia đình. Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh mua 108 thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, hiện nay 100% bệnh nhân đều có thẻ bảo hiểm y tế.

Thực hiện tốt công tác lấy mẫu máu xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao, xét nghiệm tự nguyện, phụ nữ có thai, thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự và được phản hồi kết quả. Kết quả, xét nghiệm tự nguyện 6.766 trường hợp có 77 trường hợp dương tính chiếm 1,13%.

Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cũng được quan tâm thực hiện, trong đó cao điểm là vào tháng 7 dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tháng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến 10-12). Thường xuyên thực hiện công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng.

Vậy còn những khó khăn gì trong hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS thời gian qua, thưa ông ?

- Vẫn còn không ít khó khăn trong hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Mặc dù công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên địa tỉnh rất phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức, tỷ lệ hiểu biết về phòng, chống HIV/AIDS ngày càng được nâng lên, tuy nhiên còn một bộ phận người dân đặc biệt là nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao như gái mại dâm, người nghiện chích ma túy, thanh thiếu niên vùng nông thôn sâu, chưa thật sự chủ động đến các cơ sở y tế để được tư vấn xét nghiệm tự nguyện miễn phí, bí mật giấu tên vì họ sợ bị phát hiện bệnh trở nên xấu hổ với xã hội, sợ xã hội kỳ thị, sợ gia đình bỏ rơi.

Đội ngũ tư vấn viên trong thời gian qua có nhiều thay đổi do về hưu, thay đổi vị trí công tác, thôi việc. Cán bộ mới đảm nhiệm công tác tư vấn chưa được tập huấn và cấp giấy chứng nhận về kỹ năng tư vấn xét nghiệm HIV, do đó không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình. Đa số ở tuyến xã, phường khi gặp đối tượng cần được tư vấn không thực hiện được mà phải giới thiệu về Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trong khi đó nhân lực của trung tâm còn thiếu để thực hiện công tác này.

Còn một vài bệnh nhân đôi lúc bị gián đoạn điều trị do nghe lời đồn đãi đi trị thuốc nam, thuốc bắc hay đi làm ăn xa không nhận thuốc điều trị liên tục khi hết thuốc. Hiện nay, theo quy định chỉ cấp thuốc mỗi lần 1 tháng đối với những bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt cũng rất khó thực hiện đối với những bệnh nhân đi làm ăn xa.

Đội ngũ bác sĩ làm công tác điều trị ARV cho bệnh nhân còn thiếu tại trung tâm có 24 biên chế nhưng chỉ có 4 bác sĩ làm công tác điều trị. Nguồn lực điều trị HIV/AIDS tại tuyến huyện, thị xã, thành phố chưa đáp ứng để điều trị HIV/AIDS, do đó rất khó chuyển đổi điều trị HIV/AIDS cùng chi trả đối với bệnh nhân có thẻ BHYT sau này.

Bệnh nhân (trái) được tư vấn, chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Năm 2018, công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẽ được triển khai với những hoạt động trọng tâm nào, thưa ông ?

- Hoạt động thông tin, giáo dục, tuyền thông; theo dõi, giám sát dịch; hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm; nâng cao năng lực là những nhiệm vụ sẽ được tiếp tục thực thiện trọng tâm trong năm 2018. Dự kiến, chúng tôi sẽ in 60.000 tờ bướm, 40 băng đĩa, 100 băng rôn, mua Tạp chí AIDS và Cộng đồng; tuyên truyền trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các công ty, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn tỉnh để thực hiện truyền thông các nội dung có liên quan phòng, chống HIV/AIDS.

Trên toàn tỉnh sẽ tổ chức lấy 8.000 mẫu máu xét nghiệm HIV cho đối tượng có nguy cơ cao, nhóm phụ nữ có thai và 2.000 mẫu máu sàng lọc HIV khám truyển nghĩa vụ quân sự năm 2018 để phát hiện, tư vấn điều trị HIV kịp thời.

Tăng cường công tác quản lý, chăm sóc điều trị tại tuyến tỉnh, huyện, thị trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn sự nhân lên của vi-rút HIV trên cơ thể người bệnh, hạn chế tỷ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm tỷ lệ bỏ trị, giảm tỷ lệ bệnh nhân kháng thuốc ARV, tăng tỷ lệ dự phòng lao/HIV và giảm tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng khác nhằm đạt 90% người nhiễm HIV được chăm sóc, điều trị. 100% bệnh nhân điều trị được xét nghiệm tải lượng vi-rút để điều trị cho bệnh nhân nhằm đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế.

Tăng công tác tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại các tuyến để sớm đạt mục tiêu 90% số người nhiễm HIV được xét nghiệm phát hiện tình trạng nhiễm của bản thân. Tham mưu với các cơ quan liên quan thẩm định mua bảo hiểm y tế cho 100% bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, với số tiền khoảng 390 triệu đồng và triển khai công tác điều trị bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS tại tuyến tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện  

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>