Học thời công nghệ

19/02/2018 | 06:56 GMT+7

Tuổi 14, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang đã khoác lên mình một chiếc áo đẹp hơn so với thời điểm mới chia tách. Nhìn vào giáo dục Hậu Giang, người ta đã không còn nhắc đến hai từ “vùng trũng” mà đã nói nhiều đến đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý và giảng dạy.

Tiết học trở nên hấp dẫn với việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Đi tắt đón đầu

Đến thăm Trường THPT Cây Dương vào những ngày giáp tết, ấn tượng đầu tiên là không khí dạy và học hết sức nghiêm túc của nhà trường. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trường, vào tận các lớp học đang được trang trí cây, hoa đẹp mắt để chào đón mùa xuân mới, ông Đặng Thanh Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Mùa xuân này với trường tôi có rất nhiều ý nghĩa. Trường có đội ngũ thầy cô giáo nhiệt tình, sáng tạo, ham học hỏi, vui hơn là lực lượng học sinh cũng có nhiều đam mê, ham học. Việc thầy cô, rồi các em học sinh dành thời gian đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, chịu khó nghiên cứu khoa học đã góp phần giúp thầy và trò đạt nhiều kết quả”.

Dừng lại tại lớp 12A5, chúng tôi bắt gặp một giờ học toán thật sinh động với sự tương tác qua lại của thầy và trò, không phải là bảng đen, phấn trắng mà hướng về bục giảng là một màn hình to, giáo viên đang hướng dẫn học sinh bài toán hình học với các cách tính góc, độ của tứ giác, lục giác rất hấp dẫn. Dừng bài giảng lại ít phút, thầy Nguyễn Ngọc Huy, giáo viên dạy môn toán của trường, bộc bạch: “Học sinh được xem hình thật, vật thật, cách đo đạc của các kỹ sư hay việc hướng dẫn giải toán với nhiều cách làm các em rất thích và chú ý hơn trong tiết học. Đây là trợ thủ đắc lực cho giáo viên khi áp dụng đúng bài, đúng mục đích”. Tỏ ra khá thích thú khi được học với máy chiếu có hình ảnh vật thật, clip thật, em Lê Thị Kim Cương, học sinh lớp 12A5, nói: “Không chỉ được học tại trường, thầy cô còn chỉ em trang web ôn tập ở nhà để vừa củng cố kiến thức, vừa có thể tự thực hành thêm bài tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT sắp đến. Mấy ngày tết ở nhà, em sẽ dễ dàng học bài hơn nhờ trang web thầy chỉ”. Trang web mới mà các em học sinh chia sẻ là sự sáng tạo của thầy có tên miền www.toanphothong.edu.vn, với mã nguồn mở. Học sinh rất dễ dàng đăng ký sử dụng. Trang web này sử dụng rất tốt trên các thiết bị điện thoại di động, rất dễ tra cứu bài giảng của giáo viên. Không chỉ vậy học sinh còn được thực hành các bài tập trắc nghiệm toán cụ thể sau mỗi bài, mỗi chương và có kết quả sau mỗi lần thực hành. Mỗi đáp án đều có hướng dẫn cách giải bài tập…

Ứng dụng công nghệ thông tin đã lan tỏa trong trường học.

Với việc “đi tắt đón đầu” ứng dụng công nghệ thông tin trước những điểm mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi triển khai thi trắc nghiệm ở tất cả các môn thi THPT quốc gia (trừ môn ngữ văn), Trường THPT Cây Dương đã mang lại kết quả xuất sắc khi là 1 trong 13 trường có 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, có trên 50% đậu đại học, cao đẳng nguyện vọng 1.

