Kỳ vọng Hậu Giang đạt được mức sinh thay thế là 2,1 con/bà mẹ

10/07/2020 | 09:25 GMT+7

Đợt 1 của Chiến dịch Truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số năm 2020 đã diễn ra từ ngày 9-6 đến 6-7. Với sự quyết tâm cao của tất cả các địa phương đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi với hầu hết chỉ tiêu cả chiến dịch được hoàn thành ở nửa chặng đường đầu. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Hoàng Loan (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, xoay quanh những kết quả phấn khởi này.

Thưa bà, một trong những mục tiêu trọng tâm của chiến dịch là công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, ở đợt 1 chiến dịch tập trung cho công tác này như thế nào ?

- Khi bắt đầu vào chiến dịch, tất cả các địa phương đều quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra và hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu cả năm 2020 sau kết thúc chiến dịch vào ngày 7-8. Hoạt động truyền thông là một phần quan trọng của chiến dịch được thực hiện rầm rộ và đồng loạt ở tất cả các địa phương với nhiều hình thức tuyên truyền: Trực tiếp qua lực lượng cán bộ, cộng tác viên dân số và các ấp, khu vực, ban, ngành, hội, đoàn thể,… ; tuyên truyền gián tiếp qua tờ rơi, băng rôn, băng đĩa, đài truyền thanh, phát thanh và trên Báo Hậu Giang. Qua kết quả kiểm tra thực tế tại cộng đồng cho thấy thông tin chiến dịch đã đến được với người dân, đối tượng biết được các chủ trương, chính sách dân số và biết các dịch vụ được cung cấp trong chiến dịch. Qua đó, thu hút người dân thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện các mô hình sàng lọc sơ sinh, trước sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân và khám sức khỏe người cao tuổi, nhận thức được nên sinh đủ 2 con để duy trì mức sinh thay thế.

Vậy kết quả chiến dịch đạt được sau đợt 1 như thế nào, thưa bà ?

- Với sự quyết tâm cao, chỉ đạo sâu sát và quan tâm đầu tư kinh phí từ các huyện, thị, thành, xã, phường, thị trấn và sự nỗ lực của gần 1.500 cộng tác viên, cán bộ dân số và sự phối hợp của các ban, ngành, hội, đoàn thể,… Qua đó, kết quả chiến dịch sau đợt 1 rất khả quan, với nhiều chỉ tiêu đã đạt cơ bản khoảng 80% so với kế hoạch đề ra cuối chiến dịch. Một số chỉ tiêu như tổng số người sử dụng mới các biện pháp tránh thai hiện đại có 48.641 người thực hiện, trong khi chỉ tiêu cả chiến dịch là 43.604 người, đạt 111% và đạt 102% so với chỉ tiêu năm 2020. Đây thực sự là chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ với trên 80.000 chị em đã được tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa, điều trị bệnh phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung, ung thư vú. Đã có nhiều chị em được phát hiện các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, u nang, u xơ,… qua khám tầm soát. Qua hoạt động này cũng tác động vào nhận thức phụ nữ về tầm quan trọng của khám sức khỏe sinh sản định kỳ để phát hiện sớm bệnh nếu có.

Thuận lợi chiến dịch là được cấp kinh phí từ sớm, sự chuẩn bị nguồn nhân lực, phương tiện, thuốc, hóa chất,… sẵn sàng ngay trước chiến dịch nên rất chủ động khi vào chiến dịch. Các trung tâm y tế và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh hỗ trợ tích cực cung ứng dịch vụ ở các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân. Khâu tổ chức điểm cung ứng dịch vụ ở các địa phương hạn chế thấp nhất việc chờ đợi giúp người dân hài lòng khi tiếp cận dịch vụ.

Các gói nâng cao chất lượng dân số được tập trung nhiều hơn, các chỉ tiêu khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc sơ sinh, trước sinh, đều đạt 100% ở thời điểm hiện tại. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được thực hiện với sự nỗ lực lớn của địa phương. Lúc đầu còn thiếu chuyên khoa ở các đoàn khám, tuy nhiên ngay sau đó đã bổ sung thêm nhân lực để đảm bảo chất lượng khám đảm bảo các chuyên khoa, đồng thời bổ sung các chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm, điện tim và test nhanh kiểm tra đường huyết nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.

Lần đầu tiên trong chiến dịch, chỉ tiêu “vận động sinh đủ hai con” được đưa vào xét thi đua, bà kỳ vọng gì qua việc này ?

- Hậu Giang là một trong 21 tỉnh, thành trong cả nước có mức sinh thấp. Theo thống kê chuyên ngành thì mức sinh năm 2019 chỉ có 1,3 con/phụ nữ, năm nay đây là chỉ tiêu mới được đưa vào thi đua trong chiến dịch. Đây cũng là chỉ tiêu khó cần có thời gian thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn thông qua chiến dịch tạo nên một lực đẩy để các địa phương tích cực hơn, tuyên truyền mạnh hơn để tránh cấu trúc gia đình tương lai của Hậu Giang là 4-2-1 (ông bà nội, ngoại - hai vợ chồng - 1 con). Thực tế, một số địa phương đã vào cuộc quyết liệt, ra mắt các mô hình xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực sinh đủ 2 con. Kỳ vọng sẽ tác động đến suy nghĩ và hành động của từng gia đình nhằm tăng sinh, đạt được mức sinh thay thế là 2,1 con/bà mẹ như nghị quyết đề ra. Chúng tôi sẽ đề xuất những chính sách khuyến khích sinh đủ hai con cho những cặp vợ chồng, thay vì trước đây chỉ tập trung chính sách đối với tổ chức, tập thể,… nhằm thúc đẩy, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

Cao điểm chiến dịch tại phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ.

Những vấn đề nào địa phương cần được quan tâm tiếp theo trong đợt 2 chiến dịch, thưa bà ?

- Chỉ tiêu chiến dịch dù đã đạt được cơ bản, tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu cụ thể chưa đạt 100%, như dụng cụ tử cung đạt trên 90%, que cấy trên 50%, chỉ tiêu khám sức khỏe người cao tuổi vẫn chưa đạt, các gói nâng cao chất lượng dân số cần được duy trì thực hiện mới đạt được mục tiêu 100% cuối chiến dịch. Công tác tuyên truyền cần được tiếp tục duy trì, nhất là tuyên truyền vận động thực hiện các chỉ tiêu trên, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về sinh đủ hai con. Các địa phương cần quan tâm đảm bảo chất lượng cung ứng dịch vụ để người dân được chăm sóc sức khỏe sinh sản với chất lượng đảm bảo.

Xin cảm ơn bà !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>