Hệ lụy từ nhiễm giun đũa chó

15/09/2019 | 23:57 GMT+7

Căn bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó (dân gian còn gọi là sán chó) đang ngày càng có nhiều người mắc. Nhưng thực tế, kiến thức và hiểu biết của người dân về căn bệnh này còn khá hạn chế.

Em Thu Tiền được thăm khám, kiểm tra lại sức khỏe tại Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, sau khi xuất viện.

Ai cũng có thể nhiễm bệnh

Em Trương Thị Thu Tiền, 14 tuổi, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, đến Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh để tái khám bệnh giun đũa chó, nhìn cơ thể còn khá xanh xao. Ngồi tựa bên ghế chờ đến lượt, em Tiền bộc bạch: “Giờ nhớ lại lúc phát bệnh em còn sợ, cứ nghĩ là nổi mề đay nên mua thuốc uống, nhưng không hết. Đến khi vào nhập viện thì bệnh đã trở nặng, nên em phải nằm điều trị khoảng hai tuần. Em thường chơi đùa với mấy chú chó nuôi ở nhà nên chắc vậy mới bị bệnh”.

Biểu hiện ban đầu của Tiền là nổi mề đay khắp người kèm theo đau bụng. Gia đình cứ nghĩ em bị rối loạn tiêu hóa hay dị ứng thức ăn nên mua thuốc ở ngoài cho uống nhiều ngày, nhưng bệnh vẫn không có tiến triển. Đến khi đưa vào thăm khám tại trung tâm, em đã bị dị ứng toàn thân, xuất hiện dịch ổ bụng, sốt cao, qua xét nghiệm, Tiền dương tính với giun đũa chó. May mắn nhờ sự điều trị tích cực của các y, bác sĩ tại trung tâm đã giúp Tiền ổn định sức khỏe. Hiện dù đã khỏi bệnh, Tiền vẫn thường xuyên đến trung tâm thăm khám và 3 tháng tới sẽ tiến hành kiểm tra lại tình trạng giun đũa chó.

Đây là một trong nhiều trường hợp đến thăm khám, điều trị giun đũa chó tại Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh. Theo thông tin nhận được từ trung tâm này, hơn một tháng nay, tình hình người bệnh nhập viện điều trị giun đũa chó ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hầu hết bệnh khi vào điều trị, đa phần đã khá nặng phải nằm nội trú. Một số ít nhẹ hơn sẽ được điều trị ngoại trú, cán bộ y tế cũng thường xuyên theo dõi sát sao tình hình sức khỏe bệnh nhân.

May mắn hơn Tiền, chị Nguyễn Thị Kim Chi, ở ấp Mỹ Hiệp 2, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi bị ngứa, nổi mẫn khắp người nên mua thuốc tiệm uống. Lúc đầu tôi hết ngứa, dần dần thì càng ngứa nhiều hơn. Thấy bất ổn, nên tôi mới đi xét nghiệm kiểm tra, được bác sĩ thông tin là nhiễm giun đũa chó. Tôi nghĩ bản thân ăn nhằm thực phẩm có chứa ấu trùng giun nên mới nhiễm bệnh”.

Khi bị nhiễm giun đũa chó, nếu người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bác sĩ tư vấn

Theo bác sĩ Nguyễn Bùi Thế Nhiên, Khoa nhi, Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, người bệnh cần lưu ý một số biểu hiện sau để phát hiện có thể nhiễm giun đũa chó. Như sốt kèm theo nổi mề đay; có biểu hiện sốt cao nhưng không đáp ứng thuốc hạ sốt, đau bụng, tiêu chảy, nôn, ho, khò khè, mệt, ăn uống kém... Khi có một số triệu chứng trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiến hành xét nghiệm kiểm tra. Nếu nhiễm bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ nhiễm ấu trùng giun đũa chó bằng các thuốc kháng ký sinh trùng.

Ở bất kỳ độ tuổi hay giới tính nào đều cũng có khả năng bị nhiễm giun đũa chó. Khi phát hiện sớm, người bệnh sẽ dễ dàng đáp ứng tốt với phác đồ điều trị đã áp dụng. Nhờ đó, những biểu hiện lâm sàng nổi trội ban đầu khi tiếp nhận được cải thiện rõ rệt, như hết sốt, sần mề đay dị ứng lặn dần, hết đau bụng, giảm ho, khò khè. Sự lây truyền của giun toxocara - ấu trùng gây bệnh, là do các điều kiện về khí hậu, tình trạng vệ sinh, tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân chó. Thời gian ủ bệnh, từ vài tuần đến vài tháng, phụ thuộc vào mức độ nhiễm ấu trùng giun nhiều hay ít và tính nhạy cảm của người bệnh.

Người nuốt phải trứng giun, khi đến ruột non trứng nở giải phóng ấu trùng. Ấu trùng chui qua thành ruột di chuyển đến các bộ phận khác như phổi, mắt, gan, thần kinh... gây ra các tổn thương. Ấu trùng toxocara không thể phát triển thành giun trưởng thành trong cơ thể người, nhưng có thể tồn tại ở các bộ phận nhiều năm nếu không được điều trị. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Tuy nhiên, bệnh nhiễm giun đũa chó cũng dễ dàng điều trị và cần sự chủ động phòng bệnh từ người dân. Thực tế, phòng bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó không quá khó, người dân có thể áp dụng một số phương pháp sau. Cụ thể, định kỳ 6 tháng tẩy giun cho chó. Lưu ý, với chó con cần tẩy giun từ 3 tuần tuổi, sau đó cách nhau 2 tuần tẩy nhắc lại đến lần thứ 3, rồi mới tẩy định kỳ bình thường. Hạn chế sự phóng uế của thú nuôi ở các khu vực công cộng, vì đây là điều kiện thuận lợi để phát tán ấu trùng ra diện rộng. Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực có phân chó, trong nhà và khu vui chơi của trẻ em. Bên cạnh đó, cần xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay trước khi ăn và tiếp xúc với chó mèo ở mức an toàn…

Đặc biệt, khi gia đình có trường hợp bị nhiễm giun đũa chó, bác sĩ khuyên rằng các thành viên còn lại nên đi kiểm tra, sàng lọc nhằm phát hiện và điều trị kịp thời (nếu mắc bệnh). Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, thông tin: “Hiện tại, trung tâm chúng tôi có thể thực hiện các xét nghiệm liên quan để phát hiện giun đũa chó. Đồng thời, bệnh nhân sẽ được điều trị cụ thể theo phác đồ. Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, hạn chế được thời gian, chi phí đi lại tuyến trên so với trước”.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>