Hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn: Ai giám sát bếp ăn trường học?

18/03/2019 | 23:56 GMT+7

Ngày 17-3, dù số gia đình từ Thuận Thành, Bắc Ninh đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng T.Ư ở Hà Nội đã có dấu hiệu "hạ nhiệt", nhưng vẫn có đến trên 400 gia đình đưa con ra xét nghiệm.

Mối nghi từ bữa ăn trường học

Nguồn cơn của việc 1.900 gia đình ở Thuận Thành, Bắc Ninh ồ ạt đưa con ra Hà Nội xét nghiệm trong ba ngày qua bắt nguồn từ một video lan truyền trên mạng xã hội hồi giữa tháng 2, cho biết thịt cung cấp cho Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành) có nốt trắng như loại lợn bệnh (lợn gạo).

Ngày 5-3, phụ huynh đã đến kiểm tra tại bếp ăn nhà trường và phát hiện thịt gà bị mủn, không tươi như cam kết.

Đến ngày 7-3, ba gia đình đưa con ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư xét nghiệm và 2 trong số 3 mẫu dương tính với ấu trùng sán lợn. Phụ huynh đưa kết quả xét nghiệm lên mạng xã hội và từ ngày 15-3, các bậc cha mẹ ùn ùn đưa con đi xét nghiệm, cho đến 17-3 là 1.900 gia đình.

Trao đổi với báo chí khi đưa cháu (có kết quả xét nghiệm dương tính với ấu trùng sán lợn) đến xét nghiệm tại Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng T.Ư, ông Khanh - một phụ huynh - cho biết cháu trai ông đã đi học mầm non từ 3 năm nay, ở nhà đồ ăn, uống của gia đình đều được nấu chín, nghi ngờ mầm bệnh từ bữa ăn nhà trường.

Mối nghi ngờ càng khó xác định nguyên nhân khi nhà cung cấp thực phẩm cho Trường mầm non Thanh Khương còn cung cấp cho gần 20 trường mầm non và tiểu học khác trên địa bàn. Số xã có trẻ nhiễm bệnh cũng có diện rất rộng: 14/19 xã (cho đến trưa 17-3).

Bà Tô Mai Hoa, giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, cho hay "đặc sản" của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là món "nem Bùi" có thành phần là thịt chưa nấu chín. Vì thế, ông Thiều cho rằng rất cần phải thực hiện một cuộc điều tra dịch tễ khoa học để xác định chính xác căn nguyên mầm bệnh.

Bà Trần Việt Nga - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Không thể có cơ quan chức năng ngày nào cũng đi kiểm tra, mà mỗi nhà trường cần chú ý tới chất lượng bữa ăn của học sinh trường mình, phải chú ý trong khâu lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu và tổ chức chế biến, cung cấp cho các cháu. Không ở đâu giám sát tốt hơn chính nhà trường và phụ huynh.

Bà Trần Việt Nga (phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế)

Phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện

Nguyên nhân dẫn đến 14/19 xã của Thuận Thành có trẻ nhiễm ấu trùng sán lợn chưa được xác định, nhưng việc thịt lợn có lợn cợn vẩy trắng, thịt gà bị mủn... vào bữa ăn của học sinh mầm non là điều khó chấp nhận.

Vậy ai quản lý bữa ăn trường học? Chúng tôi đã trao đổi với bà Trần Việt Nga, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế. Bà Nga nói:

- Theo Luật an toàn thực phẩm, việc quản lý thực phẩm trường học là của UBND các cấp, UBND các cấp thường phân cấp cho cơ quan y tế. Với cơ sở cung cấp bữa ăn trường học có giấy phép kinh doanh thì cơ sở phải có thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm mới được cung cấp bữa ăn trường học và bếp ăn tập thể nói chung.

Cơ sở không đăng ký kinh doanh (nhà trường tự nấu nướng và cung cấp suất ăn) thì cần có cam kết với cơ quan chức năng và vẫn cần đảm bảo đủ điều kiện về dụng cụ nấu ăn, bát đĩa, nguồn nguyên liệu...

Luật an toàn thực phẩm cũng quy định điều kiện với bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học, là phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được cung cấp thực phẩm cho trường học.

Các cán bộ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư lấy mẫu xét nghiệm cho các cháu đến từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh - Ảnh: THÚY ANH

Nhà trường và phụ huynh phải giám sát

* Trong trường hợp các đơn vị tự nấu nướng và cung cấp suất ăn, chỉ cam kết thì theo bà có đảm bảo họ làm đúng như cam kết, trong khi cung cấp thực phẩm cho trường học là đối tượng rất nhạy cảm?

- Về nguyên tắc thì kể cả đủ giấy phép hay chỉ cam kết vẫn phải đi kiểm tra (hậu kiểm), nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của ban giám hiệu và phụ huynh nhà trường. Qua theo dõi những trường học làm tốt, tôi thấy ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia giám sát rất kỹ nguyên liệu ở đâu, nấu nướng vệ sinh ra sao... Một vấn đề nữa là giá thành bữa ăn.

* Với những điều kiện về pháp lý như vậy, theo bà, đã đủ để giám sát bữa ăn trường học, với những yêu cầu theo chúng tôi là còn sơ sài như chỉ cần cam kết?

- Không ở đâu cơ quan quản lý có thể giám sát được 100%, vì thế vẫn cần vai trò giám sát của phụ huynh nhà trường, của ban giám hiệu... giám sát vấn đề an toàn, giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ.

Hơn nữa, cam kết hay là giấy chứng nhận vẫn là những cơ sở ban đầu, ban đầu có thể họ làm tốt, đạt tiêu chuẩn để cấp các hồ sơ giấy tờ nhưng sau này có thể lại vi phạm, nên cần chú trọng vào kiểm soát quy trình: nguồn nguyên liệu ở đâu, cơ sở nào cung cấp, chất lượng ra sao, nhà trường cũng phải tham gia giám sát, mỗi trường học/nơi sử dụng bếp ăn tập thể nên có những cán bộ chuyên trách việc đó, để trước hết có thể phát hiện nguyên liệu có đạt chuẩn không, chế biến có đảm bảo hay thực phẩm có nhiễm vi sinh không...

* Một khảo sát thực hiện vào những năm 2015 - 2016 cho thấy mức độ an toàn của bếp ăn trường học là chưa ổn, nhất là khi kiểm tra đột xuất. Bà có cho rằng cần bổ sung thêm các quy định để giám sát chất lượng bữa ăn ở trường học?

- Quy định hiện hành theo tôi không thiếu, nhưng quan trọng là ý thức thực hành khi chế biến thực phẩm. Ngay tại các gia đình, hiện vẫn còn những thói quen chưa đúng như để thực phẩm đã chế biến trong môi trường bình thường dẫn tới ôi thiu, gây rối loạn tiêu hóa.

Như tôi đã nói ở trên, không thể có cơ quan chức năng ngày nào cũng đi kiểm tra, mà mỗi nhà trường cần chú ý tới chất lượng bữa ăn của học sinh trường mình, phải chú ý trong khâu lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu và tổ chức chế biến, cung cấp cho các cháu. Không ở đâu giám sát tốt hơn chính nhà trường và phụ huynh.

Theo LAN ANH thực hiện – Tuổi trẻ Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>