Lo ngại bệnh tay - chân - miệng tăng nhanh

04/08/2019 | 11:25 GMT+7

Tính đến hết ngày 31-7, toàn tỉnh ghi nhận 242 cas bệnh tay - chân - miệng (TCM), tăng 92 cas so cùng kỳ, diễn biến khá phức tạp và được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.

Vệ sinh đồ chơi cho trẻ bằng xà phòng, sẽ giúp hạn chế bệnh TCM.

Chú trọng nâng cao ý thức người dân

Đang rửa mớ đồ chơi của hai cháu nhỏ bằng xà phòng, bà Nguyễn Thị Thương, ở khu vực 5, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Địa phương tuyên truyền về bệnh này nhiều, rất nguy hiểm nên bản thân tôi luôn giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt cho các cháu. Hễ cháu nóng, là tôi đem ngay đến trạm kiểm tra liền, có bác sĩ kê toa, nếu nặng thì chuyển đi bệnh viện tuyến trên chứ không mua thuốc ngoài tiệm”.

Bà Thương đang trông hai cháu 4 tuổi và 8,5 tháng tuổi. Đây là những trường hợp thường dễ bị bệnh TCM nếu không có sự kiểm tra, đảm bảo vệ sinh ngay tại nhà. Do đó, hàng ngày bà Thương vệ sinh, lau nhà 3 lần, cách bữa là rửa đồ chơi bằng xà phòng, nhằm hạn chế mầm bệnh TCM. Bà Thương còn bảo những dấu hiệu nhận biết của bệnh TCM là trẻ sẽ nóng, quấy khóc, tay, chân, miệng bị nổi mục nước.

Hầu hết người dân đều có kiến thức về phòng, chống TCM, bệnh thường dễ gặp ở trẻ nhỏ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Kiến thức về phòng, chống TCM lại càng được thực hành cụ thể hơn đối với các gia đình đã có trẻ bị bệnh. Ông Nguyễn Văn Thu, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Hồi trước có nghe nói về TCM nhưng không hiểu nhiều, đến khi thằng cháu nó bệnh tôi sợ quá. May mà được địa phương xuống phát Cloramin B để lau dọn nhà, ngăn chặn mầm bệnh nếu không có thể lây thêm đứa còn lại dưới 5 tuổi thì đáng lo”.

Các xã, thị trấn trên địa bàn một số địa phương, như huyện Vị Thủy, Châu Thành, đều đã xuất hiện cas bệnh TCM. Các địa phương còn lại số cas bệnh cũng liên tiếp gia tăng nhanh chóng. Đối tượng mắc là trẻ dưới 5 tuổi. Trong 242 cas ghi nhận, độ I 154 trường hợp, 86 cas độ IIA và 2 cas độ IIB.

Sự chủ động từ ngành chức năng

Thị xã Ngã Bảy, dù chỉ mới xuất hiện 8 cas bệnh, tăng 3 cas so cùng kỳ (ít nhất tỉnh), nhưng địa phương rất chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống, đặc biệt, khi rút kinh nghiệm từ tình hình TCM tăng mạnh vào thời điểm cuối năm 2018. Ông Nguyễn Hoàng Dô, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Chúng tôi nhận định dịch bệnh sẽ có chiều hướng tăng, đặc biệt vào những tháng nhập học, khi trẻ tập trung đông và lây nhiễm những mầm bệnh từ nơi khác đem về. Địa phương rất quan tâm và siết chặt công tác này, ở các trường, nếu phát hiện trẻ bị bệnh phải báo ngay với phụ huynh để đưa đi điều trị kịp thời, tránh để trẻ đi học, nhằm hạn chế tình trạng lây lan”.

Hạn chế mầm bệnh TCM trong học đường được xem là yếu tố then chốt, cốt lõi, để kiềm chế tình hình dịch bệnh đang bùng phát. Bệnh TCM đã xuất hiện ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố, như thành phố Vị Thanh (41 cas), huyện Vị Thủy (29 cas), huyện Phụng Hiệp (49 cas), huyện Châu Thành A (39 cas), huyện Châu Thành (35 cas),… Ông Trần Hiệp Xuân, cộng tác viên y tế ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền, cấp phát tờ rơi cho người dân, đặc biệt đối với những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi. Khi địa phương phát hiện cas bệnh đều phối hợp xử lý kịp thời, đúng lúc, đúng cách tại hộ gia đình có trẻ bệnh và những hộ dân trong bán kính 200m”.

Giám sát, xử lý kịp thời các trường hợp bệnh sẽ làm giảm số cas mắc cũng như sự lây lan TCM trong cộng đồng. Ngoài sự chủ động, giải pháp từ ngành y tế, người dân cũng phải giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở và rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng đúng cách để phòng bệnh.

Ông Nguyễn Văn Thỉnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy, cho biết: “Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền trong trường học, cộng đồng để nâng cao nhận thức người dân về việc phòng bệnh TCM. Ngành y tế cũng cung cấp Cloramin B đầy đủ, kịp thời để các giáo viên thực hiện vệ sinh phòng học, giúp kiểm soát được mầm bệnh”. Hầu hết các cas TCM đều diễn biến nhẹ, nhưng có một số trường hợp bệnh nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, hôn mê,… thậm chí là tử vong. Do đó, trẻ bị TCM cần phải được phát hiện sớm, điều trị kịp thời để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.

Phòng bệnh tay - chân - miệng

Khuyến cáo của ngành chức năng, người dân cần thực hiện, thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng cho trẻ và người giữ trẻ; chú ý vệ sinh dụng cụ, đồ chơi, sàn nhà, xung quanh nhà; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh TCM cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời…

 

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>