Cùng chung niềm vui đó, năm nay Trường THPT Phú Hữu, huyện Châu Thành, cũng vào tốp 13 trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT 100%. Ông Trần Văn Ánh, Hiệu trưởng của trường, cho biết: “Năm 2015, 2016 trường không đạt được tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT 100%, nên năm nay bằng mọi sự nỗ lực, thầy và trò quyết tâm giành kết quả cao nhất trong kỳ thi. Kết quả này là sự đền đáp xứng đáng sau những nỗ lực công sức mà thầy và trò đã bỏ ra”. Góp phần vào kết quả kỳ thi đó là thầy Nguyễn Việt Cường, giáo viên dạy toán khi thầy đã lập trình thành công phần mềm chấm thi trắc nghiệm 4 đáp án phiên bản tiếng Việt. Nhờ phần mềm này các giáo viên đã sử dụng giảm bớt thời gian chấm bài cho học sinh để dành nhiều thời gian rèn học sinh kỹ năng làm bài. Để chấm bài nhanh, thầy Cường còn sáng chế hộp dụng cụ, được làm bằng thùng giấy A4. Giờ đây, với sản phẩm do mình làm ra, thầy Cường có thể chấm thi với tốc độ 1 bài thi trắc nghiệm/giây, với độ chính xác đạt 100%.

Sáng kiến, sáng tạo trong nhà trường khoảng 3 năm trở lại đây đã trở thành một phong trào sâu rộng, trở thành “thương hiệu” mới của ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang. Giáo viên năng động đã tạo nên những lớp học sinh chịu khó tìm tòi.

Đổi mới trong nhà trường - phải làm, phải thực hiện

Sử dụng phần mềm công nghệ thông tin hỗ trợ học tập và bổ sung kiến thức tại nhà, tại trường là cách em Nguyễn Đức Tông, học sinh lớp 12A, Trường THPT Long Mỹ, thị xã Long Mỹ đang áp dụng để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi THPT sắp đến. Xuất phát từ cách học hiện đại trên em cùng với anh học trên mình 1 lớp đã dùng để thiết kế “Website hóa học trực tuyến - Bộ công cụ hóa học dành cho máy tính và điện thoại”, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Bộ công cụ hóa học trực tuyến này đã đạt giải khuyến khích cho cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2016. Em Tông chia sẻ: “Tại trường cũng có không ít bạn học chưa tốt môn hóa nên em đã dùng kiến thức tích lũy được kết hợp với sự hỗ trợ của thầy, cô để thiết lập bộ công cụ hóa học trực tuyến. Đây được xem là cách học hiện đại nhằm giúp các bạn tại trường, cũng như các bạn ở trường khác có thêm nguồn kiến thức mới để tự ôn, tự rèn luyện nâng cao kiến thức cho mình”. Với bộ sản phẩm công cụ hóa học trực tuyến này, em Tông đã thiết kế khá đầy đủ kiến thức cơ bản và các dạng bài tập môn hóa học thuộc tất cả chương trình cấp III. Bà Trịnh Thị Trúc Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Long Mỹ, cho biết: “Điểm mạnh của học sinh hiện nay là rất chịu khó học tập và sáng tạo. Từ những sáng tạo của mình, các em đã giúp cho mình và nhiều học sinh khác tự tin hơn trong học tập. Việc các em lãnh giải cao hay thấp không quan trọng, quan trọng là các em biết cách học, chủ động lĩnh hội kiến thức đó là điều chúng tôi rất mừng”.

Thầy Nguyễn Ngọc Huy (bìa trái), giáo viên dạy môn toán Trường THPT Cây Dương, hướng dẫn học sinh sử dụng trang web để ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia.

Trong xã hội hiện đại, chỉ bằng một cú nhấp chuột người học có thể có ngay trước mắt mình nội dung của những kiến thức cần có, thậm chí còn có thể nhiều hơn, mới hơn, hấp dẫn, nên việc đổi mới trong nhà trường là điều bắt buộc phải làm, phải thực hiện.

