Khó khăn do chuyển đổi nơi khám, chữa bệnh

14/09/2020 | 19:41 GMT+7

Hơn 2 tháng qua, liên quan đến việc chuyển đổi nơi khám, chữa bệnh sau khi thành lập bệnh viện mới, sắp xếp lại tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã gây ra nhiều khó khăn, phiền hà với người dân và cả bệnh viện.

Chăm sóc sản phụ tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Đau bụng sinh con vào viện, vẫn phải đi xin giấy tờ để được thanh toán bảo hiểm y tế...

“Trong tình trạng đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ sinh con, vợ chồng tôi đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh để khám, tuy nhiên, do thẻ bảo hiểm y tế của tôi có nơi khám, chữa bệnh ban đầu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nên nhân viên y tế hướng dẫn tôi phải đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để xin giấy chuyển viện mới được thanh toán bảo hiểm y tế đúng tuyến. Vì để được thanh toán bảo hiểm y tế đúng tuyến, vợ chồng đèo nhau đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để xin giấy chuyển tuyến, tuy nhiên khi đi rất lo lắng vì đang trong quá trình chuyển dạ sinh con, không biết trong quá trình di chuyển, chờ đợi có chuyển dạ sinh con hay không?” - đây là chia sẻ của chị Võ Thị Thiên Nga, ở khu vực 2, phường III, thành phố Vị Thanh.

Một số trường hợp khác đành chịu giảm tỷ lệ được chi trả bảo hiểm y tế vì lo cho sự an toàn sức khỏe cho con nên không đi xin giấy. Bà Lê Thị Cẩm, mẹ của sản phụ Huỳnh Thị Như, ở phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Khi đưa con đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cũng được hướng dẫn qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh để xin giấy chuyển viện. Vì lo cho sức khỏe của con đang đau đẻ, gia đình đành chịu nhập viện trái tuyến”.

Trường hợp của chị Thiên Nga và chị Như cũng là sự phiền hà chung của hầu hết các thai phụ đang có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh khi đến sinh con tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Theo điều dưỡng hành chính Nguyễn Thị Trang, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh: “Chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp như vậy, dù nhân viên y tế có hướng dẫn nhưng nhiều bệnh nhân khá bức xúc vì phải đến nơi khám chữa bệnh ban đầu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm giấy chuyển tuyến để được thanh toán bảo hiểm y tế đúng tuyến. Nhiều trường hợp chấp nhận nhập viện không đúng tuyến. Tuy nhiên, do cơ chế quy định, chưa thông tuyến tỉnh nên chưa có cách nào tháo gỡ khó khăn này, đành phải tích cực giải thích cho bệnh nhân và người nhà hiểu”.

Khó khăn chưa dừng lại đó...

Thực tế tại 2 bệnh viện này, còn những cản trở của vấn đề cơ chế gây khó khăn trong hoạt động. Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, chia sẻ: “Bệnh viện Sản Nhi hiện là bệnh viện hạng 2, có danh mục thuốc theo bệnh viện hạng 2, trước đây Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh là bệnh viện hạng 3. Sau một thời gian vào hoạt động, đến nay việc chuyển danh mục thuốc chưa xong, danh mục thuốc một số loại chưa được ánh xạ lên phần mềm nên khi điều trị bệnh viện còn tự mua thuốc và lập danh sách riêng chưa biết có được thanh toán bảo hiểm y tế hay không? Do Bệnh viện Đa khoa tỉnh không có khoa sản nên chúng tôi đề nghị đúng chuyên khoa thì không cần chuyển tuyến ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh về Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cần được điều chỉnh cơ chế để giảm phiền hà cho người dân. Bệnh viện cũng đã đề nghị với Sở Y tế áp dụng cứ chuyển dạ sinh thì thuộc diện cấp cứu để hạn chế phiền hà cho người bệnh”.

