Khẳng định hiệu quả điều trị dự phòng HIV truyền từ mẹ sang con

24/08/2017 | 08:01 GMT+7

“Những năm qua, tỉnh có 15 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tất cả các em đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, kết quả cả 15 trẻ đều không nhiễm HIV” - đây là kết quả đầy kỳ vọng mà ông Võ Chí Đại (ảnh), Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, nói đến đầu tiên trong cuộc trao đổi với phóng viên về hiệu quả trong cuộc chiến phòng tránh HIV lây truyền qua đường mẹ con.

Thưa ông, với kết quả đạt được hiện nay, định hướng trong thời gian tới, hoạt động tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ được tiếp tục triển khai như thế nào ?

- Từ năm 2012 đến nay, dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho phụ nữ mang thai được triển khai đến tận các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Hoạt động này được kết hợp với các đợt tiêm ngừa uốn ván cho thai phụ để tư vấn và lấy mẫu máu gởi lên trung tâm y tế huyện, thị, thành phố làm xét nghiệm HIV.

Riêng những tháng đầu năm 2017, tổng số thai phụ được tư vấn xét nghiệm HIV là 2.408 người, có 3 trường hợp nhiễm HIV. Ngoài việc điều trị cho mẹ ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV (trong lúc mang thai hay chuyển dạ sinh) thì con của những bà mẹ nhiễm HIV cũng được điều trị ARV ngay sau khi sinh. Điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được thực hiện theo đúng hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS của Bộ Y tế.

Định hướng kế hoạch năm 2017 và thời gian tiếp theo, chúng tôi sẽ đảm bảo thực hiện các mục tiêu: trên 90% phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV; 100% số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được dự phòng sớm bằng thuốc ARV; trên 90% con của bà mẹ nhiễm HIV được chuyển gởi thành công đến cơ sở nhi để tiếp tục theo dõi và chăm sóc sau sinh. Trên 90% bà mẹ nhiễm HIV được chuyển gởi thành công đến cơ sở chăm sóc điều trị HIV và tiếp tục theo dõi, quản lý, chăm sóc và nhận các dịch vụ can thiệp phù hợp sau sinh. Tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con còn dưới 2%.

Hiện tại, thực hiện tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện đối với thai phụ và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn gặp khó khăn gì, thưa ông ?

- Bên cạnh những thành công thời gian qua thì công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn gặp không ít khó khăn, tồn tại. Công tác xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai còn thực hiện ở giai đoạn muộn của thai kỳ, đặc biệt có những trường hợp xét nghiệm phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong lúc chuyển dạ nên can thiệp và điều trị thường muộn. Việc xã hội hóa xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai lại bị vướng bởi Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí. Trong khi đó, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai bằng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế theo Thông tư 15/2015/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS chưa được áp dụng mạnh mẽ tại các cơ sở y tế.

Mặt khác, nhận thức tầm quan trọng của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng về tầm quan trọng của việc xét nghiệm HIV còn hạn chế, nên ảnh hưởng đến việc tự nguyện xét nghiệm HIV. Ngân sách chương trình còn hạn chế, bị cắt giảm nhiều ảnh hưởng đến hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói chung và xét nghiệm HIV cho thai phụ nói riêng.

Phụ nữ trong thời gian mang thai nên xét nghiệm HIV.

Các giải pháp nào sẽ được thực hiện nhằm khắc phục khó khăn và đạt mục tiêu trên, thưa ông ?

- Nhằm đạt được các mục tiêu của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tập trung thông tin, truyền thông và giáo dục về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 03 tháng đầu của thai kỳ,  hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để thai phụ dễ tiếp cận.

Tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho các thai phụ đến khám thai tại các cơ sở y tế. Tiếp tục triển khai điều trị sớm ngay khi phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV tại các cơ sở sản khoa có cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Đồng thời, triển khai tư vấn xét nghiệm cho chồng, bạn tình của thai phụ nhiễm HIV tại các cơ sở sản khoa có triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tăng cường hoạt động chuyển gửi trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sang cơ sở chăm sóc điều trị HIV trẻ em đảm bảo trẻ được tiếp cận chăm sóc sau sinh. Tăng cường hoạt động chuyển gửi mẹ nhiễm HIV sang cơ sở đủ điều kiện điều trị ngoại trú người lớn để mẹ được tiếp tục chăm sóc và điều trị ARV liên tục.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>