Trường THCS Phan Văn Trị, thành phố Vị Thanh là một trong những trường trên địa bàn tỉnh sớm đăng ký sử dụng triển khai phần mềm SMAS 2.0 (năm học 2012-2013) rồi đến phần mềm SMAS 3.0 (năm học 2017-2018). Không chỉ phục vụ hữu hiệu cho việc lưu trữ, quản lý hồ sơ giáo viên, học sinh, quản lý quá trình giảng dạy và học tập, quản lý điểm, tổng kết điểm, đánh giá rèn luyện, xếp loại học sinh… các phần mềm SMAS còn giúp nhà trường tiết kiệm thời gian đối với công tác thống kê, báo cáo cấp trên. Bên cạnh đó là tiện ích nhắn tin được tích hợp trên phần mềm với các dịch vụ tin nhắn giáo viên (SMS Teacher) và dịch vụ tin nhắn phụ huynh học sinh (SMS Parents). Tính năng này gồm những tin nhắn tự động (khi nhà trường cập nhật đầy đủ dữ liệu lên phần mềm SMAS, theo định kỳ phần mềm sẽ tự động gửi thông tin tới các số điện thoại di động đăng ký nhận tin) và tin nhắn chủ động (khi có những thông tin đột xuất, nhà trường cập nhật vào phần mềm để nhắn tin cho giáo viên, hoặc phụ huynh). Ông Trương Minh Tân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Văn Trị, cho biết: “Hệ thống phần mềm này là một giải pháp tổng thể và đồng nhất trong việc tin học hóa công tác quản lý học sinh, giáo viên ở các nhà trường. Với việc ứng dụng phần mềm này trong quản lý nhà trường, việc tính điểm, cũng như đánh giá học sinh được thực hiện nhanh gọn hơn, thay vì viết tay vào sổ theo dõi hay học bạ như trước đây”…

Còn rất nhiều những ứng dụng mang tính thực tiễn khác đã được áp dụng ngay trong các trường học nhờ vào sự sáng tạo, năng động của các giáo viên, học sinh. Nhìn lại một năm đã qua, ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Với cách dạy, cách học chủ động, sáng tạo của giáo viên và học sinh đã góp phần đưa giáo dục tỉnh nhà trở thành điểm sáng của khu vực. Chúng tôi thấy mừng vì năm nay là một mùa bội thu với nhiều giải cao cấp tỉnh, cấp quốc gia và khu vực. Hậu Giang đã được bạn bè các tỉnh bạn biết đến với các phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo… Tất cả là một nền tảng vững chắc để giáo dục Hậu Giang vươn đến tầm cao mới trong xuân mới”.

Kết quả nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin

Trong năm học 2016-2017: Toàn ngành đã có trên 800 bài giảng điện tử, mở trên 6 lớp bồi dưỡng, tập huấn công nghệ thông tin, có 297 cơ sở giáo dục kết nối băng thông rộng… Đến thời điểm này, toàn ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang có 5.044 máy tính, 200 máy chiếu, 312 màn hình, 27 phòng học thông minh… Năm học 2017-2018 này, phấn đấu mỗi trường trang bị ít nhất 2 bộ máy vi tính, 1 máy in, 1 webcam, mỗi tổ bộ môn trong trường có máy tính dùng chung, trang bị đủ máy tính phục vụ dạy và học môn tin học (tiểu học 24 học sinh/máy, THCS đạt 16 học sinh/máy, THPT đạt 16 học sinh/máy)… Ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần mang lại những kết quả giáo dục nổi trội, khi tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các cấp học tăng đáng kể. Ở bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học là 95%; cấp THCS có tỷ lệ học sinh khá, giỏi là 68,78% (tăng hơn 11,5% so với năm học 2015-2016), giảm 1% học sinh yếu, kém; cấp THPT tăng gần 8% học sinh khá giỏi, giảm hơn 0,3% học sinh yếu, kém. Trong hơn 600 giải thưởng cấp tỉnh, khu vực, quốc gia, có nhiều giải thưởng liên quan đến ứng dụng công nghệ trong sáng tạo, dạy học.

 

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>