Nguyên nhân là tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau khi được sắp xếp lại không còn khoa Nhi và khoa Sản nên tất cả các trường hợp khám bệnh sản phụ khoa có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều phải chuyển sang Bệnh viện Sản Nhi tỉnh gây rất nhiều khó khăn, phiền hà cho người bệnh và bệnh viện. Ông Lê Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện, nói: “Hiện bệnh viện không có bác sĩ chuyên sản hoặc nữ hộ sinh, trong khi hàng ngày phải tiếp nhận bệnh nhân sản phụ khoa đến khám, chữa bệnh, vì vậy tất cả phải làm giấy chuyển viện. Khi ký giấy chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho các trường hợp bệnh sản phụ khoa là bác sĩ ngoại khoa hoặc bác sĩ nội khoa. Riêng những trường hợp bệnh lý ngoại nhi mà Bệnh viện Sản Nhi tỉnh chưa thực hiện hoặc cấp cứu nhi khi bệnh viện tiếp nhận thì chưa có cơ sở thanh quyết toán với bảo hiểm y tế”.

Cũng theo ông Hoàng, Bệnh viện đang kiến nghị Sở Y tế cho phép bệnh viện cấp cứu cho bệnh nhi khi vượt khả năng của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh và có thể tổ chức phòng khám sản phụ khoa để thực hiện phục vụ người bệnh, giảm bớt phiền hà cho người bệnh sản phụ khoa.

Khi không còn Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, cũng ảnh hưởng đến một số trường hợp người có bảo hiểm y tế ở một số xã lân cận thành phố Vị Thanh như xã Vị Thanh, Vị Đông của huyện Vị Thủy. Bà Lê Thị Phúc, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực xã Vị Thanh, chia sẻ: “Khi có chủ trương chuyển đổi nơi khám, chữa bệnh ban đầu của những người có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn xã, một số trường hợp bày tỏ khó khăn do tuyến đường xa hơn khi đến Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy, thay vì đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh trước đây. Một số trường hợp thẻ hết hạn vận động mua lại rất khó khăn, sẽ khó khăn trong phát triển tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của xã”.

Thực tế, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một cao hơn và luôn có nguyện vọng được đăng ký khám, chữa bệnh tại trung tâm y tế, bệnh viện gần nhà. Ông Ngô Trọng Đức, ở ấp 1, xã Vị Thanh, nói: “Tôi mong muốn được cơ chế cho các xã lân cận thành phố Vị Thanh được đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh như người dân ở các xã, phường ở thành phố Vị Thanh. Trước đây, mỗi năm tôi đều tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh đảm bảo nhu vầu chăm sóc y tế chất lượng hơn và gần nhà. Hiện nay, nếu mua bảo hiểm y tế chuyển nơi khám, chữa bệnh ban đầu ở Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy, xa hơn từ nhà đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên tôi chưa mua lại”.

Đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang nói gì ?

Theo bà Nguyễn Thị Bông, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Giám định Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, chia sẻ: Những thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại nơi khác đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, nếu tình trạng cấp cứu theo chỉ định của bác sĩ thì hưởng đúng tuyến, còn nếu trường hợp không phải cấp cứu mà đến khám thì được hưởng 60% theo mức hưởng khi điều trị nội trú và không được hưởng bảo hiểm y tế khi khám ngoại trú. Phải thực hiện chuyển viện khi thuộc diện vượt khả năng điều trị ở cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu mới được thanh toán bảo hiểm y tế đúng tuyến.

Còn nguyện vọng của người dân ở các địa bàn lân cận thành phố Vị Thanh, như các xã ở huyện Vị Thủy, hay ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, hiện tại theo quy định không thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, người dân có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại một trong những trạm y tế ở thành phố Vị Thanh vì người dân có thể tham gia bảo hiểm y tế ở tuyến huyện, tuyến xã phù hợp với nơi ở, nơi làm việc. Khi người dân có bệnh, các trạm y tế ở thành phố Vị Thanh có thể chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh nếu vượt khả năng điều trị.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>