Lo dịch bệnh tay - chân – miệng

03/07/2017 | 08:02 GMT+7

Đến thời điểm này, tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố Vị Thanh đều đã xuất hiện bệnh tay - chân - miệng và đứng đầu tỉnh về số cas bệnh. Đáng lo nhất là số cas bệnh mới vẫn tiếp tục gia tăng.

Bà Huệ Nguyên, Phó trưởng Trạm Y tế xã Vị Tân (phải), hướng dẫn người dân cách sử dụng cloramin B.

Bệnh tập trung nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi     

Đặc điểm chung của bệnh tay - chân - miệng đa phần xảy ra ở nhóm trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, theo phân tích của ngành y tế thành phố Vị Thanh, khoảng 94% cas bệnh ghi nhận trong 6 tháng qua là trẻ dưới 3 tuổi. Là một trong hai địa bàn có cas bệnh tay - chân - miệng cao nhất của thành phố, xã Vị Tân đến thời điểm này có 18 cas bệnh, nhưng có 3 trường hợp đã xác định không phải mắc bệnh này và tổng số còn 15 cas. Bà Nguyễn Thị Huệ Nguyên, Phó trưởng Trạm Y tế xã Vị Tân, chia sẻ: “Nhóm trẻ dưới 3 tuổi đa phần là được chăm sóc ở gia đình, một số gửi nhóm trẻ tư thục”. Đặc điểm này đặt ra quan ngại về việc phòng và sự quan tâm phòng bệnh cho trẻ ở các gia đình và ở nhóm trẻ tư thục.

Đôi khi do một lúc lơ là mà trẻ mắc bệnh, như trường hợp bé Nguyễn Phúc Thiên, 9 tháng tuổi, ấp 2A, xã Vị Tân. Theo lời của gia đình nghĩ thì nguyên nhân bé mắc bệnh là do trước đó có thể em đã tiếp xúc với một bé khác mắc bệnh tay - chân - miệng ở nhà người quen. Mới đầu cháu bị sốt nhẹ rồi sốt nhiều hơn phải nhập viện điều trị, tay, chân nổi rất nhiều mụn nước. Bà Nguyễn Thị Mai, bà nội bé thừa nhận: “Mình cũng kỹ lưỡng, lau nhà cửa thường xuyên, nhưng việc rửa tay thì chưa tốt, đôi khi đang bận công chuyện cháu khóc thì cũng quên rửa tay rồi ẵm cháu”. Ấp 2A và ấp 6 là 2 ấp có cas bệnh tay - chân - miệng nhiều nhất của xã Vị Tân. Bà Huệ Nguyên, Phó trưởng Trạm Y tế xã Vị Tân, cho biết thêm: “Có nhà đến 2 bé bị bệnh, cháu này bệnh trước vài ngày sau cháu kia bệnh”.

Đến thời điểm cuối tháng 6, thành phố Vị Thanh có 83 trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng ở 100% xã, phường và tăng 40 cas so với cùng kỳ năm 2016. Tập trung nhiều nhất ở phường IV và xã Vị Tân. Dù thành phố đã triển khai hai đợt chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh nhưng số cas bệnh mới tiếp tục được ghi nhận, tuần nào cũng có cas bệnh mới.

Công tác tuyên truyền, giám sát cas bệnh được quan tâm thực hiện khi địa phương nhận được thông tin từ hệ thống báo dịch của tỉnh. Công tác tìm gia đình trẻ được triển khai ngay sau đó. Mỗi trẻ bị bệnh được cán bộ y tế cấp cloramin B, hướng dẫn lau chùi nhà cửa, vệ sinh đồ chơi cho trẻ và những nhà có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ở bán kính 200m từ nhà trẻ bệnh cũng được hướng dẫn tương tự như thế.

Thực hành phòng bệnh

Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền, giám sát cas bệnh gặp nhiều khó khăn vì chưa hoàn toàn có sự hợp tác của các gia đình. Ông Chu Biên Cương, Phó trưởng Trạm Y tế phường IV, nói: “Hộ dân được tuyên truyền, tiếp cận thông tin, được hướng dẫn lau chùi nhà cửa bằng cloramin B nhưng có những trường hợp không duy trì được trong vòng một tuần như hướng dẫn. Do vậy, hiệu quả phòng bệnh chưa cao. Giám sát vấn đề này, ngành y tế cũng gặp khó khăn về nhân lực. Thêm nữa điều kiện vệ sinh môi trường ở một số gia đình chưa được đảm bảo. Việc thực hành rửa tay chưa thường xuyên và chưa đúng cách nên nguy cơ mắc bệnh là khó tránh”.

Đã có kinh nghiệm về bệnh tay - chân - miệng, nhưng chị Nguyễn Thị Thảo, ở ấp 2A, xã Vị Tân, vẫn lo lắng: “Bệnh tay - chân - miệng rất khó phòng tránh. Trước đây, con đầu lòng của tôi đã bị bệnh đến 3 lần, hai lần đầu nhẹ nhưng lần sau nặng hơn”. Thực tế còn nhiều trường hợp giống như chị Thảo, biết về bệnh tay - chân - miệng nhưng còn mơ hồ về giải pháp phòng bệnh cho con.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh: “Các nghiên cứu cho thấy 70% người lành mang vi trùng cho nên có thể trẻ cũng bị lây bệnh từ người lớn do giữ vệ sinh không đúng. Để khống chế dịch bệnh, chúng tôi đã chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc thực hiện giám sát cas bệnh ở các xã, phường. Khó khăn về nguồn nhân lực trong giám sát việc thực hành của các gia đình chúng tôi sẽ đề nghị các hội, đoàn thể ở địa phương hỗ trợ giám sát sẽ thuận tiện hơn. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng bệnh”.

Để nắm được đặc điểm cas bệnh, Trung tâm Y tế thành phố cũng đã tìm hiểu, phân tích rõ nhóm tuổi, trẻ có đến trường hay không để có giải pháp phòng bệnh hiệu quả hơn, tránh gây bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần sự chung tay phòng bệnh của người dân.

Ông Trương Tỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tư vấn, để phòng bệnh tay - chân - miệng người dân cần: Giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng cho trẻ và người giữ trẻ; giữ vệ sinh ăn uống; vệ sinh thường xuyên dụng cụ, đồ chơi, sàn nhà; giữ vệ sinh môi trường xung quanh nhà; phát hiện tránh nguồn lây bệnh và điều trị sớm; cách ly trẻ bệnh không để tiếp xúc với các trẻ khác…

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>